Lòng tham "bức tử" xe đạp Arevo ở TPHCM
Lãnh đạo Khu công nghệ cao TPHCM, giới đầu tư và người mua xe sẽ không nghĩ rằng Dự án xe đạp 3D SuperStrata dừng nhanh đến thế. Bởi nhóm sáng lập vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang hội tụ đủ tinh hoa để phát triển. Nhưng họ không lường trước được thói quen "ăn xổi ở thì" ... và điểm đến của dòng tiền.
Lời Toà soạn:
Mặc dù chậm nửa năm so với thời điểm Công ty TNHH Arevo Việt Nam dừng hợp đồng thuê xưởng và cũng chậm hơn rất nhiều dư luận; cuối cùng lãnh đạo Khu công nghệ cao cũng đã ra thông báo chính thức về việc phá sản dự án của bà Lê Diệp Kiều Trang.
Sự thất bại của một dự án công nghệ cao ảnh hưởng đến uy tín của TP.HCM. Khu Công nghệ cao TP.HCM là một trong những điểm đến thu hút đầu tư của thành phố này và cả nước. Từ đây, các chỉ số kinh tế của TPHCM tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm nay. Vì thế mà bên cạnh những chính sách ưu đãi thuế tối đa trong thời gian rất dài của Chính phủ, lãnh đạo TPHCM dành sự quan tâm đặc biệt tới mảng đầu tư này. Chính vì sự thất bại của một dự án quá nhiều kỳ vọng mà đến nay dư luận vẫn còn vướng ít nhất 2 vấn đề chưa thể lý giải:
Thứ nhất: Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết cam kết đảm bảo công khai minh bạch và cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu Công nghệ cao. Theo đó, dự án nhà máy in sợi 3D sản xuất xe đạp trước đó chắc chắn đã được duyệt qua vòng thẩm định khắt khe mới được cấp phép. Sau đó xe đạp 3D SuperStrata cũng đã đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm đó có được kiểm định chất lượng như cam kết của chủ dự án trước khi ra thị trường không, mà người tiêu dùng lại thất vọng đến vậy?
Thứ hai: Tính đến ngày 25/7/2023, Công ty TNHH Arevo Việt Nam không xuất hiện trong lịch sử tín dụng của các ngân hàng. Dự án của Lê Diệp Kiều Trang chắc chắn không thoả lòng người dân TPHCM hay độc giả về sự minh bạch tài chính. Bởi bản chất trong động thái chi tiền của các đầu tư vào dự án này đó là sự kỳ vọng quá lớn và niềm tin vào một gia thế lớn. Nhà đầu tư vẫn sẵn sàng chi tiền mà không lăn tăn gì khi Superstrata.bike có những tính năng giống trang thương mại điện tử sau này, xe đạp 3D SuperStrata của Avero lại phải được đặt hàng “mua" trên trang Superstrata.bike, dù người dùng tham gia với tư cách tài trợ (donate) cho dự án được gọi vốn cộng đồng trên Indiegogo.
Đến nay, chưa có nhà đầu tư nào phản hồi về khoản vốn góp vào dự án này nhưng độc giả gửi hàng loạt thắc mắc về điểm đích của dòng tiền đã bị chảy về "thung lũng silicon" không, các số liệu tài chính của dự án công bố cũng gây nhiều tranh luận. Trong phạm vi bài viết bài, Banduong.vn nhìn lại hành trình đi đến thùng rác của một chiếc xe đạp mang rất nhiều niềm hy vọng của giới tài chính trẻ.
Siêu dự án xe đạp với vòng đời chưa đầy 3 năm
Cách đây gần 3 năm, hồi tháng 8/2020, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đại diện tham gia buổi ký kết hợp tác với Arevo - startup công nghệ in 3D thế hệ mới có trụ sở tại Mỹ, Giám đốc điều hành là ông Sonny Vũ (Vũ Xuân Sơn, cũng là chồng của Lê Diệp Kiều Trang).
