ETC cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây từ 26/7
Theo đó, VEC và TASCO đưa vào vận hành 25 làn thu phí ETC trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây tại 3 trạm thu phí, bao gồm 11 làn vào và 14 làn ra, bảo đảm năng lực thông hành hiện tại.
Sau khi triển khai hệ thống thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, ngày mai (26/7), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục vận hành hệ thống ETC tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, vượt tiến độ 5 ngày theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, VEC và TASCO đưa vào vận hành 25 làn thu phí ETC trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây tại 3 trạm thu phí, bao gồm 11 làn vào và 14 làn ra, bảo đảm năng lực thông hành hiện tại.
Hệ thống thu phí ETC tại Trạm thu phí 319, bao gồm 3 làn vào và 3 làn ra, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cường Thuận IDICO đầu tư, cũng đã kết nối liên thông với các trạm thu phí của VEC trên tuyến.
Vận hành đồng bộ trên toàn quốc
Hệ thống thu phí ETC do VEC và TASCO triển khai lắp đặt trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật chung với hệ thống ETC sử dụng công nghệ RFID được quy định tại Quyết định số 2255/QĐ-BGTVT ngày 21/7/2016 của Bộ GTVT và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan khác theo quy định, bảo đảm tính đồng bộ và khả năng kết nối liên thông với hệ thống thu phí ETC trên toàn quốc.
Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây là tuyến cao tốc trọng điểm phía nam, tuyến đường huyết mạch giúp kết nối giao thông, kinh tế giữa TPHCM với các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Đây cũng là một trong những tuyến cao tốc kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025.
Hiện tại, lưu lượng bình quân trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây đạt 45.000 – 50.000 lượt phương tiện/ngày đêm, vượt năng lực thông hành thiết kế.
Trong thời gian chưa thực hiện đầu tư, mở rộng tuyến cao tốc lên 8-10 làn xe, việc đưa hệ thống thu phí ETC tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây vào khai thác sẽ giảm thiểu tình trạng ùn ứ tại các trạm thu phí vào các khung giờ cao điểm, ngày lễ, Tết; tạo thuận lợi tối đa, sự thoải mái cho người tham gia giao thông; giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết giảm chi phí xã hội…
Đặc biệt, giao thương qua tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây thuận tiện sẽ hỗ trợ đắc lực các địa phương lân cận phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là sự tăng trưởng của ngành công nghiệp “không khói”; nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả đầu tư dự án.
Số tiền tối thiểu cần nạp vào tài khoản
Từ 1/8, để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi lưu thông trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, chủ phương tiện/người điều khiển phương tiện cần thực hiện dán thẻ ETC và nộp tiền vào tài khoản thu phí (thông qua các hình thức nộp trực tiếp, liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác).
Số tiền tối thiểu trong tài khoản thu phí của chủ phương tiện/người điều khiển phương tiện phải đủ để thực hiện 1 giao dịch (tương ứng với số tiền thanh toán cho chiều dài quãng đường phương tiện lưu thông).
Cụ thể, đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng số tiền phải nạp tối thiểu vào tài khoản thanh toán là 98.000 đồng; đối với xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn nạp tối thiểu 147.000 đồng; đối với xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn nạp tối thiểu 196.000 đồng.
Đối với xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet số tiền nạp tối thiểu là 236.000 đồng; đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet nạp tối thiểu 373.000 đồng.