Dân bức xúc việc đền bù đất tại dự án “Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa"
Thời gian vừa qua với việc thực hiện Dự án “Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa tại TP. Thanh Hóa”, nhiều hộ dân ở ở phố Phú Quý, phường Quảng Tâm tỏ ra bức xúc về cách triển khai thực hiện của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng.
Theo đó, Dự án “Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa tại TP. Thanh Hóa” có tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo cho trên 18.700 học sinh, sinh viên. Dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn 2 phường Quảng Tâm và Quảng Phú (TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) với diện tích đất sử dụng 84,2 ha thuộc phần đất thu hồi của khoảng 900 hộ dân. Trong đó, riêng phố Phú Quý, phường Quảng Tâm có 172 hộ trong diện thu hồi đất với tổng diện tích 140.445 m2.
Để dự án sớm được khởi công xây dựng, công tác bồi thưởng, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được TP. Thanh Hoá, chính quyền các địa phương có dự án đã tích cực triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này nhiều hộ dân ở phố Phú Quý tỏ ra bức xúc, không bằng lòng với cách làm của chính quyền và ngành chức năng ở một số khâu, nhất là việc họp bàn, thống nhất hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.
Theo nội dung đơn thư của ông Nguyễn Đình Oanh ở phố Phú Quý cũng như phản ánh của nhiều hộ dân, tháng 4/2021 tại hội nghị tiếp xúc cử tri các hộ dân được thông qua và thảo luận về chủ trương thu hồi đất để thực hiện Dự án “Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa tại TP. Thanh Hóa”. Hội nghị có nhiều ý kiến về giá cả bồi thường thu hồi đất và chưa có sự thống nhất cuối cùng của ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng như từ phía người dân. Thế nhưng, đến ngày 16/3/2022 (tức là sau gần 1 năm), các hộ dân nhận được quyết định thu hồi đất, bảng tích kê số tiền hỗ trợ bồi thường và thông báo ngày nhận tiền bồi thường thu hồi đất.
Trao đổi với Banduongvn ngày 17/3, ông Oanh cho biết: “Từ cuộc họp đầu tiên với nhiều ý kiến chưa được thống nhất đến nay chúng tôi chưa được tham gia thêm bất kỳ một cuộc họp nào để bàn, thảo luận và thống nhất giá bồi thường, hỗ trợ từ phía người dân. Vậy mà ngày 16/3 các hộ dân chúng tôi lại nhận được quyết định thu hồi đất cùng bảng giá đền bù của TP. Thanh Hoá. Cách làm này chẳng phải là sự áp đặt, thiếu dân chủ mà chính quyền và ngành chức năng đang làm đối với người dân”.
Đó là trường hợp của ông Lê Hữu Sơn, một trong những hộ gia đình trong diện thu hồi 100% diện tích đất phục vụ dự án. Theo quy định tại Quyết định số 3162/2014/QĐ-UBND, ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, nếu thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở. Gia đình ông Sơn có diện tích đất nông nghiệp thu hồi là 886 m2; số nhân khẩu trong gia đình ông là 10 người và không thuộc diện phải di chuyển chỗ ở. Tuy nhiên, trong quyết định thu hồi đất, gia đình ông Sơn chỉ có 9 nhân khẩu được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, riêng ông Sơn, chủ hộ - người ốm đau thường xuyên, nằm liệt giường cả chục năm nay lại không được hưởng hỗ trợ.
Thắc mắc về việc này, gia đình ông Sơn được cán bộ Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Thanh Hoá lý giải là cá nhân ông Sơn đang hưởng trợ cấp khuyết tật hàng tháng nên không được nhận hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất sau khi thu hồi đất. Liệu việc làm này đã đúng với quy định hay chưa?
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Lưu Doãn Ơn, Chủ tịch UBND phường Quảng Tâm và ông Tào Minh Hạnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Thanh Hoá cả 2 ông đều có câu trả lời “sẽ cho kiểm tra, rà soát lại”. Riêng ông Lưu Doãn Ơn, Chủ tịch UBND phường Quảng Tâm khẳng định: “Nếu là người khuyết tật mà không được nhận hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất là không đúng. Phường sẽ kiểm tra, xem xét lý do tại sao trường hợp trên lại không trong danh sách được hưởng hỗ trợ”.