Khi đó, hình ảnh của ông Sonny Vũ "vô cùng sáng" khi được giới thiệu là một người Mỹ gốc Việt rất thành công ở thung lũng Silicon với nhiều dự án khởi nghiệp nổi tiếng như FireSpout (công ty công nghệ phần mềm về xử lý ngôn ngữ), Agamatrix (công ty hiện có doanh thu hàng năm gần 100 triệu USD), Misfit Wearables (cùng cựu CEO Apple John Sculley và một người bạn đại học)…
Tại buổi lễ, tỷ phú Vinod Khosla - đồng sáng lập Sun Microsystems cũng dành những "lời khen có cánh" cho rằng, Sonny Vu là tấm gương tuyệt vời để các startup công nghệ Việt Nam có thể học hỏi theo. Lễ ký kết được diễn ra dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức; Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng; Chủ tịch AmCham Việt Nam Chad Ovel; Đồng sáng lập Quỹ đầu tư Alabaster Lê Diệp Kiều Trang (vợ của Vũ Xuân Sơn).
Sau đó, một chiến dịch truyền thông rầm rộ về dự án startup công nghệ đột phá tại Việt Nam. Người tiêu dùng thời điểm đó bị thu hút mạnh với chiếc xe đạp bằng công nghệ in 3D với thương hiệu Superstrata, sử dụng vật liệu polyme sợi carbon. Vào năm 2020, vào giữa lúc đại dịch Covid-19 đang bùng phát rất mạnh, Avero trở thành một hiện tượng kiểu "Tesla của ngành xe đạp".
Người tiêu dùng bị hấp dẫn bởi chiếc khung xe không cần đinh, keo, không có mối nối mà là một chiếc khung xe bằng sợi carbon nguyên khối nên vừa nhẹ, vừa vững. Vật liệu thế hệ mới, chuyên dùng để sản xuất thân vỏ máy bay nên độ bền của khung còn cao hơn nữa. Bên cạnh đó, xe này được in theo yêu cầu nên phù hợp với cơ thể của từng người. Vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang cũng cho biết xây nhà máy in 3D sợi carbon có quy mô lớn nhất thế giới ở Việt Nam.
Khi sản phẩm tung ra thị trường cũng được một khách hàng "siêu VIP review" khi Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy là một trong những người đầu tiên sở hữu chiếc xe đạp này.
Nhưng dự án này đã đưa đại diện Khu công nghệ cao TPHCM vào thế khó trước áp lực lớn từ dư luận. Văn bản do ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, ký ngày 14/7/2023 cũng chính là thông tin chính thức của TPHCM về việc phá sản của Avero. Trong thông báo nêu rõ, Công ty Arevo thanh lý hợp đồng thuê nhà xưởng 5 tháng trước khi dừng hoạt động. Mà Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM sau khi tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động dự án của Công ty Arevo vào ngày 15/5, thì đến ngày 17/5, cơ quan này đã có văn bản ghi nhận tình trạng chấm dứt hoạt động dự án đầu tư của Công ty Arevo gửi đến Sở KH-ĐT TP.HCM; ghi nhận việc Arevo chấm dứt hoạt động trên Hệ thống thông tin Quốc gia về đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, trong thông báo của TPHCM không nhắc gì đến chiếc xe đạp siêu công nghệ, và có chỉ rõ riêng hạng mục sản xuất vật liệu sợi carbon nền polymer dành cho in 3D và dịch vụ in 3D từ sợi carbon thì công ty chưa triển khai. Dự án không triển khai hết công suất giai đoạn 1 và không góp vốn đủ như đăng ký đầu tư 19,5 triệu USD.
