Hàng ngàn tàu cá 'nằm bờ' vì giá xăng dầu tăng quá cao
Do ảnh hưởng của việc giá xăng dầu tăng quá cao trong những ngày qua, hàng ngàn tàu cá của ngư dân tại Thanh Hóa phải nằm bờ. Nhiều ngư dân cho biết chi phí nhiên liệu, tiền nhân công như vậy mà tiếp tục cho tàu ra khơi đánh bắt sẽ lỗ nặng.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, tại 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển của Thanh Hóa có gần 7.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ và gần bờ. Do xăng dầu tăng giá, đến nay tỉnh này có khoảng 1.200 tàu cá nằm bờ, trong đó có 555 tàu lớn đánh bắt xa bờ.
Ngư Lộc là xã ven biển huyện Hậu Lộc, có số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa, với 325 tàu, trong có 160 tàu khai thác hải sản xa bờ. Do xăng dầu liên tục tăng giá, hầu hết số tàu khai thác hải sản xa bờ của xã này phải nằm bờ. Mỗi chuyến khai thác hải sản xa bờ, tàu phải đi hơn nửa tháng. Chi phí xăng dầu ngày càng cao, công lao động không thể giảm nên nhiều tàu đi khai thác không đủ bù lỗ cho chi phí nhiên liệu, trả tiền nhân công.
Ngoài ra, số tàu thuyền đi về trong ngày cũng không có thu nhập vì chi phí xăng dầu quá cao, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập, cuộc sống của 2.500 lao động bám vào nghề biển ở xã Ngư Lộc.
Trao đổi với Banduong.vn ngày 12/03, ông Nguyễn Văn Bảo, một ngư dân ở thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc - cho biết, gia đình ông có tàu cá công suất 450CV. Mỗi chuyến đi biển từ 15-20 ngày, tàu này phải dùng từ 5.000-6.000 lít dầu. Chủ tàu phải thuê 10 lao động với tiền công 400.000 đồng/ngày/người. Tổng chi phí tiền dầu, nhân công cho mỗi chuyến đánh bắt hải sản xa bờ khoảng 200 triệu đồng.
"Do giá xăng dầu tăng liên tục, càng đi biển càng lỗ, có chuyến lỗ từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, không đủ tiền chi phí nên từ sau Tết Nhâm Dần 2022 đến nay, tôi đành cho tàu nằm bờ dù rất nhớ biển và mong được ra khơi để mưu sinh, có tiền nuôi con ăn học. Cuộc sống của người đi biển, sống từ nghề biển đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân, ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ vốn vay để bà con ngư dân xoay xở trong thời gian tới" - ông Bảo cho biết.
Còn ông Trần Văn Phụng - ở phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn, chủ tàu cá mang số hiệu TH 92555 TS - như đang ngồi trên lửa khi tàu càng ra khơi càng lỗ do xăng dầu tăng giá, trong khi khoản nợ vay đóng tàu đang là gánh nặng đối với ngư dân 63 tuổi này.
"Trước kia, gia đình tôi phải vay 6 tỉ đồng từ ngân hàng để đóng mới tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Sau hơn 4 năm khai thác, gia đình mới trả được hơn 1,5 tỉ đồng cho ngân hàng. Hiện nay còn nợ hơn 4 tỉ đồng, mỗi tháng phải trả hơn 30 triệu tiền lãi. Bây giờ tàu nằm bờ, gia đình tôi chưa biết xoay xở ra sao để có tiền trả nợ ngân hàng" - ông Phụng buồn rầu chia sẻ.
Ông Nguyễn Hải Năm, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc - cho biết trong số chủ 325 tàu thuyền khai thác hải sản của xã thì có tới hơn 90% số hộ vay vốn từ các ngân hàng và Quỹ tín dụng nhân dân Ngư Lộc, với tổng số vốn vay là 116 tỉ đồng để đầu tư đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, mua ngư cụ, dầu và nhu yếu phẩm để ra khơi.
Do xăng dầu tăng giá liên tục, một nửa số tàu thuyền của xã đã nằm bờ làm mất nguồn thu cho ngư dân và lao động làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
"Mỗi khi xăng dầu tăng giá, Hội nghề cá xã Ngư Lộc, chính quyền và ngư dân địa phương đều kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân để bà con yên tâm bám biển. Trước và sau Tết Nhâm Dần, chính quyền xã đã kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp quyên góp đồ dùng thiết yếu để hỗ trợ kịp thời cho các gia đình ngư dân gặp khó khăn" - ông Nguyễn Hải Năm cho biết thêm.
Sáng 12-3, trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, sở đang phối hợp với các địa phương ven biển thống kê chi tiết số hộ có tàu cá phải nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao hiện nợ ngân hàng bao nhiêu, cuộc sống của gia đình chủ tàu cá thế nào, cần hỗ trợ trước mắt và lâu dài ra sao để báo cáo lãnh đạo tỉnh vào tuần sau. Từ đó có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với ngư dân.
Theo khảo sát của Banduong.vn, giá các loại hải sản ở chợ đầu mối và các đại lý tại TP.Thanh Hóa bắt đầu rục rịch tăng từ 5 - 10% tùy loại so với dịp Tết Nhâm Dần.
Cá thu tươi nguyên con đang có giá 230.000 đồng/kg, cá thu cắt lát là 300.000 đồng/kg, tăng 5% so với sau Tết Nhâm Dần. Nhiều loại hải sản tại Thanh Hóa đang phải nhập từ các tỉnh phía Nam về do khan kiếm như mực tươi, tôm hùm, cá mú...