Xe qua phà Cát Lái để tránh ETC cao tốc
Hơn hai tuần qua khi cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây bắt đầu thu phí không dừng, mỗi ngày có khoảng 4.000 ôtô qua phà. Mức này tăng khoảng 60% so với bình quân 2.500 xe ngày thường trước đây.
Lượng ôtô qua phà Cát Lái nối TP HCM - Đồng Nai tăng 1.500 lượt mỗi ngày sau khi cao tốc Long Thành thu phí không dừng (ETC), do nhiều xe chưa dán thẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong (đơn vị quản lý phà Cát Lái) cho biết, hơn hai tuần qua khi cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây bắt đầu thu phí không dừng, mỗi ngày có khoảng 4.000 ôtô qua phà. Mức này tăng khoảng 60% so với bình quân 2.500 xe ngày thường trước đây. Nguyên nhân chính do nhiều xe chưa dán thẻ ETC, không được qua cao tốc và dồn đến bến phà.
Bên cạnh đó, ông Tuấn chia sẻ, Cát Lái có 7 phà, gồm hai chiếc loại 200 tấn, ba chiếc 100 tấn, còn lại hai phà loại 60 tấn. Số phương tiện này vốn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày thường, nay ôtô tăng đột biến gây thêm ùn tắc ở hai đầu bến. Nhiều tài xế phải chờ lâu, dù xí nghiệp đã tăng cường người điều tiết.
Hiện, lượng xe qua phà đã giảm so với vài ngày đầu cao tốc thu phí không dừng, song ùn ứ vẫn diễn ra. Ông Tuấn nói và lo ngại nguy cơ ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn vì đang là cao điểm hè và dịp lễ 2/9 lại sắp tới. Liên quan vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải TPHCM yêu cầu đơn vị quản lý phà bố trí thêm người điều tiết giao thông, tăng phà để kéo giảm ùn tắc. Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị Thanh niên xung phong hợp tác các doanh nghiệp vận tải đường thuỷ đóng thêm phà nhằm giải quyết tình trạng quá tải.
Nhằm đảm bảo an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão, cao điểm du lịch hè và dịp lễ 2/9 sắp tới, Sở Giao thông vận tải TP đề nghị Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong kiểm tra, bảo đảm tốt nhất điều kiện an toàn khi vận hành.
Công ty nghiên cứu phương án hợp tác với các doanh nghiệp vận tải hành khách đường thủy để nghiên cứu xã hội hóa đầu tư đóng mới phà, hoặc thuê các phà sau khi đóng mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Đồng thời, công ty liên hệ Sở Tài chính TP để được hướng dẫn các thủ tục thanh lý các phà hết niên hạn theo quy định. Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP là đơn vị được giao vận hành hai bến phà: Cát Lái và Bình Khánh. Hiện hai bến có 20 phà, trong đó 4 phà 200 tấn, 9 phà 100 tấn, 7 phà 60 tấn. Căn cứ quy định về niên hạn sử dụng phương tiện thủy nội địa, công ty cho biết có 3 phà hết niên hạn, không được phép hoạt động gồm: phà Bình Khánh E (100 tấn), phà Cát Lái G (100 tấn) và phà Cát Lái I (60 tấn). Hai phà Bình Khánh (loại 60 tấn) sẽ hết niên hạn không được phép hoạt động từ năm 2023, 2024. Ngoài ra, phà 200 tấn từ bến phà Vàm Cống điều chuyển về cũng hết niên hạn.
Do vậy, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP đã có đề xuất TP được đóng mới 2 phà với số vốn dự kiến hơn 79 tỉ đồng. Việc đầu tư đóng mới 2 phà là hết sức cấp bách để giải quyết ùn tắc tại hai đầu mỗi bến, đồng thời có đủ phà để bố trí dự phòng.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây bắt đầu thu phí không dừng từ hôm 26/7 song song với thu phí thủ công, trước khi bắt buộc với toàn bộ ôtô từ đầu tháng 8. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một lượng lớn xe chưa dán thẻ nên vẫn tập trung dồn đến phà Cát Lái để qua Đồng Nai, Vũng Tàu...