Bài 2: "Xe đạp điện trá hình" và hiểm hoạ tai nạn giao thông ở học sinh
Tai nạn giao thông gia tăng liên quan đến học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện thời gian gần đây đã ít nhiều tạo cái nhìn không tốt trong dư luận. Tuy nhiên, thực trạng này lại mâu thuẫn với những giá trị tiện ích đem lại cho người tiêu dùng và xã hội mà nhiều nhà sản xuất xe mong muốn.
LỜI TOÀ SOẠN
Xe điện được đánh giá thuộc "Phương tiện giao thông sạch" vì ít gây ô nhiễm môi trường, không gây tiếng động. Ngoài ra, có khá nhiều loại xe đạp điện, xe máy điện mi-ni nhỏ, chi phí thấp phù lộ trình, nên phương tiện này được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em đến trường.
Theo quy định tại Việt Nam, học sinh trên 16 tuổi được phép sử dụng xe máy điện và xe gắn máy có gắn động cơ dưới 50 cm3; trong khi xe đạp điện không có quy định về độ tuổi sử dụng vì tốc độ cũng thấp hơn nhiều. Quan sát thực tế từ thành thị đến nông thôn, không khó đề bắt gặp hình ảnh các em học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông.
Tính phổ cập dòng xe này cho thấy tiện ích tối ưu của với cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, đối tượng sử dụng chính là các em học sinh phổ thông nên lại cần có cơ chế quản lý và kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng, phối hợp cùng cha mẹ, nhà trường và đặc biệt cần đào tạo kiến thức tham gia giao thông cho chính con em mình... Thế nhưng để làm được việc đó lại là một bài toán khó. Bởi chỉ cần hổng một vài chỗ như ở khâu quản lý thị trường, sự mơ hồ của người sử dụng... sẽ khiến cho các chính sách khuyến khích phát triển giao thông xanh chậm lại, các doanh nghiệp kinh doanh xe điện uy tín nản lòng.
Nghiên cứu của Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á cho thấy, học sinh ở nhóm tuổi từ 6 đến dưới 18 tuổi về cơ bản chưa phát triển toàn diện về thể chất và tâm sinh lý, nhận thức năng lực hành vi còn nhiều hạn chế, do đó nguy cơ TNGT và mức độ thiệt hại đối với nhóm tuổi này thường lớn hơn so với nhóm tuổi khác.
Một thực tế hiện nay là nhiều phụ huynh vẫn chưa phân biệt được các loại xe máy điện, xe đạp điện , nên chưa cho con sử dụng xe đúng theo lứa tuổi, mua theo nhu cầu của con hoặc mua theo độ “ưng” khi nhìn thấy xe có vẻ chắc chắn... điều này cũng đồng nghĩa có nhiều học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe nhưng vẫn được tham gia giao thông.
Với mong muốn đồng hành cùng Chính phủ trong việc hướng tới mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, chống biến đổi khí hậu, Banduong.vn tiếp tục tuyến bài gỡ vướng để phát triển thị trường xe điện lành mạnh, giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông cho học sinh các địa phương... Từ đó, để các doanh nghiệp tự tin chung tay phát triển ngành công nghiệp sạch.
Tốc độ cao tạo nguy cơ mất an toàn giao thông từ xe điện
Sau bài viết Bài 1: Xe đạp điện "trá hình trước mặt" cơ quan chức năng!, gần đây, PV của Banduong.vn liên tục nhận được phản hồi của độc giả về tốc độ xe đạp điện mà học sinh cấp 3 và cấp 2 các tỉnh đang sử dụng. Những loại xe này chạy quá êm, không có tiếng động nên khi vượt, các xe khác không quan sát kỹ sẽ rất dễ gây tai nạn. Đặc biệt, vì những quy định dễ dàng đối với xe đạp điện và xe điện các lỗi vi phạm thường bị bắt gặp như không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; đi sai làn; qua đường không bật xi nhan; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu...
Khu vực trường học thường là nơi tập trung số lượng lớn học sinh khi đến trường, tan học, dẫn đến mật độ người và phương tiện tham gia giao thông có sự gia tăng cục bộ vào hai thời điểm nêu trên. Trong khi đó, học sinh có vóc dáng nhỏ dẫn đến tầm nhìn hạn chế, làm giảm khả năng quan sát bao quát, tổng thể các yếu tố hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông; không chủ động trong việc phán đoán, đánh giá, phòng tránh các nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ. Đặc biệt ở các tỉnh và nông thôn, đối tượng sử dụng loại phương tiện này lại có cả các em học sinh nhỏ tuổi mới chập chững lên cấp 2.
