Ngành giao thông vận tải dự kiến giải ngân cao hơn bình quân cả nước 10%
Dự kiến trong tháng 4 và 5, Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân khoảng 3.800 tỷ đồng, mức này được cho là sẽ cao hơn bình quân chung cả nước 5%
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa chủ trì buổi giao ban quý 1 và triển khai nhiệm vụ quý 2 của Bộ Giao thông vận tải. Báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - đầu tư ,cho biết hết quý 1, các dự án đầu tư giải ngân vốn đạt 7.200 tỷ đồng, đạt 17,2% kế hoạch giao chi tiết và đạt 14,3% kế hoạch được Thủ tướng giao.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, dự kiến hết tháng 3/2022 cả nước giải ngân đạt 11,88% kế hoạch được Thủ tướng giao. Như vậy, kết quả giải ngân của Bộ Giao thông vận tải cao hơn mức bình quân chung của cả nước hơn 2%. Dự kiến trong tháng 4/2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân khoảng 3.800 tỷ đồng và tổng số giải ngân sẽ đạt khoảng 22% kế hoạch Thủ tướng giao.
Ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành để đạt kết quả tốt, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong 3 tháng đầu năm, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng kết quả giải ngân vốn đầu tư trong quý 1/2022 chưa được như mong muốn.
"Giám đốc các Ban quản lý dự án cần đổi mới, thay đổi tư duy trong quản lý, điều hành các dự án giao thông để thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ, tạo bứt phá về giải ngân. Kết quả giải ngân quý I/2022 của ngành giao thông vận tải cao hơn bình quân cả nước chỉ 2% là rất ít", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Kết quả giải ngân quý 1/2022 của ngành giao thông vận tải cao hơn bình quân cả nước chỉ 2% là rất ít. Tới đây, lĩnh vực xây dựng cơ bản phải đạt kết quả giải ngân cao hơn nữa. Trong tháng 4 - 5 này phải cao hơn bình quân chung cả nước 5%, đến hết tháng 6/2022 phải cao hơn 10%”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
Thông tin từ buổi giao ban, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 4 và quý 2/2022 của Bộ Giao thông vận tải là phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư 3 dự án trọng điểm quốc gia, gồm cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Đồng thời, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án định hướng các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.
Cùng với đó phải gấp rút phối hợp với Tổng cục, các cục quản lý chuyên ngành khẩn trương hoàn thiện kế hoạch, cơ chế chính sách đột phá để triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng lưu ý, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cần chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy mạnh tiến độ thi công, giải ngân các dự án đang triển khai, đặc biệt là dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhấn mạnh việc 4 dự án thành phần phải hoàn thành trong năm 2022 gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi kiểm tra hiện trường đầu tháng 2/2022, Bộ đã yêu cầu lập kế hoạch rút ngắn tiến độ các dự án thành phần.
Hàng tuần, Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì họp định kỳ để kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến nay tiến độ thực hiện cơ bản được kiểm soát.
Còn dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có lũy kế sản lượng chỉ đạt 28,41%, chậm tới 8,89% so với kế hoạch điều chỉnh, nằm trong top các dự án chậm tiến độ. Nguyên nhân chậm do thiếu nguồn vật liệu đất đắp nền và sự chủ quan từ phía các nhà thầu chậm tiến độ.
Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 50.328 tỷ đồng, gồm 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng vốn trong nước. Đây là kế hoạch giao vốn lớn nhất từ trước tới nay, chiếm 23,5% kế hoạch vốn năm 2022 của khối các bộ, ngành, cơ quan trung ương và chiếm 9,7% kế hoạch vốn năm 2022 của cả nước.