Thanh Hóa: Doanh nghiệp vận tải lao đao trong “cơn bão giá xăng dầu”
Với việc giá xăng dầu liên tục leo thang trong thời gian gần đây đã khiến đa phần doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải lao đao, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận chịu thua lỗ để giữ được khách hàng.
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 600 xe ô tô, 2.456 xe taxi, 215 xe buýt của các công ty, HTX vận tải, chưa kể hàng ngàn xe ô tô cá nhân đăng ký chạy dịch vụ tự do.
Trong những ngày gần đây, do ảnh hưởng tình hình thế giới nên giá xăng dầu liên tục tăng cao. Đến thời điểm hiện tại, giá xăng dầu đã chính thức vượt ngưỡng lịch sử năm 2014 khiến các chủ phương tiện đứng ngồi không yên. Nhiều nhà xe chạy tuyến cố định chấp nhận chịu lỗ để giữ khách, một số lái xe taxi tạm xin nghỉ việc vì thu nhập không bảo đảm cho sinh hoạt…
Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Trường Hằng, trụ sở tại phường Đông Thọ (TP. Thanh Hóa), hiện có 15 xe khách giường nằm chạy tuyến cố định Thanh Hóa - Bắc Ninh, Thanh Hóa - Hà Nội và Thanh Hóa - Lâm Đồng. Là doanh nghiệp mới đầu tư hệ thống xe khách từ năm 2017, hoạt động được gần 2 năm khi bắt đầu quen khách, thì dịch COVID-19 ập đến. Các đợt giãn cách xã hội hồi đầu thời kỳ dịch bệnh khiến năm 2020 các tuyến xe dừng hoạt động 3 tháng, năm 2021 dừng hoạt động tổng thời gian khoảng 7 tháng. Những khoảng thời gian còn lại của 2 năm này các xe cũng hoạt động cầm chừng vì ít khách. Khó khăn là vậy, nhưng những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3-2022 này, giá xăng dầu lại liên tục “leo thang”, trở thành thách thức không hề nhỏ cho sự tồn vong của doanh nghiệp.
Không giấu nổi sự lo âu trên khuôn mặt của mình, ông Mai Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Trường Hằng cho biết: “Các xe của chúng tôi đều loại 60 giường, lâu nay mỗi chuyến chỉ duy trì từ 10 đến 15 khách nhưng vẫn phải chạy. Những ngày trung tuần tháng 3/2022, giá xăng dầu tăng cao nhất trong lịch sử, mỗi chuyến đi Hà Nội hay Bắc Ninh đều lỗ từ 1,5 đến 3 triệu đồng, chúng tôi đành giảm chuyến. Trước kia, mỗi ngày, công ty chạy 5 chuyến Hà Nội và Bắc Ninh, nay chỉ duy trì 2 chuyến. 3 chuyến đi Lâm Đồng mỗi ngày, nay bất đắc dĩ giảm còn 1 chuyến, bởi lộ trình càng dài càng lỗ nhiều hơn”.
“Mỗi phương tiện đi - về 2 chiều hết khoảng 4,5 triệu đồng tiền dầu, tổng số khách 2 chiều khoảng 25 người nên thu vé chỉ khoảng 3 triệu đồng, chưa kể chi tiền ăn đường cho 3 người này 300 nghìn đồng mỗi ngày. Nếu tính chi phí cả tháng, mỗi xe phải thuê 2 lái xe 16 triệu đồng, 1 phụ xe 4 triệu đồng, chi phí bến bãi cả ở Hà Nội và Thanh Hóa hơn 10 triệu đồng, vé cầu và đường cao tốc 1,2 triệu đồng… Đó là chưa kể tiền bảo dưỡng, sửa chữa xe cũng như lãi ngân hàng hằng tháng. Vào thời điểm hiện tại khi xăng, dầu cao nhất, mỗi đầu xe chỉ thu nhập về công ty khoảng 90 triệu đồng/tháng, nhưng tổng chi hết hơn 150 triệu đồng. Phải bù lỗ cho từng chuyến xuất bến, nhưng để giữ khách đi xe truyền thống, công ty vẫn không thể dừng hẳn hoạt động. Hiện chúng tôi đang nợ hơn 20 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau, hằng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng một khoản lớn. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, chỉ cần đến cuối năm là công ty phá sản. Tương lai của công ty cũng chưa biết thế nào, chỉ mong nhà nước có giải pháp bình ổn giá xăng dầu, đồng thời tác động để các ngân hàng giảm lãi suất, cho chúng tôi vay thêm để khôi phục lại hoạt động khi có những tín hiệu lạc quan”, ông Trường nói.
