Tín hiệu vui từ vé xe buýt
Việc tăng giá vé xe buýt Hà Nội sau 10 năm được chuyên gia đánh giá là cơ hội để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút thêm người sử dụng và giảm gánh nặng ngân sách. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho hệ thống giao thông công cộng Thủ đô.
Mức tăng giá vé xe buýt cao nhất là 80.000 đồng
UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 5290/QĐ-UBND về việc ban hành giá vé vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố Hà Nội, áp dụng từ ngày 1.11.2024. Cụ thể, giá vé xe buýt Hà Nội cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/lượt.
Với những tuyến có cự ly từ 25km đến dưới 30km, giá vé tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng/lượt; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.
Với vé tháng, vé tháng bán cho đối tượng ưu tiên bao gồm: Học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề (không kể hệ đào tạo vừa học vừa làm), công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng); liên tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).
Giá vé tháng bán cho các đối tượng không ưu tiên đi một tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng), liên tuyến là 280.000 đồng (hiện là 200.000 đồng).
Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.
Mức tăng phù hợp với thực tế
Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hà Nội, cơ cấu vé và giá vé xe buýt được áp dụng từ ngày 1/5/2014 đến nay đã không còn phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến. Tại thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014, mạng lưới buýt có 72 tuyến và nhánh tuyến, trong đó tuyến dài nhất là 49,9km. Sau 10 năm, mạng lưới buýt đã có 132 tuyến, phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, trong đó tuyến có cự ly dài nhất lên tới 61,05km.
Các tuyến cự ly 30 - 60km có mức giá như nhau là chưa hợp lý. Giá vé xe buýt hiện nay được đánh giá là tương đối thấp với khả năng chi trả cho đi lại của người dân kể cả người lao động có thu nhập thấp.
Trong những năm gần đây mức thu nhập bình quân của người dân Hà Nội đã tăng đáng kể, từ năm 2014 đến nay mức lương cơ bản đã điều chỉnh tăng 7 lần (từ 1.150.000 đồng lên 2.340.000 đồng, tỉ lệ tăng 103%).
Trong khi, chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014. Cụ thể, đơn giá vận hành 1km trung bình của 3 loại xe buýt thông thường là 21.080 đồng (tương đương tăng 46,95% so với năm 2014). Các loại hình xe buýt năng lượng sạch cũng cao hơn nhiều so với loại buýt thường (buýt điện là 27.929 đồng, tăng 62% so với buýt thường năm 2014; buýt CNG là 21.821 đồng, tăng 48,6% so với buýt thường năm 2014).
Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhận định: "Việc điều chỉnh giá vé xe buýt sẽ tác động không lớn đến thu nhập của đa số người dân sử dụng dịch vụ xe buýt và vẫn cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác. Việc điều chỉnh giá vé xe buýt tại thời điểm hiện nay là rất cần thiết, phù hợp trong giai đoạn này nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo động lực đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt; Tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo chi phí trợ giá cho xe buýt ở mức hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đảm bảo được mục tiêu của dịch vụ công ích; Đảm bảo sự hài hòa giữa doanh thu từ vé lượt, vé tháng và chi phí đi lại giữa người sử dụng phương tiện xe buýt với các phương tiện khác".
Cùng chung nhận định về vấn đề này, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình đánh giá, Hà Nội tăng giá xe buýt vào thời điểm năm 2024 là hoàn toàn phù hợp bởi việc giữ nguyên giá vé cả thập kỷ là khá dài, nhiều chi phí vận hành cũng đã tăng. Mặt khác, đa số người dân sẽ chấp nhận vì không có phương tiện giao thông công cộng nào lại rẻ như đi xe buýt.
Ông Bình cũng cho hay, đáng nhẽ năm 2020 phù hợp để Hà Nội tăng giá vé buýt nhưng do dịch Covid-19 nên cơ quan quản lý Nhà nước không thể tiến hành tăng giá được mà phải lùi đến thời điểm này. "Hiện nay lượng hành khách đi lại nhiều, ngoài tệp khách truyền thống trước đây như học sinh, sinh viên, người cao tuổi thì người đi làm, khối dân công sở đi lại nhiều hơn… Vì vậy tăng giá xe buýt với mức nói trên không làm ảnh hưởng lớn tới hành vi đi lại của người dân. Có thể có người băn khoăn, nhưng đa số sẽ chấp nhận vì không có phương tiện giao thông công cộng nào lại rẻ như đi xe buýt", ông Bình nói.
Tương tự, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, qua những lần cơ cấu lại giá vé xe buýt, người dân không quan tâm đến giá vé vận tải mà là độ tiện lợi của loại hình này. “Mức giá vé hiện đang áp dụng từ năm 2014 mà chưa điều chỉnh, trong khi các yếu tố đầu vào về nhiên liệu, lương người lao động đã có sự gia tăng đáng kể. Ngân sách thành phố không thể ‘gánh’ được thêm thì bắt buộc phải tăng giá vé đề bù đắp,” ông Thông cho hay.
Theo khảo sát sơ bộ, nhiều người dân thường xuyên sử dụng xe buýt là phương tiện di chuyển hàng ngày cho rằng mức điều chỉnh giá vé lần này không quá cao, có thể chấp nhận được. Việc sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt giúp giảm thiểu được tình trạng tắc đường, giảm thiểu được sự ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, việc tăng giá vé có thể là điều kiện để các doanh nghiệp có thêm chi phí đầu tư và chất lượng phương tiện, thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng. Người dân cũng kỳ vọng khi giá vé tăng thì chất lượng dịch vụ cũng sẽ tăng tương xứng.
Hà Nội hiện có tổng số 132 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó 128 tuyến buýt trợ giá. Mỗi năm Hà Nội phải chi cả nghìn tỷ đồng cho trợ giá xe buýt. Đây là gánh nặng không nhỏ đối với ngân sách thành phố. Sự điều chỉnh giá vé xe buýt lần này được xem là hành động cần thiết để giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố, đồng thời tạo điều kiện nâng cao chất lượng loại hình vận tải hành khách công cộng. Ngoài ra, giá vé điều chỉnh mới được đánh giá phù hợp với tình hình thực tiễn và mức thu nhập của người dân.