Vụ lùm xùm tại Động Tiên Sơn (Thanh Hóa): Chỉ xem xét hỗ trợ chứ không bồi thường tài sản cho doanh nghiệp
Mới đây, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa đã chỉ đạo UBND phường Hàm Rồng đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty cổ phần Du lịch Kim Quy (Công ty Kim Quy). UBND TP Thanh Hóa cũng khẳng định không bồi thường tài sản cho doanh nghiệp đã đầu tư vào động Tiên Sơn, chỉ xem xét hỗ trợ...
Liên quan đến vụ việc Công ty cổ phần Du lịch Kim Quy (Công ty Kim Quy) đầu tư và có hành động xâm hại động Tiên Sơn. Để giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu kiện kéo dài tại danh thắng động Tiên Sơn, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) khẳng định: Động Tiên Sơn thuộc Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xếp hạng vào năm 1993 và được công nhận lại vào năm 2020. Trước đó, năm 2005, UBND phường Hàm Rồng có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Kim Quy và tự động bàn giao một phần đất có diện tích là 4,3ha cho doanh nghiệp này.
Nội dung cụ thể trong hợp đồng liên doanh này thể hiện rõ có cả tỷ lệ phân chia lợi nhuận. Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa khẳng định: Một là, UBND phường Hàm Rồng là cấp phường, xã không được quyền ký hợp đồng khai thác, kinh doanh tài sản nhà nước. Hai là, UBND phường không được quyền tự giao đất cho doanh nghiệp 4,3ha. Ba là, theo Luật Di sản thì động Tiên Sơn là tài sản nhà nước, do đó UBND phường không được phép giao cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khai thác.
Sau khi có kết luận thanh tra, TP. Thanh Hóa đã xin ý kiến các sở, ngành về việc đơn phương chấp dứt hợp đồng với Công ty Kim Quy và đã được các sở, ngành thống nhất. Sau đó, UBND TP. Thanh Hóa giao cho UBND phường Hàm Rồng đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Kim Quy. Việc đền bù tài sản thì tài sản doanh nghiệp đầu tư là không được phép, do vậy không bồi thường nhưng sẽ xem xét hỗ trợ. UNND thành phố Thanh Hóa đã hướng dẫn Công ty Kim Quy nếu không đồng tình với chỉ đạo của thành phố về đơn phương chấm dứt hợp đồng thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa.
Tìm hiểu của phóng viên được biết, trước đó, ngày 5/7/2004, Công ty Kim Quy và UBND phường Hàm Rồng có tờ trình gửi UBND TP. Thanh Hóa về việc lập dự án đầu tư xây dựng động Tiên Sơn thuộc khu du lịch văn hóa Hàm Rồng - TP. Thanh Hóa. Ngày 28/7/2004, UBND TP. Thanh Hóa có văn bản đồng ý Công ty Kim Quy tiến hành lập thủ tục đầu tư, mặt bằng quy hoạch vị trí công trình, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thế nhưng, ngày 8/1/2005, UBND phường Hàm Rồng đã vội vã bàn giao động Tiên Sơn, các công trình trên đất và mặt bằng xây dựng cho Công ty Kim Quy với diện tích 4,3ha (bao gồm phần núi đá động Tiên Sơn diện tích 3,5ha; đất xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ trước động khoảng 0,8ha). Công ty Kim Quy được giao và chịu trách nhiệm quản lý toàn diện, triệt để khu núi được giao để bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, tổ chức đầu tư và xây dựng công trình cơ bản trong năm 2005 và chia lợi nhuận cho địa phương. Bên cạnh đó, UBND phường Hàm Rồng cũng giao Công ty Kim Quy có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục cần thiết về đầu tư xây dựng cơ bản để các cấp có thẩm quyền phê duyệt giao quyền sử dụng đất đúng pháp luật.
Ngày 25/7/2005, phường Hàm Rồng và Công ty Kim Quy lại ký hợp hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nội dung của hợp đồng nêu rõ: Bên A (phường Hàm Rồng) giao cho bên B (Công ty Kim Quy) trực tiếp đầu tư xây dựng và tổ chức khai thác động Tiên Sơn dựa trên mặt bằng quy hoạch được duyệt. Bên B được quyền điều hành việc xây dựng công trình theo quy hoạch trên cơ sở phải có sự bàn bạc thống nhất với bên A, trực tiếp quản lý và hạch toán quá trình hoạt động các hạng mục công trình cho đến khi kết thúc dự án. Thời hạn hợp đồng là 50 năm.
Tiếp đó, Công ty Kim Quy đã xây dựng hàng loạt các hạng mục công trình, cụ thể gồm 2 bán bình phía Tây cột sắt, mái nhựa có diện tích 22,4m2; 1 nhà khung sắt, mái nhựa 142,71m2; 1 nhà khung sắt mái tôn có diện tích 87,5m2 (khu vực tiếp giáp với vườn lan phía Tây) và 1 nhà có diện tích 17m2 và 1 chòi bán vé diện tích 4,41m2...
Sau khi có đơn thư phản ánh sự việc trên, UBND TP. Thanh Hóa khẳng định, việc UBND phường Hàm Rồng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Kim Quy là không đúng quy định. Bởi, theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 thì UBND cấp xã không có thẩm quyền ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Mặt khác, hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa phường Hàm Rồng và Công ty Kim Quy có thời hạn 50 năm nhưng không có cơ sở đánh giá việc đầu tư để quy đổi ra số năm hợp đồng. Công ty Kim Quy đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, tự phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ, thi công và dự toán công trình để triển khai thi công, quyết toán công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trả lời Banduong.vn ngày 03/01, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho rằng, theo quy định của Luật Di sản, trong hoạt động hợp tác đầu tư tại di tích, danh lam thắng cảnh là chưa có quy định; doanh nghiệp chỉ được kinh doanh, khai thác dịch vụ nằm ngoài khu vực được bảo vệ khoanh vùng bảo vệ di tích. Việc thu phí tham quan di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnhđược thực hiện theo quy định của Luật Phí và Lệ phí. Đơn cử, đối với Động Tiên Sơn, doanh nghiệp chỉ được phép khai thác dịch vụ (xe dịch vụ, chụp ảnh…) chứ không được thực hiện việc bán vé, thu tiền của khách vào động tham quan.
Như đã biết, Động Tiên Sơn (phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa) được xếp hạng cấp tỉnh trong quần thể di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh núi Rồng động Tiên tại Quyết định 306-VHQĐ ngày 1/12/1993 của Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Động có nhiều nhũ đá đẹp và huyền ảo, được nhân dân gắn cho những truyền thuyết như tích Phật, tích Tiên… Tại đây người dân đã xây dựng ban thờ thờ Phật, thờ Bà Chúa Kho, thờ Mẫu... để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng.