Vùng quê cách mạng Hiệp Hòa vững bước chặng đường mới
Hiệp Hòa là địa phương khởi nghĩa giành chính quyền cấp huyện đầu tiên ở tỉnh Bắc Giang, mở màn cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi. Ngọn lửa truyền thống ATK II sáng mãi, là động lực tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân.
Vùng quê giàu truyền thống cách mạng
Tháng 8/1938, đồng chí Ngô Tuấn Tùng, đảng viên ở Phủ Lạng Thương (nay là TP Bắc Giang) nhận nhiệm vụ bí mật đưa đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ về làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân gây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tổ chức các hội quần chúng, thúc đẩy phong trào cách mạng lan nhanh từ Vân Xuyên sang các làng, xã thượng huyện.

Toàn cảnh thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang
Năm 1940, đồng chí Lê Hoàng, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ được cử về phụ trách huyện Hiệp Hòa. Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ, chỉ trong thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở Hiệp Hoà đã phát triển nhanh, là tiền đề cho sự ra đời của Chi bộ Đảng Hoàng Vân vào ngày 16/2/1940. Đây là chi bộ đảng đầu tiên ở huyện Hiệp Hòa với ba quần chúng ưu tú của quê hương là: Nguyễn Văn Cường, Ngô Văn Thạch, Ngô Văn Triệu được kết nạp Đảng, do đồng chí Lê Hoàng làm Bí thư. Đến năm 1942, nhiều đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh như: "Nông dân cứu quốc", "Thanh niên cứu quốc", "Phụ nữ cứu quốc", "Nhi đồng cứu quốc"… được thành lập.
Năm 1943 Trung ương chọn Hiệp Hòa làm ATK II của Xứ ủy Bắc Kỳ. Mỗi tên đất, tên làng vùng ATK II đều ghi dấu ấn các sự kiện lịch sử quan trọng, gắn liền với hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Ngô Thế Sơn, Hà Thị Quế, Nguyễn Trọng Tỉnh, Lê Thanh Nghị…
Trước yêu cầu đấu tranh cách mạng, tại đình làng Vân Xuyên, ngày 25/2/1945, Đội tự vệ vũ trang đầu tiên của Hiệp Hoà ra đời gồm 11 đồng chí là những cán bộ, thanh niên dũng cảm, hăng hái, tiêu biểu nhất do đồng chí Lê Văn Đoan (tức Thu) làm Đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Quang (tức Nguyễn Thanh Quất) làm Đội phó đã hỗ trợ nhân dân nổi dậy đấu tranh chống lại chính quyền thực dân tay sai và phát xít Nhật. Ngày 12/3/1945, ngay sau Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đảng ra Chỉ thị lịch sử "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, tại đình làng Xuân Biều ( xã Xuân Cẩm), dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của đồng chí Lê Thanh Nghị, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức với hơn 70 tự vệ và 300 quần chúng tham gia. Đây là một trong những cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã thắng lợi sớm nhất trong phạm vi cả nước.

Đình Vân Xuyên - một trong 8 điểm di tích Quốc gia đặc biệt ATK II
Giữa lúc khí thế chuẩn bị giành chính quyền trong cả nước lên cao, Trung ương Đảng chọn Hiệp Hòa làm địa điểm họp Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ lần thứ nhất do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng chủ trì. Tại Hội nghị này, Trung ương đặt nhiệm vụ quân sự vào vị trí đặc biệt quan trọng, cấp thiết để chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh, ngày 1/6/1945, lực lượng vũ trang của tỉnh và tự vệ Hoàng Vân đã tấn công huyện lỵ Hiệp Hòa, khởi nghĩa giành chính quyền cấp huyện sớm nhất trong hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trước ngày Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8/1945). Hội nghị đại biểu nhân dân huyện Hiệp Hòa đã thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc, bầu đồng chí Ngô Tuấn Tùng làm Chủ tịch.
Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên của tỉnh. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân huyện Hiệp Hòa; 4 xã (Hoàng Vân, Xuân Cẩm, Hoàng An và Hòa Sơn) vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Tháng 8/2012, 16 xã của huyện Hiệp Hoà được Nhà nước công nhận ATK II. Vinh dự và tự hào hơn, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 8 điểm di tích ATK II Hiệp Hòa là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Trong cải cách ruộng đất, thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm được Đảng, Chính phủ chọn mở trường tập huấn cho hơn 2.000 cán bộ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên học tập từ tháng 10/1954 đến tháng 2/1955.
Đặc biệt, ngày 8/2/1955, Bác Hồ đã về dự Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 tại thôn Cẩm Xuyên. Người làm việc với Ban Cán sự Đoàn uỷ Đoàn cải cách đóng tại đình Cẩm Xuyên; động viên, thăm nơi ăn chốn ở của cán bộ Đoàn cải cách ruộng đất và thăm một số hộ nông dân trong thôn. Với ý nghĩa đặc biệt đó, địa điểm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.
Vững bước trên chặng đường mới
Ngọn lửa truyền thống cách mạng năm xưa đã và đang được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ, trở thành động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa ra sức thi đua phát triển KT - XH, nâng cao đời sống nhân dân.

Người dân xã Hoàng Lương trồng rau cần cho thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống, thu nhập so với nhiều năm trước
Ở khắp các địa phương trong huyện, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới diễn ra với khí thế mạnh mẽ, sôi nổi. Đến hết năm 2021 toàn huyện có 24/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã nông thôn mới nâng cao, 22 thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành quả đó chính là nhờ sự sáng tạo, đột phá, tiên phong trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hiệp Hòa.
Sản xuất nông nghiệp của Hiệp Hòa có nhiều điểm sáng, đứng tốp đầu tỉnh Bắc Giang về công tác dồn điền, đổi thửa với gần 3.500 ha; 33 mô hình cánh đồng mẫu và 37 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn dựa trên sản phẩm chủ lực, đặc trưng, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất phát triển bền vững.
Phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn ở huyện Hiệp Hòa được đánh giá là lá cờ đầu, lan tỏa, rộng khắp trong nhân dân, đã có hơn 1,1 nghìn km đường giao thông nông thôn được cải tạo, cứng hóa, phần lớn do nhân dân hiến đất, tháo dỡ công trình trên đất và đóng góp ngày công với tổng trị giá hơn 1 nghìn tỷ đồng. Cũng chính từ cách làm sáng tạo, chủ động, huy động sự ủng hộ, đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, huyện Hiệp Hòa về đích nông thôn mới mà không để nợ đọng xây dựng cơ bản.

Chất lượng giáo dục huyện Hiệp Hòa luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh Bắc Giang
Cùng với phát triển kinh tế, Hiệp Hòa quan tâm dành nguồn lực tôn tạo, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa của quê hương nhằm tiếp tục giáo dục truyền thống, kết nối phát triển du lịch về nguồn. Huyện tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng nếp sống mới văn minh, hiện đại, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Những thành quả đạt được đánh dấu bước phát triển toàn diện, là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hiệp Hòa vững bước trên chặng đường mới. Với niềm tự hào về truyền thống lịch sử, cách mạng, anh hùng của quê hương, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Hiệp Hòa chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo ra những đột phá mới trong phát triển KT-XH, xây dựng quê hương Hiệp Hòa ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là trung tâm động lực phát triển phía Tây tỉnh Bắc Giang và đạt đô thị loại IV vào năm 2025.