Cũng chính vì vậy mà liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn những video "thót tim" phản ánh tràn khắp mạng xã hội. Mặc dù đến nay chưa có số liệu thống kê cụ thể về tai nạn giao thông khi sử dụng loại xe này nhưng nếu không can thiệp kịp thời thì số vụ tai nạn sẽ tăng rất nhanh.
Mới đây, tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe tải với xe đạp điện khiến 1 nữ sinh bị thương nặng đang được cấp cứu. Theo thông tin ban đầu, trưa cùng ngày xe tải 50H-***.63 lưu thông trên quốc lộ 13, hướng từ Trạm thu phí Suối Giữa đi về trung tâm TP Thủ Dầu Một.
Khi đi đến đoạn ngã ba Cây Trôm (phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một), thì xảy ra va chạm với xe đạp điện đi cùng chiều do nữ sinh học lớp 10 điều khiển. Cú va chạm mạnh khiến nữ sinh cùng chiếc xe đạp điện ngã ra đường. Nữ sinh bị cuốn vào gầm xe bị thương nặng.
Tại hiện trường chiếc xe đạp điện bị ngã ngay sát làn đường dành cho xe ô tô. Được biết, phía bên đường đối diện là trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, nghi bé gái băng qua đường để vào trường học thì xảy ra tai nạn.
Tháng 12/2023, Camera an ninh đã ghi lại được vụ va chạm giao thông nguy hiểm xảy ra vào 11h18' ngày 15/12 vừa qua và đây là tình huống được nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm. Theo nội dung đoạn clip, nam sinh không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe đạp điện chạy qua ngã tư với tốc độ khá cao và thiếu quan sát.
Đúng lúc đó, một ô tô tải di chuyển tới. Tài xế giật mình đánh lái gấp để tránh, ô tô tải cuốn theo xe máy điện rồi lao thẳng xuống ruộng. Nam sinh may mắn nhảy kịp ra ngoài nên không gặp phải chấn thương gì nghiêm trọng. Hiện vẫn chưa rõ tình trạng sức khoẻ của tài xế ô tô tải.
Tháng 11/2023, mạng xã hội chia sẻ đoạn video ghi lại hình ảnh vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô và xe đạp điện xảy ta tại một ngã tư thuộc TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Theo hình ảnh được camera hành trình và camera an ninh nhà người dân ghi lại cho thấy, vào khoảng 11h35 ngày 18/11/2023, thời điểm khá vắng phương tiện lưu thông. Chiếc xe ô tô con di chuyển đến ngã tư thì đột ngột 2 học sinh đi xe đạp điện lao thẳng vào bên hông xe. Cú va chạm mạnh khiến cả 2 em học sinh ngã xuống đường.
Ở một góc quay khác có thể thấy em học sinh cầm lái còn bị hất văng lên nắp ca-pô ô tô. Tình huống bất ngờ khiến tài xế ô tô chỉ kịp phanh gấp, 2 em học sinh đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó.
Cũng theo phản ánh của PV, nhà xe của một trường cấp 3 tại Hà Nội, một lượng lớn các loại xe đạp điện, xe máy điện, xe xăng dưới 50cc được các em sử dụng làm phương tiện hằng ngày đi học.
Không biển số, không mũ bảo hiểm, không có sự quản lý dẫn đến việc nhiều em học sinh không có ý thức bảo vệ bản thân cũng như đảm bảo an toàn giao thông.
Ghi nhận tại ngày khai giảng năm học 2023-2024, trước cổng trường THPT Thạch Thất, hàng trăm học sinh "quên" đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông.
Không chỉ tại trường THPT Thạch Thất, việc không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện diễn ra trên khắp các tuyến đường nơi có các trường THPT tại huyện này. Khu vực trường THPT Hai Bà Trưng, hàng chục học sinh kẹp 2, kẹp 3 không mũ bảo hiểm, chạy xe máy với tốc độ cao khiến nhiều người đi đường ái ngại.
Thậm chí nhiều học sinh sử dụng xe điện, xe đạp điện nhưng lại có tốc độ cao, chạy song song và có thể vượt cả xe máy. Việc không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe không biển số, xe có vận tốc lớn tham gia giao thông của học sinh trên địa bàn huyện Thạch Thất không chỉ vi phạm Luật Giao giao thông đường bộ mà gây mất trật tự, ảnh hưởng tới việc tham gia giao thông của nhiều người.
Trao đổi với PV, anh Tùng (người tham gia giao thông) cho biết: "Tốt nhất là đi chậm hoặc dừng lại, thấy các em phóng nhanh là phải có động thái né từ trước, nhiều em đi rất ẩu ảnh hưởng tới người xung quanh".
Clip học sinh không đội mũ bảo hiểm tại Thạch Thất:
Cập nhật thực tế của nhóm PV đến trưa ngày 19/3, khu vực Thạch Thất Hà Nội mưa lớn, các em học sinh trong đó có cả tiểu học và trung học cơ sở tham gia giao thông bằng phương tiện xe điện có tốc độ cao, đều không đội mũ bảo hiển, cầm ô, di chuyển thành hàng gây mất an toàn giao thông.
