Chuyên mục


Vì sao VCCI không đồng ý quy định mới về sàn thương mại điện tử?

30/05/2022 12:12 (GMT +7)

VCCI cho rằng việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo ra áp lực rất lớn về tài chính cho sàn khi phải ứng trước một khoản tiền thuế từ người bán phải đóng.

Sau khi Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam có ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 126/2020/NĐ-CP và nghị định 123/2020/NĐ-CP về quản lý hoạt động sàn thương mại điện tử, mới đây Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có ý kiến về dự thảo này. 

Nhiều trường hợp, sàn thương mại điện tử không có đủ công cụ cũng như quyền lực để thực thi yêu cầu người bán trả lại tiền thuế mà sàn đã đóng thay

Nhiều trường hợp, sàn thương mại điện tử không có đủ công cụ cũng như quyền lực để thực thi yêu cầu người bán trả lại tiền thuế mà sàn đã đóng thay

So với quy định hiện hành, dự thảo có một số quy định mới về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán trên sàn. Cụ thể, về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay tại Điều 1.2 dự thảo (bổ sung Điểm k, Khoản 5 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP) quy định, "Sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến: có trách nhiệm đại diện cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) khai thuế, nộp thuế cho cá nhân (Điểm k.1 Điều 7.5 (sửa đổi)); sàn thương mại điện tử không có chức năng đặt hàng trực tuyến: thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên cơ sở uỷ quyền theo quy định của pháp luật dân sự tại Điểm k.2, Điều 7.5 (sửa đổi)"

Về trách nhiệm cung cấp thông tin của người bán tại Điều 1.7 dự thảo (bổ sung Điều 27.8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP): "Sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hoá, dịch vụ trên sàn cho cơ quan thuế". 

Theo đó, tổng thư ký VCCI cho rằng các quy định như tại dự thảo hiện tại sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp, là đối tượng chịu tác động của các quy định. Trong đó, quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến, được VCCI cho là chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng, chưa thống nhất của các luật thuế khác về chủ thể có trách nhiệm nộp thuế, chưa thống nhất với Bộ luật dân sự về chế định đại diện. 

Lý do VCCI đưa ra là sàn thương mại điện tử có thể được coi là nền tảng trung gian kết nối người mua và người bán, hay cũng có thể một hình thức “chợ” nhưng thực hiện trên không gian mạng, chứ không kiểm soát tất cả hoạt động bên bán hàng. 

Bên cạnh đó, về việc kiểm soát dòng tiền thanh toán, hiện nhiều sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng, không thu nhận toàn bộ dòng tiền trong tất cả các giao dịch qua sàn, sàn sẽ không nhận được tiền của người mua hàng nếu họ thanh toán bằng tiền mặt.

Việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo ra áp lực rất lớn về tài chính cho sàn khi phải ứng trước một khoản tiền thuế từ người bán phải đóng. Thống kê thực tế cho thấy, các giao dịch thanh toán tiền mặt hiện đang chiếm tỉ lệ đến 86% và áp lực về hoạt động khi phải thực hiện việc thu lại số tiền thuế của người bán.

Trong nhiều trường hợp, sàn thương mại điện tử không có đủ công cụ cũng như quyền lực để thực thi yêu cầu người bán trả lại tiền thuế mà sàn đã đóng thay. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho hoạt động của sàn thương mại điện tử. 

Để đánh giá tác động của quy định này đối với doanh nghiệp, VCCI tiến hành khảo sát sơ bộ 107 sàn thương mại điện tử trong khoảng thời gian từ tháng 4 – 5/2022. Kết quả cho thấy, về chi phí kinh doanh, quy định về kê khai, nộp thuế thay sẽ gia tăng tương đối đáng kể chi phí cho các sàn thương mại điện tử.

Mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu của năm 2022 so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 10,65 điểm phần trăm so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này. Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 5,2 điểm phần trăm; chi phí mua ngoài liên quan đến công nghệ thông tin cao hơn 9,45 điểm phần trăm và chi phí nhân sự tăng 19,86 điểm phần trăm...

“Đặc biệt, trong bối cảnh trên 80% các sàn thương mại điện tử đều trả lời đang lỗ và sẽ tiếp tục lỗ trong những năm tới, quy định này có thể sẽ tạo thêm gánh nặng tuân thủ lớn cho các sàn thương mại điện tử”, báo cáo VCCI nêu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ nảy sinh hàng loạt khó khăn, trở ngại khi thực hiện quy định. Nhiều công việc cụ thể cần thực hiện theo quy định được đánh giá là “khó” và “rất khó” theo cảm nhận của sàn thương mại điện tử như gần 57% sàn thấy khó khăn trong phân loại hàng hóa theo tỷ lệ thuế; 43% cho rằng khó thu thập, trích xuất dữ liệu người bán; thậm chí gần 70% khẳng định rất khó để thực hiện kê khai, nộp thuế thay.

