Thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý ngành Giao thông vận tải
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Chỉ thị về thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước của ngành đối với đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường bộ, nhằm thu hút các thành phần kinh tế khai thác, phát triển tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Cụ thể, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 31/2021 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 04/2022/CP của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước, Bộ GTVT đã chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện việc phân cấp, phân quyền công tác quản lý Nhà nước của Bộ cho các địa phương, các cơ quan trực thuộc.
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu cục trưởng các cục quản lý Nhà nước chuyên ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ được giao. Sau khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi liên quan đến phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước của ngành, hình thành hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ, các cục quản lý Nhà nước chuyên ngành khẩn trương đề xuất xây dựng mới, bổ sung các văn bản hướng dẫn chi tiết làm cơ sở triển khai thực hiện, đảm bảo nguyên tắc quản lý thống nhất, tập trung, mỗi nhiệm vụ chỉ do một cơ quan quản lý, không chồng chéo.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị chủ động hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra các nội dung đã phân cấp cho địa phương, cho các cơ quan của Bộ; phát hiện những tồn tại, bất cập đối với các nội dung đã phân cấp để kiến nghị điều chỉnh kịp thời. Trong đó, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tập trung sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Giao thông đường bộ 2008 theo hướng: Nhà nước tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn; đẩy mạnh hợp tác đối tác công - tư, Trung ương và địa phương được đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường bộ (kể cả quốc lộ), nhằm thu hút các thành phần kinh tế khai thác, phát triển tiềm năng, lợi thế của địa phương, chủ động giải phóng mặt bằng cho công tác đầu tư xây dựng đường bộ và thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước khác phù hợp với định hướng phân quyền, phân cấp.