Vận tải thời 4.0: Cùng hành động, cùng gắn kết
Không khó để nhận ra lần đi trước đón đầu của ngành GTVT trong việc ứng dụng KHCN và đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành... Vẫn có nhiều khó khăn, thách thức nhưng tất cả cùng hành động, gắn kết trong chuyển đổi số sẽ tạo được đột phá của ngành.
Nhanh nhạy như ngành vận tải
Cách mạng công nghiệp 4.0 là những thành tựu công nghệ mới được ứng dụng vào các quy trình quản lý sản xuất, từ đó tạo ra năng suất lao động, hiệu quả kinh tế được tăng lên rõ nét. Trong những năm qua, ngành GTVT đã có nhiều chuyển biến bao gồm những kết quả khả quan xen lẫn với hạn chế. Nhìn ở hướng triển vọng sẽ thấy rõ xu thế khả quan khi nước ta hiện nay có đầy đủ các biểu hiện của cả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, thứ 3 và thứ 4.
Ngành GTVT luôn sẵn sàng tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước có giải pháp phần mềm phát triển cũng như thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng chuyển đổi số của Ngành. Ngành GTVT cũng mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ về thể chế, luật, nghị định, thông tư phục vụ chuyển đổi số.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
Bước đầu hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối Internet trong cung cấp các dịch vụ vận tải (đặt vé, check-in tàu, máy bay, thu phí tự động,...). Gần đây, nổi lên trong giới lái xe là dịch vụ thu phí không dừng khi đi qua các trạm thu phí BOT mang tên VETC được áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới. Từ đó có thể dễ dàng giám sát, quản lý và lưu vết từng giao dịch của phương tiện. Kết hợp cùng hệ thống thanh toán điện tử cho các giao dịch đã được xác minh, dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC đảm bảo lưu thông không dừng của phương tiện qua trạm thu phí tương đương với độ chính xác đạt 99.98%.
Tỷ lệ phương tiện đã dán thẻ ETC tại các tỉnh, thành phố có đường cao tốc đi qua trung bình đạt 65% (tăng khoảng 10% so với tháng trước đó); tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ ETC trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng đạt 50% trên tổng lưu lượng xe (thời điểm tháng 3).
Trên thực tế, việc “tương tác không chạm” đang được các doanh nghiệp vận tải đường bộ ứng dụng trong kết nối, tương tác với khách hàng. Đây cũng được xem là cơ hội để các doanh nghiệp tăng cường áp dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi nhằm thích ứng với đại dịch.
Hoặc xuất hiện các dịch vụ vận tải trên nền tảng Internet như taxi Uber, Grab,... Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, Uber ,Grab, gần đây là Gojeck và Be đã tạo ra thay đổi đáng kể về cách người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh khi tìm kiếm phương tiện giao thông cá nhân. Chỉ với một ứng dụng, người lái có thể gọi xe đến vị trí của họ, và vào bất cứ khi nào họ muốn. Ngược lại, với nền tảng số, bên cạnh thu nhập từ chở khách, tài xế công nghệ còn có các khoản tăng thêm từ nhiều dịch vụ khác trên ứng dụng gọi xe.
Đơn cử, trong thời gian giãn cách xã hội bởi ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, dịch vụ vận chuyển hành khách tạm ngừng, nhiều tài xế beBike vẫn có nhiều cuốc giao hàng, đi chợ hộ được tích hợp ngay trên app… Nhờ nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao, nhiều tài xế vẫn duy trì mức thu nhập tốt trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn. Do ứng dụng công nghệ cùng với nhiều tính năng, các dịch vụ gọi xe đã làm giảm lợi nhuận của các công ty taxi truyền thống.
Vượt khó để bứt phá
Mỗi cây cầu, con đường đều có thể được giám sát, theo dõi trực quan, trực tuyến, minh bạch qua việc lắp đặt camera an ninh. Ngoài phục vụ xử "phạt nguội" đối với các lỗi vi phạm giao thông thì tất cả camera lắp đặt được kết nối sử dụng nhiều mục đích khác như phát hiện tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự... Hệ thống camera này được coi là tài sản chung của toàn xã hội.
Cùng với các dịch vụ công thông minh, hệ thống quản lý tự động toàn diện, đảm bảo an toàn, thông suốt, các tài xế có thể dễ dàng tra cứu các lỗi bị xử phạt và nộp phạt ngay tại cổng dịch vụ công. Thực tế, việc theo dõi bằng CCTV an ninh là một trong những hình thức được các nước tiên tiến áp dụng phổ biến từ rất lâu, khắc phục được nhiều khuyết điểm về mặt chủ quan con người thực thi công vụ cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động chứng minh hành vi vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao trình độ nhận thức chấp hành luật kể cả khi không có sự có mặt của cán bộ công an.
Với việc đặt vé online (qua App hoặc website) của các hãng vận tải đường bộ, lượng khách mua vé đã tăng đáng kể. Các ứng dụng này hỗ trợ rất hiệu quả cho các doanh nghiệp trong các giao dịch bán vé, thanh toán online, chuyển phát hàng hóa, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí... Hành khách chỉ với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính là có thể lên mạng đặt vé. Hành khách được tự chọn chỗ, ngày, giờ đi... và thanh toán trực tuyến. Cách làm này sẽ là giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch Covid-19 cho cả doanh nghiệp và khách hàng.
