Vận tải hành khách và bến xe tham gia vào chuỗi cung ứng thương mại điện tử
Đề nghị Bộ GTVT có chủ trương và chỉ đạo các đơn vị vận tải, nhất là các đơn vị vận tải hành khách và bến xe khách nghiên cứu, hợp tác để tham gia vào chuỗi cung ứng thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam.
Đây là ý kiến của đại diện cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ nêu ra tại Hội nghị đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải đường bộ tổ chức ngày 14/4 do Tổng cục ĐBNV cùng Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam đã tổ chức với sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các bến xe khách trên toàn quốc.
Hầu hết các doanh nghiệp vận tải đường bộ đều không tăng trưởng
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng đến kinh tế xã hội của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam có tổ chức cuộc khảo sát, đánh giá tác động của dịch đối với tình hình vận tải đối với 87 đơn vị gồm cả kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa trên khắp toàn quốc. Kết quả khảo sát cho thấy, trong khoảng thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, nhất là từ năm 2019 đến năm 2021, không có đơn vị vận tải nào báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tăng do hầu hết các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng nặng nề, xu hướng đều phải chọn giải pháp tiếp tục duy trì hoạt động với các giải pháp thích ứng mới, lâu dài.
Theo báo cáo, các đầu xe chở hàng hóa và hành khách đều giảm mạnh trong thời gian từ năm 2019 đến 2021. Đặc biệt là xe khách cỡ nhỏ (chủ yếu là xe taxi) từ 9 chỗ chở xuống, từ 7983 xe xuống còn 5442 xe; xe tải nặng từ 698 xe xuống còn 392 xe. Các bến xe khách hầu như kết quả hoạt động kinh doanh đều giảm.
Một bến xe khách tại Hải Phòng, các xe chở khách đều bị giảm tần suất khai thác.
Để giải quyết khó khăn, về phương hướng phát triển sản xuất kính doanh, nhiều đơn vị lựa chọn thực hiện giải pháp đẩy mạnh thương mại điện tử; Về phương án lao động các đơn vị đang thực hiện khá nhiều giải pháp trong đó các giải pháp phổ biến nhất là: cho lao động nghỉ việc luân phiên.
Hiệp hội Vận tải cũng cho biết, những doanh nghiệp có quy mô trung bình trở lên, có tổ chức quản lý tốt, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp và kết nối với khách hàng thì sức chống chịu trước ảnh hưởng của đại dịch tốt hơn các doanh nghiệp nhỏ với tổ chức quản lý đơn giản; Những hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc lập hồ sơ để hưởng các chính sách hỗ trợ về giảm thuế; giảm lãi suất vay ngân hàng…
“Điều đáng mừng là trong cả 3 khả năng diễn biến của dịch bệnh COVID-19 kéo dài 1 năm, 2 năm nữa hay 5 năm nữa thì cũng không có đơn vị nào chọn phương án tạm dừng hoạt động SXKD; giải thể hay phá sản” – ông Đỗ Xuân Hoa, Tổng thư ký Hiệp Hội Vận tải Việt Nam nói.
Bài toán thực hiện chuyển đổi số
Cũng theo Hiệp hội Vận tải đường bộ, ngành vận tải đường bộ là ngành có nhiều tiềm năng áp dụng chuyển đổi số để đạt được mục tiêu kép là nâng cao hiệu quả kinh doanh; giảm thiểu phát thải khí nhà kính; giảm thiểu tai nạn giao thông. Hiện đã có một số doanh nghiệp áp dụng cho hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên số đơn vị áp dụng chưa nhiều và chưa toàn diện trên cả 3 mặt là quản trị doanh nghiệp, kết nối và giao tiếp với khách hàng và quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước.
Thực tế hiện nay, việc nhận vận chuyển hàng ký gửi vẫn chỉ là hoạt động nhỏ lẻ của lái xe khách kết nối trực tiếp với người gửi hàng; các bến xe khách với lợi thế về mặt bằng, vị trí thuận lợi trong kết nối với bên gửi hàng và bên vận tải nhưng cũng chỉ mới có một số ít tham gia vào chuỗi thương mại điện tử; một số bến xe cho các đơn vị có nhu cầu cần thuê mặt bằng làm kho, bãi.
Giải pháp chuyển đổi số - chuỗi cung ứng thương mại điện tử đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp
Hoạt động vận tải đường bộ trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 phát sinh nhiều vấn đề như tình trang phương tiện phải dừng để kiểm tra nhiều lần trên đường; bị ùn tắc ở các cửa khẩu; phương tiện kinh doanh vẫn phải dán phù hiệu trên xe; hành khách vẫn mua vé giấy tại bến xe… Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải, giảm chi phí cho đơn vị và quản lý nhà nước về hoạt động vận tải tải hiệu quả hơn. Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng đề nghị Bộ GTVT có đề án tổng thể và chỉ đạo triển khai về chuyển đổi số trong quản lý vận tải đường bộ.
“Trong điều kiện dịch COVID-19, thương mại điện tử có bước phát triển đột phá và tiềm năng thương mại điện tử còn rất lớn, Vận tải đường bộ với lực lượng vận tải hàng hóa, vận tải hành khách hoạt động rộng khắp có tiềm năng giải quyết khâu vận tải nhanh và chi phí tiết kiệm nhất nhờ tận dụng chiều xe chạy rỗng hoặc khoang chứa hàng của xe khách đường dài”. Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết.
Để lĩnh vực vận tải đường bộ thích ứng với điều kiện mới và tiếp tục tăng trưởng, Hiệp hội Vận tải kiến nghị Bộ GTVT có chỉ đạo để thúc đẩy việc chuyển đổi số trong ngành Vận tải đường bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như giảm thiểu khí cacbon. Có chủ trương và chỉ đạo các đơn vị vận tải, nhất là các đơn vị vận tải hành khách và bến xe khách chủ động nghiên cứu, hợp tác để tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng thương mại điện tử.