Sau nhiều lý do được phía công ty đưa ra do chi phí nguyên liệu sợi carbon, do khái niệm 3D còn chưa rõ ràng, do dịch bệnh... Thì người trong cuộc cũng thừa nhận, dự án dừng khi tiêu hết tiền. Đứng trước câu hỏi hơn 7 triệu USD tiền của nhà đầu tư đã đi đâu, bà Trang cho biết: “Tiền đã đổ hết vào nhà máy sản xuất, phụ tùng xe đạp, chi phí “ba tại chỗ”, chi phí vận tải tăng gấp nhiều lần sau COVID-19 khi nhập nguyên liệu đầu vào, lương kỹ sư công nhân…”.
Niềm tin cộng đồng bị nhóm doanh nhân lợi dụng kiếm tiền
Ủng hộ starup Việt và yêu thích công nghệ, hàng nghìn người đã bị lợi dụng, bỏ 1.000 USD để đổi lại chiếc xe đạp hàng tặng (không biết giá trị thực là bao nhiêu) và thêm bức xúc như ông Trần Mạnh Hiệp (Facebook: Cu Hiệp, admin diễn đàn Tinhte.vn), ông Huỳnh Trúc Lâm và hàng nghìn người góp vốn cộng đồng vào dự án xe đạp Superstrata trên Indiegogo...
Thế nhưng không chỉ khoảng thời gian này, mà từ những lô hàng đầu tiên, nhiều khách hàng đã “bóc phốt” về chất lượng xe SuperStrata, dịch vụ giao hàng, bảo hành sản phẩm, cũng như cách chăm sóc khách hàng bằng việc "block" nếu phàn nàn. Bức xúc đến mức, có những thành viên Indiegogo tham gia góp vốn, đã kêu gọi người dùng khác tẩy chay cách làm ăn và thái độ hành xử của Arevo Việt Nam.
Nhiều độc giả thắc mắc, tại sao khi dự án sập, các nhà đầu tư không kiện cáo? Không khó để nhìn ra, bà Lê Diệp Kiều Trang chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu việc phá sản trong kịch bản hoàn hảo: Trả xong nhà xưởng, thông báo cho cơ quan quản lý trình tự, không phải trả lại tiền cho nhà đầu tư, hay còn vướng mắc gì tại Khu công nghệ cao TPHCM... Bởi các khoản vốn góp theo nhà sáng lập thì đã đầu tư hết cho nhà máy, sản phẩm chưa đủ chất lượng vì là hàng tặng trong giai đoạn thử nghiệm (chưa thương mại hoá).
Nhiều người góp vốn cộng đồng cũng nói rõ bày tỏ rằng "bản thân không khiếu nại để đòi tiền hay ăn vạ". Thực tế có muốn ăn vạ cũng khó. Quy trình gọi vốn và đổi sản phẩm xe công nghệ của Avero sẽ dễ đánh lừa người tiêu dùng bỏ qua các điều khoản. Khi người dùng tài trợ (donate) phía bên trang Indiegogo xong, giống như họ được cấp một voucher (phiếu quà tặng). Cụ thể trong trường hợp này, người dùng tài trợ 999 USD sẽ tương ứng với một chiếc xe có giá 2.800 USD trên trang SuperStrata.
Đối với người dùng Việt Nam, có lẽ do thấy giao diện của các đơn vị gọi vốn cộng đồng này khá giống với giao diện thương mại điện tử, nên khi có những thông báo bằng tiếng Anh giải thích rõ đây là "donation" (tài trợ) chứ không phải là "shopping" (mua hàng) nên đã bỏ qua, không lưu ý.
Đến khi dư luận bức xúc, bà Trang mới giải thích rõ khái niệm - bước này người mua ban đầu nếu hiểu đã không bỏ ra 1.000 USD/xe: "Sản phẩm Arevo cho đến thời điểm này vẫn còn là sản phẩm trong giai đoạn R&D, chưa đến được giai đoạn thương mại hóa, và vì vậy chắc chắn nó còn rất nhiều khiếm khuyết".
Trước khi ngưng hoạt động, Arevo Việt Nam đã đầu tư hơn 22 tỷ đồng cho máy móc thiết bị, gần 8 tỷ đồng thi công nhà xưởng, các khoản thuế và phí và tiền thuê đất đã nộp là hơn 28 tỷ đồng. Tức là công ty còn nghĩa vụ thanh toán khoản vay 142 tỷ đồng từ Arevo Inc, nhưng không rõ khoản tiền này sẽ đi đâu. Theo cập nhật của Banduong.vn đến ngày 26/7, Arevo không phát sinh khoản nợ nào ở ngân hàng.
Do đó, khảo sát của Banduong.vn trong giới tài chính đều cùng quan điểm, Superstrata hoàn toàn là một dự án “tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó” của các nhà sáng lập. Cho đến khi đóng cửa họ chưa hề có một nỗ lực đầu tư tài chính thực sự nào từ bản thân, mà chỉ đơn giản xài hết số tiền được các nhà đầu tư hay đúng hơn các nhà tài trợ.
Vậy, làm thế nào mà một start-up từ nước ngoài về Việt Nam, gọi được hàng triệu USD đầu tư nhờ được đặt dự án vào khu công nghệ cao? ... nhờ "Chiếc lốp xe Casumina của bố"!
Sonny Vũ và Lê Diệp Kiều Trang được biết đến như "cặp đôi vàng trong làng khởi nghiệp" của Việt Nam. Họ đã cùng nhau sáng lập và điều hành nhiều công ty khởi nghiệp. So với người chồng kín tiếng, Bà Lê Diệp Kiều Trang được xem là một doanh nhân trẻ nổi tiếng trong cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, với nhiều chia sẻ quyết liệt trên mạng xã hội: "Khi làm thì mình dấn thân và không nghĩ nhiều đến việc riêng đâu"... So với những doanh nhân khác, Lê Diệp Kiều Trang sở hữu một hồ sơ gần như hoàn hảo, cho đến trước khi những điều tiếng nổ ra.
Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) là ái nữ của ông Lê Văn Trí, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina - CSM). Anh trai là Lê Trí Thông, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á và hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Ông Lê Trí Thông - anh trai Lê Diệp Kiều Trang - sinh năm 1979, tốt nghiệp hạng ưu chương trình MBA tại đại học Oxford và là kỹ sư công nghệ hóa học. Gia nhập Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) vào năm 2008, đến cuối 2012, ông Thông là Phó tổng giám đốc ngân hàng này, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiều hối Đông Á, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thẻ thông minh ViNa - V.N.B.C, giữ chức vụ quan trọng trong tập đoàn tư vấn quản trị chiến lược The Boston Consulting Group (BCG), rồi Prudential.
Gia đình Lê Diệp Kiều Trang là thế hệ doanh nhân tài chính uy tín ở TPHCM. Bà Trang cũng là "cáo già" tài chính khi hoạt động tại các Tập đoàn lớn xuyên quốc gia. Tên tuổi của Lê Diệp Kiều Trang có một thời gian gắn bó với Misfit - Công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon dưới cương vị Giám đốc tài chính và Giám đốc điều hành. Trước Misfit, bà Kiều Trang là chuyên gia tư vấn tại McKinsey và chuyên viên ngân hàng đầu tư tại HSBC. Bà từng đảm nhận vai trò Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam của Facebook. Ngoài ra, bà Trang còn từng đảm nhiệm vị trí CEO GoViet (bây giờ là Gojek Việt Nam) và là đồng sáng lập Quỹ đầu tư Alabaster, chuyên rót vốn vào các dự án khởi nghiệp có tác động tích cực ở cấp độ toàn cầu.
... Thế nhưng khi dự án phá sản niềm tin với cộng đồng trong nước, Lê Diệp Kiều Trang không những tự làm sụp đổ hình tượng trong giới trẻ Việt Nam mà còn làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín một thế hệ doanh nhân được gây dựng từ gia đình!