Chuyên mục


Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội: Cần cơ chế, chính sách đột phá

12/04/2024 11:19 (GMT +7)

Đây là ý kiến được đại biểu đưa ra tại Hội thảo "Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân", ngày 11/4.

Cần thiết đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt yêu cầu, nhiệm vụ cho Thủ đô cao hơn, mục tiêu xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn. 

Theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành hơn 400km đường sắt đô thị (ĐSĐT).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn: Đường sắt đô thị phải phát triển theo định hướng giao thông công cộng, được đưa vào Luật - Ảnh: VGP/LS

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn: Đường sắt đô thị phải phát triển theo định hướng giao thông công cộng, được đưa vào Luật - Ảnh: VGP/LS

Đề cập đến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Lê Hồng Sơn cho rằng, Luật cần đưa ra các quy định cụ thể, khả thi nhưng cũng phải tạo ra đột phá, vượt trội mới thực hiện được các mục tiêu đề ra, để đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu. 

Thời gian qua, TP. Hà Nội đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các hội thảo về các lĩnh vực của dự án Luật, trong đó có phát triển đường sắt đô thị phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD)… để đưa vào Luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, hiện nay, hạ tầng giao thông của TP. Hà Nội đã quá tải trầm trọng, đặc biệt là khu vực nội đô và các tuyến đường trục xuyên tâm. Để giảm thiểu phương tiện cá nhân, khắc phục ùn tắc giao thông, tất yếu phải đầu tư cho vận tải hành khách công cộng. Trong đó, mạng lưới đường sắt đô thị phải là xương sống của hệ thống giao thông công cộng. Vì vậy, việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị là rất cần thiết.

Theo các đại biểu, hệ thống đường sắt đô thị mang đến nhiều lợi ích, điển hình là giảm tắc nghẽn giao thông trong đô thị, tăng cường khả năng di chuyển và tiếp cận các dịch vụ vận tải, rút ngắn được hành trình giao thông, tăng cường được an toàn đường bộ… 

Bên cạnh đó, với mức tiêu thụ trung bình 0,12 kWh/hành khách/km, đường sắt đô thị tiết kiệm năng lượng trên mỗi hành khách gấp hơn 7 lần so với việc di chuyển bằng ô tô trong TP.

Nguồn năng lượng chủ yếu cho đường sắt là điện, có thể tiêu thụ một phần nhiên liệu sinh học dưới dạng dầu diesel sinh học. Do đó, giảm được lượng khí thải ảnh hưởng đến môi trường. "Theo tính toán của chúng tôi, nếu 1 triệu hành khách chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị thì 1 ngày chúng ta tiết kiệm được 394.000 giờ tham gia giao thông. Nếu 50% số này được đưa vào sản xuất dịch vụ thì chúng ta có thể tạo ra năng suất lao động xã hội là gần 30 tỷ đồng và giảm được khoảng 100 tấn khí thải độc hại", TS Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho hay.

Cần phải vượt qua các thách thức, khó khăn để sau khi đưa hệ thống đường sắt đô thị vào khai thác - Ảnh: VGP/LS

Cần phải vượt qua các thách thức, khó khăn để sau khi đưa hệ thống đường sắt đô thị vào khai thác - Ảnh: VGP/LS

Đường sắt đô thị phải vượt thách thức, đảm bảo tính khả thi

Tuy nhiên, để có được những lợi ích nêu trên, các đại biểu nhấn mạnh, cần phải vượt qua một số thách thức lớn như thách thức về mặt kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, thách thức về hình thành khung chính sách và quy định, thách thức về nguồn kinh phí và tài chính và cả những hạn chế, khó khăn sau khi đưa hệ thống đường sắt đô thị vào khai thác.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường sắt đã được quy hoạch của TP Hà Nội. Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng kiến nghị triển khai đồng bộ công tác quy hoạch, đảm bảo quy hoạch đi trước. 

"Trong bối cảnh chúng ta đang điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, trong đó có hệ thống đường sắt, cần nghiên cứu và chuẩn hóa quy hoạch hệ thống ĐSĐT làm rõ số tuyến xây dựng và có kế hoạch thực hiện đảm bảo khả thi", ông Lê Quang Hùng nói và kiến nghị xây dựng một Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng hệ thống đường sắt đô thị với nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc thực hiện.

Trong khi đó, TS. Vũ Hồng Trường cho rằng, với tư duy đột phá, TP. Hà Nội hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch. Theo đó, trước hết, cần có các đột phá về cơ chế, chính sách từ tầm của Quốc hội, các bộ, ban, ngành và TP. Hà Nội. "Chỉ riêng việc để lái tàu được cấp giấy phép lái tàu đã phải sửa các thông tư, nghị định rất nhiều lần liên quan đến độ tuổi cấp phép lái tàu", ông Trường dẫn chứng. Cùng với đó, cần có đột phá về kênh huy động nguồn vốn.

Khẳng định TP. Hà Nội dứt khoát phải triển khai đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội kiến nghị, về cơ chế, Quốc hội cần sớm thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó quy định rõ việc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật. Quốc hội có nghị quyết riêng về vấn đề giao thông của Thủ đô, trong đó trao quyền và trách nhiệm cho lãnh đạo TP. Hà Nội về vấn đề này cũng là một phương án được PGS.TS Bùi Thị An đề cập. "Thủ đô không phải là của riêng Hà Nội, mà là của cả nước nên phải có đột phá về phát triển giao thông, trong đó có hệ thống đường sắt đô thị", bà Bùi Thị An nói.

GS.TS Phạm Văn Ký nhấn mạnh, cần tạo thuận lợi cho hành khách ra vào nhà ga, chuyển tuyến thì người dân mới sử dụng phương tiện giao thông công cộng, từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư cùng góp vốn xây dựng đường sắt. Ông Phạm Văn Ký cũng cho rằng cần hoàn thiện tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công và nghiệm thu đường sắt trong khu vực đô thị để đảm bảo chất lượng và tăng nhanh tiến độ, giảm giá thành xây dựng. 

Theo Báo Điện tử Chính phủ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và dấu ấn nâng tầm đối ngoại Việt Nam
Trân trọng giới thiệu bài viết của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...

Có một ngôi sao sáng, một ngọn lửa đỏ rực không bao giờ tắt
Khi được biết thông tin rất đau buồn từ Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương về việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến đã từ trần, tôi ngồi lặng đi, buồn thương, tiếc nuối, kính trọng, xót xa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ trần vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trao tặng Huân chương Sao Vàng
Bộ Chính trị đã có quyết định trao Huân chương Sao Vàng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hà Nội phải đi đầu trong phát triển số hoá
Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội phải phấn đấu là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.

Quyết tâm hoàn thành khoảng 1.200 km cao tốc cho ĐBSCL
Kiểm tra công trường tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm có khoảng 1.200 km cao tốc theo quy hoạch và cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho vùng.