"Nóng" cổ phiếu thuỷ điện
Báo cáo mới cập nhật của Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đã đánh giá, nhóm thuỷ điện đã có một năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 kinh doanh thuận lợi nhờ điều kiện thủy văn tích cực, triển vọng sẽ có nhiều cơ hội bứt phá trong các quý tiếp theo.
Theo Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) sản lượng điện thương phẩm quý I/2022 đạt 63,03 tỷ kWh, tăng 7,8% so với cùng kỳ, tương ứng 1,55 lần tăng trưởng GDP (5,03%). Giá thị trường điện toàn phần (FMP) cũng cao hơn 40% so với cùng kỳ, nguyên nhân là do giá huy động từ điện than và khí tăng cao.
Cổ phiếu nhóm thủy điện đã tăng trưởng rất tốt trong vòng 2 tháng trở lại đây. Đơn cử, GEG đã tăng 31% trong vòng 1 tháng qua; VSH tăng 41%; HDG 29,7%; TMP. Động lực đến từ nhóm thuỷ điện đã có năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 kinh doanh thuận lợi nhờ điều kiện thủy văn tích cực. Bên cạnh đó, ngành điện nói chung và nhóm thủy điện nói riêng thường có đặc thù hoạt động ổn định, cổ tức bằng tiền mặt đều đặn cũng như mặt bằng định giá cổ phiếu khá hợp lý.
Theo Agriseco Research, toàn ngành điện sẽ đạt được tăng trưởng tốt trong năm nay dựa trên mức nền tăng trưởng thấp của 2021 và theo đà hồi phục của nền kinh tế. Theo thống kê, trong điều kiện bình thường không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phụ tải điện có hệ số tăng trưởng thường trên 1,5 đến 1,8 lần tăng trưởng GDP (theo năm). Với kì vọng GDP tăng trưởng ở mức 6% - 6,5% và thậm chí cao hơn, ước tính phụ tải đạt mức tăng trưởng ít nhất trên 9% trong năm 2022.
Nhóm thủy điện sẽ được hưởng lợi trong phần còn lại của năm 2022 và bứt phá nhờ vào 3 yếu tố đó là:
(1)Điều kiện thủy văn thuận lợi trong các tháng tới.
(2) Năng lượng tái tạo chưa thể vận hành được tối đa công suất đã lắp đặt.
(3) Chi phí đầu vào của nhiệt điện than và tua bin khí làm giảm khả năng cạnh tranh của loại năng lượng này.
Nhóm thủy điện sẽ được hưởng lợi trong phần còn lại của năm 2022 và bứt phá nhờ vào 3 yếu tố. Một là, khả năng cao về tình hình thủy văn tích cực trong các tháng tới. Nhiều tổ chức khí tượng lớn như NOAA của Mỹ đánh giá cao xác suất điều kiện thời tiết sẽ duy trì ở trạng thái La Nina tại khu vực Bán Cầu trong mùa đông năm 2022. Cụ thể, xác suất xảy ra hiện tượng La Nina từ tháng 6 đến tháng 8 là trên 54% và sau đó quay trở lại pha trung tính trước khi xác suất La Nina tăng lên tới 50% trong mùa đông năm nay.
Việc La Nina duy trì tới mùa đông thứ ba (2020-2021, 2021-2022 và dự báo 2022-2023) là không phổ biến trong lịch sử khí tượng thế giới khi chỉ ghi nhận hiện tượng này 2 lần kể từ 1950.
Trở lại nửa cuối năm 2022, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn dự báo mưa sẽ nhiều hơn so với trung bình ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào các tháng 7, 8, 9 và từ tháng 9, 10, 11 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Theo đó, các doanh nghiệp thủy điện sẽ tiếp tục được hưởng lợi đến năm 2023 khi được huy động tối đa sản lượng trong trường hợp hiện tượng La Nina kéo dài qua mùa đông năm nay.
Hai là, sản lượng huy động từ nguồn điện tái tạo mới (điện mặt trời và điện gió) biến động mạnh trong ngày và giữa các ngày trong tháng, đồng thời duy trì ở mức thấp trong các tháng đầu năm. Với nhiều nhà máy điện gió mới vận hành đồng loạt từ cuối năm trước, công suất lắp đặt của loại năng lượng này tại ngày 01/11/2021 đã đạt 3.980 MW.
Mặc dù vậy, sản lượng điện gió trong các tháng đầu năm ở mức khá thấp. Cụ thể, trong tháng 3 có ngày công suất phát điện đạt chưa đến 1% công suất lắp đặt vì thiếu gió, tháng 4 và tháng 5 chỉ có lần lượt 7 ngày và 1 ngày cao hơn 2000 MW (tương đương khoảng 50% công suất lắp đặt). Trong khi điện mặt trời đã cho thấy thời gian phát điện hiệu quả chỉ khoảng 4 - 5 giờ/ ngày, điện gió vẫn cần theo dõi khả năng phát điện theo mùa gió để đánh giá hiệu quả. Như vậy, thủy điện vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng là nguồn năng lượng nền tảng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia bởi tính ổn định cao.
Ba là, rủi ro thiếu hụt than và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến nhóm nhiệt điện. Quý I ghi nhận thiếu tới 300 MW nhiệt điện do thiếu hụt than, có thể kể đến các nhà máy bị ảnh hưởng như: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nghi Sơn, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, NMNĐ Hải Phòng. Rủi ro thiếu than trong các tháng tới đã khiến các nhà máy phải chủ động tìm kiếm nguồn than nhập khẩu để bổ sung sản lượng thiếu hụt. Tuy nhiên, do giá than bị giới hạn bởi EVN, các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thỏa thuận giá với nhà cung cấp nước ngoài để đảm bảo biên lợi nhuận cho các nhà máy.
Mặc dù giá bán đầu ra được EVN bao tiêu và tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành điện được cố định theo các hợp đồng PPA, nhưng sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường phát điện cạnh tranh của các nhà máy nhiệt điện than sử dụng nguồn than nhập khẩu và tua bin khí, đồng thời khiến giá mua điện cao. Theo đó các doanh nghiệp thủy điện được hưởng lợi khi giá bán điện cao hơn năm ngoái đồng thời tăng tỷ trọng phát điện trên thị trường cạnh tranh.
Theo nhóm phân tích, bên cạnh yếu tố thời tiết thường diễn ra có tính chu kì, hai sự kiện trên sẽ trực tiếp tác động tích cực vào kết quả kinh doanh của nhóm thủy điện trong năm nay.