Vosco vào diện cảnh báo trên sàn
Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Vosco năm 2021 là 490,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2021 âm 420,5 tỷ đồng.
Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có quyết định chuyển cổ phiếu của Vosco (HoSE: VOS) từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo từ ngày 23/3. Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2021 là 490,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2021 âm 420,5 tỷ đồng.
Tháng 4 năm 2021, HoSE đã thông báo chuyển cổ phiếu VOS từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2019 là âm 733,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán năm kế tiếp (năm 2020) của công ty là âm 187,2 tỷ đồng. Theo đó, cổ phiếu VOS sẽ chỉ được giao dịch vào phiên chiều kể từ ngày 13/4/2021. Tuy nhiên, mã này được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát từ ngày 15/4/2021.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VOS trên đà tăng từ vùng đáy gần nhất giữa tháng 1. Đóng cửa phiên 22/3, giá mã này dừng ở mức 21.500 đồng/cp, tăng hơn 60% chỉ sau hơn hai tháng.
Năm 2021, công ty này đã chuyển lỗ thành lãi nhờ sự cải thiện về sản lượng hàng hóa thông qua các cảng container của Việt Nam. Công ty cũng cho biết hoạt động kinh doanh của đội tàu ổn định và hiệu quả hơn so với cùng kỳ. Từ nửa cuối quý I năm ngoái, Vosco đã ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao cho một số tàu hàng khô.
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh còn nhờ bán hơn 8,7 triệu cổ phần Ngân hàng Hàng hải. Đồng thời Vosco cũng hoàn thành việc bán tàu dầu Đại Nam. Nhờ vậy mà hoạt động tài chính đem về 158 tỷ đồng, gấp 13 lần so với năm trước; cùng với gần 151 tỷ đồng lợi nhuận khác và gấp đôi cùng kỳ do thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
Đội tàu của Vosco gồm 13 chiếc, trong đó 8 tàu hàng khô, 3 tàu dầu và 2 tàu container. Đối với cỡ tàu hàng khô cỡ nhỏ khoảng 13.000 DWT, hiện công ty chỉ có một tàu, khai thác chủ yếu tại thị trường Đông Nam Á, tham gia xuất nhập khẩu và chạy nội địa theo dạng spot, kết hợp cho thuê. Đối với các tàu cỡ handysize từ 20.000 – 30.000 DWT, khai thác chủ yếu tại thị trường nội địa, Đông Nam Á và Trung Quốc theo dạng spot, kết hợp cho thuê. Các tàu cỡ handymax/supramax đang khai thác worldwide nhưng chủ yếu tự khai thác tại khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Quốc và trên các tuyến xa như đi Nam Mỹ, Tây Phi.
Nhóm tàu dầu sản phẩm, các tàu được khai thác theo dạng spot kết hợp cho thuê trên khu vực Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á. Nhóm tàu container gồm hai chiếc cỡ 560 TEU khai thác tuyến nội địa và tuyến Bắc Trung Quốc – Đông Nam Á.
Hiện, công ty này định hướng đội tàu hàng khô sẽ chủ động tham gia các hợp đồng vận chuyển hàng xuất, nhập khẩu và nội địa cho các tập đoàn, tổng công ty trong nước (than, xi măng, clinker, sắt thép...) cùng các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm các hợp đồng có khối lượng lớn nhằm ổn định nguồn hàng hơn cho các nhóm tàu. Ngoài ra, công ty cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh khai thác tại thị trường Atlantic tạo tính chủ động và linh hoạt hơn khi khai thác nhóm supramax trong thời gian dài.