Đồng cảnh ngộ với các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Mai Linh Thanh Hóa cũng đang chịu tác động hết sức tiêu cực khi giá xăng dầu tăng cao nhất trong lịch sử. Tại công ty hiện tính đến ngày 18/3 đã có tới 30 chiếc taxi loại 4 chỗ đang “đắp chiếu” ngay phía sau trụ sở ở phường Nam Ngạn (TP. Thanh Hóa) cho thấy một tình trạng kinh doanh không mấy suôn sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Những tháng gần đây, lượng khách đi xe chỉ còn duy trì từ 60 đến 80% so với trước kia, đã gây nhiều khó khăn cho công ty. Nay thêm giá xăng dầu quá cao khiến lợi nhuận giảm mạnh. Hiện Công ty đang có 950 xe taxi - là hãng có số đầu xe lớn nhất trong tỉnh. Trong hơn tuần qua, đã có nhiều lái xe của công ty có đơn xin tạm nghỉ việc với lý do thu nhập không còn bảo đảm. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn có thêm nhiều lái xe bỏ việc, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của chúng tôi”.
Lái xe Nguyễn Đắc Hương (số tài 2522) chia sẻ: Theo cơ chế phân chia lợi nhuận của Công ty, mỗi “cuốc” chở khách, công ty thu về 50% doanh thu, lái xe 50% nhưng chủ động đổ xăng. Trước đây, một chuyến khách được 1 triệu đồng, thì lái xe có 500 nghìn đồng, nhưng đổ xăng hết 300 nghìn đồng, vẫn có dư 200 nghìn đồng. Chưa đầy tháng qua, xăng lên giá 3 lần, những ngày gần đây đã vượt ngưỡng 30.000 đồng mỗi lít nên cùng quãng đường, số tiền đổ xăng đã lên hơn 400 nghìn đồng, lợi nhuận không còn là bao.
Ngoài hoạt động vận tải taxi, Công ty CP Mai Linh Thanh Hóa đang duy trì 9 xe khách đường dài chạy tuyến cố định đi Hà Nội, trong đó có 2 xe 40 chỗ ngồi, 1 xe 35 chỗ ngồi và 6 xe 9 chỗ ngồi. Lượng khách những tháng gần đây chỉ còn trung bình 30% số ghế do dịch bệnh nên mỗi chuyến lỗ trung bình 1,3 triệu đồng. Lại thêm giá xăng, dầu tăng nhanh những ngày đầu tháng 3/2022 nên đến thời điểm ngày 18/3, mỗi chuyến xe lỗ đến 1,7 triệu đồng. Là doanh nghiệp vận tải lớn, Công ty vẫn duy trì 5 chuyến Hà Nội mỗi ngày để giữ đúng khung giờ chuyển bánh nhằm giữ khách.
“Về lâu dài, Công ty đã đàm phán ký hợp đồng với hãng xe Vin Fast để mua các xe điện thay thế dần trong các năm tới. Chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng các trụ nạp điện ngay tại trụ sở”, ông Tuấn cho biết thêm.
Thống kê từ Phòng Quản lý Vận tải, Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có 78 đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định với gần 600 xe ô tô, 13 hãng taxi với 2.456 xe, 5 đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt với 215 phương tiện. Ngoài ra, trong tỉnh còn có 654 đơn vị nhỏ và cá nhân có xe chạy hợp đồng và chạy dịch vụ.
“Phòng đang nắm bắt tình hình diễn biến hoạt động và những khó khăn của các đơn vị vận tải trong tỉnh, đồng thời tham mưu cho Sở tìm hướng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp. Với các đơn vị có kiến nghị tăng giá vé, Sở đang xem xét để xin phương án điều chỉnh”, ông Vũ Minh Thuận, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải cho biết.
Những ngày gần đây, nhiều đơn vị, cá nhân đã có kiến nghị đến Sở Giao thông - Vận tải về những khó khăn, mong muốn có giải pháp hỗ trợ. Nhiều nhà xe như: Vân Anh, Hoa Dũng, Đông Lý, Hào Hương… đã chủ động giảm khoảng 50% số chuyến để không phải bù lỗ. Tính đến ngày 18/3, đã có 3 đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định, 2 đơn vị kinh doanh vận tải taxi và 1 đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt, đã có văn bản đề nghị được tăng giá vé để giảm bớt khó khăn.