Từ hôm nay (1/7/2023), xe kinh doanh vận tải bắt buộc phải lắp thiết bị “tích hợp”
Theo Nghị định 47/2022/NĐ-CP, từ ngày hôm nay (1/7/2023), xe kinh doanh vận tải bắt buộc phải lắp camera giám sát hành trình mới được cấp phù hiệu, biển hiệu.
Theo đó, từ ngày 1/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của Nghị định này, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định cụ thể. Theo quy định, những xe kinh doanh vận tải buộc phải lắp camera hành trình bao gồm ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên (theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP), ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo (theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 10/2020/NĐ-CP). (Phù hiệu là mẫu giấy hoặc mẫu tem được cấp cho phương tiện hoạt động vận tải. Đây là giấy tờ buộc phương tiện phải dán khi lưu thông trên đường).
Như vậy, từ ngày 1/7/2023, các xe ô tô kinh doanh vận tải nêu trên nếu muốn được cấp phù hiệu và biển hiệu để lưu thông phải lắp camera hành trình theo đúng điều kiện quy định.
Thiết bị “rời rạc” và “tích hợp”
Dừng lắp camera “rời rạc”, xe vận tải bắt buộc lắp thiết bị camera “tích hợp” giám sát hành trình từ 01/07/2023.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chi hội Giám sát hành trình (Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam) chia sẻ: “Hiện nay, việc lắp camera đang có 2 xu hướng: Rời rạc và tích hợp. Xu hướng rời rạc phải sử dụng 2 thiết bị trên xe, gồm 1 thiết bị giám sát hành trình và 1 camera, vì thế sẽ hại ắc quy, dùng tới 2 SIM nên tốn chi phí duy trì lâu dài... Còn các thiết bị giám sát hành trình tích hợp camera đạt TCVN13396 không chỉ khắc phục các nhược điểm nói trên mà dữ liệu còn đồng nhất và được nhà nước công nhận đạt các tiêu chí của Nghị định và thông tư hiện hành. Vì vậy, đây là xu hướng tất yếu”.
Xe kinh doanh vận tải nào phải lắp thiết bị tích hợp?
Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nêu rõ, từ ngày 01/07/2023, xe kinh doanh vận tải phải lắp giám sát hành trình tích hợp camera mới được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình tích hợp camera cần phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật.
Đối tượng xe kinh doanh vận tải cần phải lắp giám sát hành trình tích hợp camera bao gồm: Xe chở khách có sức chứa từ 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo (theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
Được biết, Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công an… đã công bố TCVN13396, là tiêu chuẩn Quốc gia về thiết bị tích hợp thiết bị giám sát hành với camera, tháo gỡ nút thắt cuối cùng cho vận tải trong việc lắp đặt camera. TCVN:13396 quy định cụ thể về đặc tính kỹ thuật thiết bị, dữ liệu hình ảnh và hành trình, các dữ liệu kết hợp, thời gian lưu trữ và quy định về thử nghiệm, đánh giá thiết bị.
Từ giữa năm 2021, trước vàng thau lẫn lộn, nhiều doanh nghiệp vận tải bối rối trước việc lựa chọn camera như thế nào là đạt tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN đã đề nghị cần ban hành Tiêu chuẩn để làm căn cứ lựa chọn. Theo ông Quyền, tiêu chuẩn phải theo xu hướng tích hợp, cụ thể giữa đầu thu camera và thiết bị giám sát hành trình để tối ưu chi phí, thuận tiện sử dụng nhưng vẫn đảm bảo không đội giá thành giúp ngành vận tải dễ dàng lực chọn, tránh việc lựa chọn nhầm camera kém chất lượng.
Ngay sau đó, Bộ KHCN phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công an .. đã công bố Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396:2021 về camera lắp trên phương tiện kinh doanh vận tải. Kể từ đó, các đơn vị vận tải đa số đã lựa chọn các thiết bị “tích hợp” được cấp tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396:2021, đảm bảo chất lượng và tính pháp lý.
Thiết bị 2 trong 1 - Giám sát hành trình hợp chuẩn tích hợp Camera đáp ứng Nghị định 10 hiện đang là xu thế phát triển của lĩnh vực giám sát hành trình nói riêng và toàn bộ ngành vận tải nói chung. Bởi những lợi ích không nhỏ mà nó đem lại trong quản lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển môi trường ngành, nâng cao chất lượng dịch vụ, uy tín doanh nghiệp.
Thế nào là sản phẩm đạt TCVN:13396?
Sản phẩm đạt TCVN:13396 là thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn có công nghệ 4G tích hợp camera giám sát , đáp ứng tiêu chí truyền phát dữ liệu về Cục Đường bộ VN theo quy định. Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chi hội Giám sát hành trình ( Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam) cho rằng, bản chất TCVN:13396 là hướng đến việc tích hợp giữa camera Nghị định 10 với thiết bị giám sát hành trình trước đây và các doanh nghiệp chỉ cần 1 thiết bị duy nhất trên xe. Nhờ vậy, nhà xe chỉ cần dùng 1 sim, khi cắt 2G thì không mất chi phí nâng cấp, dữ liệu đồng nhất… “Đây là xu hướng tất yếu” - ông Giang khẳng định.