Để học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện là một việc làm có điều kiện
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần kiểm soát tốc độ di chuyển của học sinh ngay từ khâu chọn mua xe đạp điện chuẩn. Bởi xe đạp điện là một trong những mặt hàng đang bị bát nháo nhiều nhất về chất lượng và nguồn gốc.
Đáng ngại lên mức cảnh báo đỏ bởi những chiếc xe "râu ông nọ cắm cằm bà kia", hàng nhái hoặc là có tên lạ hoắc lạ hơ... đang được học sinh, con em điều khiển với tốc độ xe máy đến trường.
Các chuyên gia giao thông lưu ý, việc để học sinh đi xe máy điện đến trường là một việc làm có điều kiện. Nguyên nhân là hai vấn đề cần cân nhắc như tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, cần thực hiện các biện pháp như tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh. Các trường học cần phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương để tuyên truyền, giáo dục học sinh về Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là các quy định về điều khiển xe máy điện.
Trên thực tế thì nhiều địa phương cũng đã có công văn yêu cầu Sở Giao dục và Đào tạo phối hợp đảm bảo an toàn giao thông cho con em đến trường. Đơn cử như, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Văn bản số 8845/UBND-NC ngày 19/10/2023 về chỉ đạo tăng cường các giải pháp phòng ngừa; ngăn chặn tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Tỉnh này yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chỉ đạo các trường học trên địa bàn phối hợp với cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy, không điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe phù hợp; phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn với xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp.
Ký cam kết nhiều tiêu chí về việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong học đường. Hiệu trưởng các trường phổ thông yêu cầu cha mẹ học sinh ký và thực hiện cam kết với nhà trường về việc bảo đảm an toàn giao thông cho con, em mình; không giao xe mô-tô, xe gắn máy cho con, em mình điều khiển khi chưa đủ tuổi theo quy định hoặc khi chưa có giấy phép lái xe phù hợp; cha, mẹ và gia đình có trách nhiệm phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn trước khi cho phép con, em mình điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện.
Chính vì mối lo mất an toàn giao thông từ ý thức của học sinh cũng như nhiều nguyên nhân tiềm ẩn đến từ những loại xe trôi nổi trên thị trường, Phòng GD&ĐT TP. Nam Định (tỉnh Nam Định) đã quyết định từ 1/11/2023, tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn TP. Nam Định sẽ thực hiện theo công văn hỏa tốc số 754 về việc tăng cường đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, nghiêm cấm học sinh điều khiển xe máy điện đến trường.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông trả lời Vov.vn cho rằng nếu quy định học sinh từ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe máy điện, căn cứ vào quy định hiện hành là việc làm phù hợp. Hiện nay, ở rất nhiều nơi học sinh chưa tới 16 tuổi vẫn cố tình điều khiển xe máy điện đến trường. Đặc biệt, khi điều khiển không chấp hành các quy định giao thông như không đội mũ bảo hiểm, đi không đúng quy tắc giao thông,…gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, thậm chí có vụ việc phát sinh hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, không nên cấm học sinh đã đủ tuổi (16 tuổi) đi xe điện đến trường. Điều này cũng vừa đảm bảo quyền tự do đi lại của học sinh (học sinh là người đã đủ tuổi trưởng thành, có quyền tự do đi lại theo quy định của pháp luật. Việc cấm học sinh đi xe máy điện đến trường có thể vi phạm quyền tự do đi lại của học sinh). Xe điện là phương tiện di chuyển thuận tiện, giúp học sinh tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Không phải tất cả học sinh đều có điều kiện để đi bộ hoặc đạp xe đến trường. Việc cấm học sinh đi xe máy điện đến trường có thể gây bất công cho những học sinh ở xa.
Học sinh đi xe điện không thải khí độc hại ra môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Sử dụng năng lượng điện, là nguồn năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường. Sử dụng pin lithium-ion, được sạc bằng điện. Việc sử dụng xe điện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, như điện mặt trời, điện gió,...
Tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường: Việc khuyến khích học sinh đi xe máy điện sẽ giúp hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, thực tế này cho thấy ở nhiều nơi, phụ huynh, nhà trường và xã hội đang thiếu sự quan tâm đúng, thậm chí nuông chiều, buông lỏng quản lý đối với học sinh dưới 16 tuổi. Hoặc chính các phụ huynh cũng không để ý hay chưa phân biệt được xe đạp điện và xe máy điện để kiểm soát tốc độ di chuyển của con, hoặc chọn thương hiệu xe đảm bảo an toàn...