Ùn tắc giao thông là thách thức lớn của Đông Nam Bộ
Dẫn chứng trong 10 năm qua cả vùng chỉ hoàn thành 50 km đường cao tốc, Thủ tướng cho rằng ùn tắc giao thông đang là thách thức lớn của Đông Nam Bộ.
Nhận định được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị triển khai hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, sáng 26/11. Khu vực này gồm 6 tỉnh thành: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh với diện tích hơn 23.560 km2, dân số hơn 18,7 triệu người (năm 2021). Vùng đóng góp 32% GDP của cả nước.
"Cả vùng Đông Nam Bộ trong 10 năm qua chỉ hoàn thành 50 km đường cao tốc, trong khi nơi khác một tỉnh làm 200 km cao tốc không xin tiền nhà nước", Thủ tướng nói và cho rằng đây là vấn đề lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực cần phải suy nghĩ, vì không ai làm thay được.
Hiện, cao tốc duy nhất kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ là tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài hơn 50 km với 4 làn xe, khai thác từ năm 2015. Với lưu lượng xe trung bình vào các ngày cuối tuần lên đến 40.000 - 43.000 lượt, cao tốc này đang quá tải và thường bị ùn tắc.
Theo lãnh đạo Chính phủ, Đông Nam Bộ có tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh rất rõ. Tuy nhiên, cơ chế chính sách cho vùng còn hạn hẹp; việc kết nối hạ tầng chưa đồng bộ; huy động nguồn lực chủ yếu dựa vào nhà nước; khoa học công nghệ, nhân lực chưa xứng tầm; văn hóa phát triển chưa theo kịp chính trị và xã hội.
"Tình trạng ùn tắc giao thông, phát triển chưa bền vững, phân hoá giàu nghèo, biến đổi khí hậu, ngập nước, ô nhiễm môi trường... đang là những thách thức lớn của Đông Nam Bộ", ông nói và đề nghị các tỉnh trong vùng cần tư duy "tự lực, tự cường, phải có cơ chế chính sách đột phá, không trông chờ ỷ lại".
Để thúc đẩy hạ tầng cho Đông Nam Bộ, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải chủ trì xây dựng Quỹ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược theo đề xuất của UBND TP HCM; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Trung tâm tài chính để huy động nguồn lực.
Thủ tướng cũng yêu cầu vùng Đông Nam Bộ cần tập trung đột phá về khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động... Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cần đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục, y tế ngang tầm phát triển kinh tế, chính trị; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung thu hẹp khoảng cách giàu nghèo...
Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng đánh giá Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ các phương thức vận tải. Tuy nhiên, nhu cầu vận tải nơi đây đang vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông. Nhiều quốc lộ chính đã quá tải, trong khi cao tốc liên vùng, các đường hướng tâm, vành đai triển khai rất chậm.
"Đây là nút thắt ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng", ông Thắng nói và cho biết Bộ Giao thông Vận tải dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ khoảng 413.000 tỷ đồng.
Với nhu cầu vốn rất lớn, ông Thắng cho rằng cần có cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá trong huy động vốn tư nhân, các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư các công trình giao thông. Đồng thời, Trung ương cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, triệt để cho các địa phương trong việc xây dựng các công trình hạ tầng giao thông.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi kiến nghị có cơ chế phối hợp đồng bộ, kịp thời giữa các tỉnh, thành ở Đông Nam Bộ và các bộ ngành liên quan trong triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong vùng. Trước mắt là phối hợp triển khai các dự án kết nối như đường Vành đai 3, 4; các cao tốc TP HCM đi Mộc Bài, Chơn Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu; Đồng Nai - Lâm Đồng; mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành...
Ngoài ra, ông Mãi cũng cho rằng cần xác định rõ thể chế "Hội đồng vùng" với thẩm quyền và nguồn lực rõ ràng, nhằm điều phối hiệu quả các nhiệm vụ có tác động chung đến cả vùng. Trước mắt, lãnh đạo TP HCM đề nghị bổ sung rõ cơ chế trách nhiệm phối hợp liên tỉnh trong vùng trong thực hiện các nhiệm vụ có quy mô liên quan hay tác động từ hai địa phương trong vùng trở lên.
Lãnh đạo TP HCM cũng đề xuất hình thành Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng với nguồn vốn hỗn hợp (kêu gọi tài trợ quốc tế, vốn Trung ương, vốn địa phương theo khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương).