Lộ diện công ty "con" của Vietnam Airlines có lợi nhuận khủng
Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất - TCS cung cấp dịch vụ hàng hoá hàng không cho 35 hãng hàng không quốc tế và hàng trăm đại lý giao nhận hàng hoá tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Mỗi năm, TCS phục vụ trung bình khoảng 300.000 tấn hàng hóa.
Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) được thành lập theo giấy phép số 1085/GP ngày 15/12/1994 do Ủy Ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp với thời hạn hoạt động là 20 năm.
TCS là liên doanh giữa Vietnam Airlines (55%), SASCO (15%) và SATS (30%) với số vốn đầu tư ban đầu khoảng hơn 7 triệu USD.
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines đã liên doanh với Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Singapore – SATS và Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất – Sasco để thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất - TCS. Công ty TCS đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam trao giấy phép đầu tư số 1085 GP ngày 15/12/1994 với ngành nghề kinh doanh chính là cung ứng dịch vụ phục vụ hàng hoá cho các chuyến bay quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Hiện nay, TCS là đơn vị cung cấp dịch vụ hàng hoá hàng không cho 35 hãng hàng không quốc tế và hàng trăm đại lý giao nhận hàng hoá tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Mỗi năm, TCS phục vụ trung bình khoảng 300.000 tấn hàng hóa. Trong đó, sản lượng hàng hóa dễ hư hỏng chiếm 13%, tương đương 39.000 tấn, cùng đội ngũ hơn 900 cán bộ nhân viên.
So với ngày đầu thành lập, đội ngũ lao động chuyên nghiệp của công ty cũng tăng khá mạnh; cùng với đó tốc độ tăng trưởng của công ty đạt mức bình quân gần 10%/năm, thu nhập thực tế của người lao động tăng hơn 3 lần, mức nộp ngân sách Nhà nước cũng tăng đều từ năm đầu thành lập đến nay.
TCS đã liên tục đưa vào hoạt động hàng loạt công trình quy mô lớn, các dịch vụ mới. Công ty đầu tư xây dựng Toà nhà Hải quan để làm thủ tục xuất nhập hàng hóa cho doanh nghiệp, nhà ga hàng xuất AFT2, trung tâm xử lý hàng dễ hư hỏng, máy soi nguyên mâm thùng… Và gần đây nhất, công ty đã đưa vào hoạt động khu vực tiếp nhận hàng xuất mở rộng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp con của VNA đã xây dựng nhiều dịch vụ giá trị gia tăng dành cho khách hàng như dịch vụ phục vụ hàng giá trị cao, dịch vụ kho ngoại quan, dịch vụ cho thuê kho thu gom hàng lẻ xuất khẩu. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, năm 2020, TCS vẫn đạt tổng doanh thu 861 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 538 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) rất cao 459%. Năm 2019 khi điều kiện thị trường thuận lợi, TCS đạt doanh thu 932 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 577 tỷ đồng, và ROE 498%.
Ảnh hưởng của đại dịch khiến các hãng hàng không liên tục thay đổi, hủy chuyến, điều chỉnh lịch bay; tuy nhiên TCS cho biết liên tục cập nhật cũng như đáp ứng những yêu cầu phục vụ đặc biệt từ khách hàng. Trong năm 2021, TCS tiếp nhận phục vụ lô hàng vắc xin Covid-19 đầu tiên về Việt Nam trên chuyến bay KE351.