Có thể thấy, việc tạo sinh kế, hỗ trợ người dân sau khi Nhà nước thu hồi đất là chủ trương hết sức đúng đắn, nhân văn. Thế nhưng, tại phố Phú Quý, khi bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án “Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa tại TP. Thanh Hóa”, đối tượng khuyết tật, ốm đau thường xuyên lại không nằm trong danh sách được hưởng hỗ trợ, liệu còn hay không tính nhân văn của một chủ trương?.
Không chỉ trường hợp của gia đình ông Sơn, các hộ dân còn thắc mắc về việc gia đình có người là cán bộ hưu trí, các thành viên khác trong gia đình không được nhận hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất. Đó là trường hợp của gia đình bà Lê Thị Khải. Bà Khải chia sẻ: “Hộ khẩu gia đình tôi ghi rõ 6 nhân khẩu, theo quy định của Nhà nước cá nhân tôi không được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất. Nhưng các con tôi, cháu tôi không được hưởng lương Nhà nước chúng nó phải được hỗ trợ phần nào để ổn định đời sống và sản xuất sau khi Nhà nước thu hồi đất chứ. Biết là việc hỗ trợ không nhiều, nhưng đây là thực hiện theo quy định và quan trọng hơn là tạo tâm lý an tâm, tin tưởng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước của người dân khi họ bị thu hồi đất. Người dân chúng tôi sẽ không phục nếu chính quyền và ngành chức năng thực thi công vụ theo kiểu “vơ đũa cả nắm”.
Liên quan đến vấn đề này, Điều 6 của Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT, ngày 3/6/2014 nêu rõ: Cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) không thuộc đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP nhưng đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất nhưng không được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, không được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Hộ gia đình vừa có nhân khẩu là cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) vừa có nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đang sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình đó thì nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương quy định mức hỗ trợ cho phù hợp.
Đền bù GPMB thực hiện dự án đầu tư tại phố Phú Quý, phường Quảng Tâm (TP. Thanh Hóa): Nhiều hộ dân chưa đồng thuậnTích kê diện tích chi trả bồi thường của hộ ông Trần Trọng Giảng trong đó không có phần được hỗ trợ về giá trị cây cối, hoa màu.
Cùng với những bức xúc trên, nhiều hộ dân còn thắc mắc về việc bồi thường chưa đúng với diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không được bồi thường về giá trị cây cối, hoa màu.
Ông Trần Trọng Văn, người dân phố Phú Quý bức xúc cho biết: Gia đình tôi có diện tích đất ruộng là 825 m2 mang tên Trần Trọng Giảng, trước đó Nhà nước đã thu hồi 193,4 m2 cho dự án đường giao thông. Vậy gia đình tôi còn lại 631,6 m3, vì sao khi thu hồi đền bù lại có 576,4 m. Khi hỏi về việc này một nhân viên Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Thanh Hoá cho biết, dự án chỉ lấy của gia đình 576,4 m2. Nếu chỉ lấy 576,4 m2, vậy thửa đất còn lại là 55,2 m gia đình tôi làm gì?. Ông Văn còn bức xúc về thái độ làm việc của nhân viên Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Thanh Hoá. Ông nói: “Khi tôi hỏi về việc công khai, niêm yết những quy định về đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng, những quyền lợi của người dân khi Nhà nước thu hồi đất thì nhân viên Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Thanh Hoá nói lên mạng mà tìm”…
Đi tìm câu trả lời cho những vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo phường Quảng Tâm là ông Lưu Doãn Ơn, Chủ tịch UBND phường và ông Tào Minh Hạnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Thanh Hoá - Đơn vị chủ trì việc thực hiện bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, kết quả nhận được vẫn là câu trả lời “sẽ cho kiểm tra, rà soát lại. Nếu có thiếu sót sẽ bổ sung chi trả”.