Các sàn thương mại điện tử cũng có chia sẻ nhiều lo ngại nếu thực hiện nghĩa vụ trên sẽ phải thay đổi quy trình quản lý và vận hành của doanh nghiệp; 100% sàn thương mại điện tử cho rằng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định doanh thu của người bán tại kỳ tính thuế; 100% lo ngại gặp rủi ro liên quan đến việc nộp thừa hoặc thiếu tiền thuế.

 
Do đó, các quy định mới cần phải cân nhắc thật sự thấu đáo để tránh tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ quá lớn cho các đối tượng trung gian này".

Đại diện VCCI nhìn nhận

Bên cạnh đó, VCCI phân tích, quy định tại Điều 1.2 dự thảo về nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay của sàn thương mại điện tử là chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng. Quy định tại dự thảo không thống nhất với quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng về chủ thể có trách nhiệm kê khai, nộp thuế của người bán trên sàn thương mại điện tử. Mặt khác, dự thảo quy định sàn thương mại điện tử có trách nhiệm đại diện cho người bán thực hiện kê khai, nộp thuế thay.

Quy định này chưa phù hợp với quy định của pháp luật dân sự về chế định đại diện. Quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến tại dự thảo có tính chất bắt buộc, do đó, trách nhiệm đại diện trong trường hợp này sẽ phát sinh một cách bắt buộc (không tự nguyện) và tự động (không cần có văn bản uỷ quyền). Căn cứ đại diện này không phù hợp với bất kỳ căn cứ phát sinh đại diện nào theo pháp luật dân sự.

Đáng quan ngại, riêng quy định này được ban hành, sửa đổi và thực hiện trong chưa đầy một năm và đến nay lại được đề xuất thay đổi bằng quy định tại dự thảo. Việc này có thể gây lo ngại cho các sàn thương mại điện tử về môi trường pháp lý thiếu ổn định, nhiều rủi ro.

Quy định này cũng chưa rõ ràng ở hàng loạt điểm. “Về cách thức thực hiện, dự thảo chưa quy định rõ các sàn thương mại điện tử sẽ thực hiện kê khai và nộp thuế thay thuế cho người bán trên tất cả các đơn hàng hay chỉ khấu trừ khi xác định người bán có doanh thu trong năm trên 100 triệu đồng?”, VCCI đặt vấn đề. Bởi vì, người bán là cá nhân chỉ có trách nhiệm nộp thuế nếu có doanh thu trong năm trên 100 triệu đồng.

Nếu chỉ thực hiện với người bán có doanh thu vượt ngưỡng, các sàn thương mại điện tử sẽ gặp khó khăn trong việc xác định khi nào người bán vượt ngưỡng doanh thu để thực hiện kê khai, nộp thuế thay. Chẳng hạn, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng doanh thu của người bán được hiểu là tổng giá trị đơn hàng. Tần suất cung cấp thông tin cần sửa đổi theo cung cấp thông tin theo năm, thay vì theo quý như dự thảo.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến thực hiện trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay người bán trên sàn. Việc kê khai, nộp thuế thay chỉ nên thực hiện trên cơ sở ủy quyền của pháp luật dân sự.

VCCI cũng cho rằng việc thu thuế thương mại điện tử hiệu quả cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng. Sự hỗ trợ này có thể đến từ việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cũng cần lưu ý không tạo ra gánh nặng chi phí bất hợp lý cho các sàn. 

Hồng Thơ
Chỉ có 2 đơn vị trúng thầu 34 lô vàng
Có 11 đơn vị bao gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp tham gia phiên đấu thầu vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng nay (23/4), tuy nhiên chỉ có 2 đơn vị trúng thầu.

Cấm phân lô, bán nền hơn 100 thành phố và thị xã
Kể từ ngày 1/1/2025, 105 thành phố, thị xã thuộc 63 tỉnh, thành trên khắp cả nước sẽ không được phân lô, bán nền theo quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Hóa dầu Petrolimex dự kiến cổ tức tối thiểu 10%
Năm 2024, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex-CTCP (PLC) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 140 tỷ đồng; chỉ tiêu cổ tức tối thiểu 10%.

Vàng giảm mạnh trước giờ đấu thầu
Sáng nay (23/4), giá vàng trong nước giảm mạnh theo giá vàng thế giới.

SHB được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất
Đây là lần thứ hai liên tiếp SHB là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”.

LPBank sẽ đổi tên, mở rộng bán lẻ ở nông thôn
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã: LPB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ, đạt 10.500 tỷ đồng.

NHNN hoãn đấu thầu vàng miếng sang 23/4
Sáng nay (ngày 22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoãn đấu thầu vàng miếng như dự kiến và sẽ triển khai vào 10h sáng thứ Ba ngày 23/4.