Doanh nghiệp vận tải quan tâm ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số đã gia tăng nhưng sự vẫn còn hạn chế. Đa phần doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn nhất là đại dịch Covid-19 vẫn gây áp lực lớn lên các dịch vụ vận tải, nhất là với vận tải hành khách khi doanh thu gần đây giảm khoảng 80%.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
Để đảm bảo an toàn cho hành khách trong không gian kín của xe, tháng 6/2021, Một công ty đã công bố ứng dụng thành công công nghệ AI để phát hiện người không đeo khẩu trang trên xe khách. Theo đó, hệ thống phân tích này được kết nối với camera trên xe để lấy dữ liệu hình ảnh, sau đó công nghệ AI sẽ tự động phân tích và gửi thông báo về đơn vị vận tải mỗi khi phát hiện có người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách. Hệ thống đánh dấu ô xanh những khuôn mặt đeo khẩu trang và ô đỏ những khuôn mặt không đeo khẩu trang. Sau gần 1 tháng công bố, đã có 23 doanh nghiệp với hơn 500 đầu xe đăng ký sử dụng tính năng này. Không chỉ cảnh báo về cho chủ doanh nghiệp, vừa qua, công nghệ này còn bổ sung tính năng cảnh báo trực tiếp đến lái xe, phụ xe để giảm nhân lực, nguồn lực. Lái xe, phụ xe chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại, đăng nhập vào tài khoản được cung cấp sẽ được nhận các cảnh báo này để kịp thời nhắc nhở hành khách.
Không nằm ngoài xu thế đó, tháng 8/2021 nền tảng công nghệ đa dịch vụ Gojek đã công bố ra mắt dịch vụ gọi xe ô tô công nghệ GoCar tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là dịch vụ được sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh, gồm Sở GTVT và Sở Y tế. Cụ thể, GoCar dành riêng phục vụ đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế đi và đến ba Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế; Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC). Danh sách hệ thống bệnh viện, đơn vị phục vụ có thể mở rộng thêm theo hướng dẫn và chỉ định của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: "Trước đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý dữ liệu hành khách, quản lý giao dịch, thanh toán, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Đại dịch đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng nên các doanh nghiệp càng đẩy mạnh hơn áp dụng công nghệ đối với phương thức bán vé, điều hành vận tải cũng như gia tăng giao dịch của các hãng vận tải. Mặc dù doanh nghiệp vận tải quan tâm ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số đã gia tăng nhưng sự gia tăng này còn hạn chế bởi đa phần doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn nhất là đại dịch Covid-19 vẫn gây áp lực lớn lên các dịch vụ vận tải, nhất là với vận tải hành khách khi doanh thu gần đây giảm khoảng 80%".
Ông Quyền cho biết, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp; chủ động, sáng tạo trong việc tham gia ý kiến với các cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời nắm bắt những diễn biến từ thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của các hội viện để phản ánh, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước.
Hiệp hội cũng sẽ đề xuất các cơ quan có thẩm quyền đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành vận tải, tạo điều kiện cho các đơn vị trong ngành tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng logistics, thương mại điện tử để phát huy tiềm năng lợi thế hiện có của ngành vận tải ô tô.
Ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho hay, doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam đa phần quy mô vừa và nhỏ. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các hoạt động vận tải theo phương thức truyền thống bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh. Chỉ có một số ít doanh nghiệp vận tải lớn chuyển đổi số hiệu quả, còn lại đa phần chưa phát triển được các nền tảng số kết nối giữa các chủ xe, chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng.
Cũng theo ông Tùng, thời gian qua, ngành GTVT đã tập trung xây dựng và hoàn thiện 4 bộ cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung như cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở dữ liệu phương tiện, cơ sở dữ liệu người điều khiển phương tiện và cơ sở dữ liệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT, từ đó phát triển các ứng dụng khai thác nhằm mục tiêu quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.
Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện văn bản QPPL, cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng cái mới trong Ngành. Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế, chính sách thúc đẩy chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở và xây dựng các nền tảng cung cấp dịch vụ vận tải, logistics dưới hình thức giao dịch điện tử.
Để tiếp tục phát triển hơn nữa chuyển đổi số trong ngành GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã giao cho Trung tâm Công nghệ thông tin chuẩn bị kế hoạch cụ thể, mỗi cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT nghiên cứu cần ưu tiên chuyển đổi số những vấn đề nào, dự án nào để xây dựng kế hoạch trung hạn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ông Hồ Tiến Thiệu chỉ đạo bắt đầu từ ngày 21/2, tỉnh Lạng Sơn yêu cầu bắt buộc tất cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đại lý Hải quan phải khai báo thông tin trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) và Cửa khẩu phụ Tân Thanh (huyện Văn Lãng) tỉnh Lạng Sơn. Đây cũng là một bước tiến ấn tượng của ứng dụng công nghệ trong ngành vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu.