Một người Việt chi bao nhiêu tiền mua sắm trực tuyến?
Theo khảo sát mới đây của Bộ Công Thương, có khoảng 74,8% người sử dụng mạng Intermet ở Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến. Trong đó, những trở ngại lớn nhất khi mua hàng trực tuyến, đó là chất lượng kém so với quảng cáo, lo sợ thông tin cá nhân bị tiết lộ, chi phí vận chuyển cao.
Số liệu trong Sách trắng Thương mại điện tử năm 2022 của Bộ Công Thương vừa công bố cho biết số lượng người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến cũng tăng qua các năm, từ con số khoảng 33,6 triệu người trong năm 2017 lên đạt 54,6 triệu người vào năm 2021 và dự báo năm nay sẽ đạt từ 57 - 60 triệu người. Giá trị mua sắm trực tuyến của 1 người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 là 251 USD và có khả năng đạt 260 - 285 USD trong năm 2022.
Năm 2021, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động và laptop/máy tính để bàn đặt hàng trực tuyến đều tăng so với năm 2020. Trong đó, tỷ lệ đặt hàng qua điện thoại di động tăng từ 87% lên 91%; tỷ lệ đặt hàng qua laptop/máy tính để bàn tăng từ 38% lên 48%.
Kênh mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng chọn sử dụng nhiều hơn cả trong năm 2021 là website thương mại điện tử, chiếm tới 78%; tiếp đó là qua diễn đàn, mạng xã hội (42%) và qua các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động (47%).
Top 5 loại hàng hóa dịch vụ thường được người tiêu dùng mua qua mạng là Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; Thiết bị đồ dùng gia đình; Đồ công nghệ - điện tử; Sách, văn phòng phẩm, hoa, quà tặng; Thực phẩm. Bên cạnh đó, trong năm ngoái, người tiêu dùng cũng mua qua mạng các loại hàng hóa, dịch vụ khác như vé máy bay, tàu hỏa, ô tô; đặt chỗ khách sạn, tour du lịch; vé xem phim, ca nhạc…
Đáng chú ý, khảo sát của năm 2022 chỉ ra những trở ngại đối với người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến, đó là: chất lượng kém so với quảng cáo; lo sợ thông tin cá nhân bị tiết lộ; chi phí vận chuyển cao; chất lượng dịch vụ vận chuyển và giao nhận, dịch vụ chăm sóc khách hàng.