Vietcombank - “Chiến binh thầm lặng” của ngành giao thông vận tải
Làm thế nào để lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số, giảm 10.000 tỷ đồng lãi suất cho khách hàng ảnh hưởng Covid-19, nhưng giữ nợ xấu không rơi vào mức cảnh báo đỏ,…là bài toán không hề đơn giản như chúng ta đã nghĩ.
2 năm dịch bệnh là chặng đường khó khăn
Nói như nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, Vietcombank hoàn hảo trong mọi chỉ số, cổ phiếu của ngân hàng này cũng trên mức an toàn và mức kỳ vọng luôn cao.
Rủi ro có thể là duy nhất đối với cổ phiếu VCB đến từ các doanh nghiệp "bạn hàng" đang phải đối mặt với thách thức lớn từ dịch bệnh như lĩnh vực hàng không, du lịch, khách sạn, nghỉ dưỡng và các ngành liên quan đến xuất nhập khẩu. Bởi vì, những khách hàng này khiến cho nợ xấu mới hình thành của VCB cao hơn dự báo.
Trong suốt những năm qua, mục tiêu lợi nhuận của Vietcombank đều đạt và vượt kế hoạch, dư địa còn nhiều. Đặc biệt năm 2020, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này lên tới 380%, là mức cao nhất toàn hệ thống và trong lịch sử của ngành ngân hàng.
Thực tế, trong dịch bệnh, tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank có phần chậm hơn và nợ xấu đã tăng lên so với mức bình quân giai đoạn trước. Theo BCTC quý III/2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng 9 tháng tăng 20% so với cùng kỳ lên 19.300 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh vượt 1%.
Dù vậy, nhóm phân tích HSC khẳng định rằng rủi ro nợ xấu của VCB cũng không đạt dự báo: “Đối với ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước như VCB áp lực phục vụ và hỗ trợ cộng đồng sẽ cao hơn. Từ đó, tổng thu nhập hoạt động phục hồi có thể chậm hơn kỳ vọng. Ngoài ra, chi phí dự phòng cần phải tiếp tục trích lập thấp hơn dự báo. Do VCB luôn duy trì đệm dự phòng và hệ số LLR cao, và tỷ lệ thu hồi nợ xấu cao hơn dự báo nhờ VCB xử lý nợ xấu một cách nhanh chóng và tích cực hơn các ngân hàng trong những năm qua”.
Tăng trưởng lợi nhuận sẽ ở mức khiêm tốn so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2022.
Tăng trưởng ước tính mạnh hơn bắt đầu từ quý II đối với VietinBank, ngân hàng MB và Vietcombank; từ quý III đối với các ngân hàng khác.
SSI Research
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu trong giai đoạn dịch bệnh tăng là điều có thể hiểu, chỉ khi không tăng mới khó hiểu. Chặng đường dịch bệnh đầy khó khăn khiến các ngân hàng trong hệ thống đều có kết quả kinh doanh đi xuống. Bài toán cắt giảm chi phí, cơ cấu bộ máy hoạt động,…thay đổi chiến lược kinh doanh để thích nghi với dịch bệnh là động thái cốt lõi của bất cứ đơn vị nào. Đó cũng là bài toán không hề dễ khi cả nền kinh tế khó khăn, khách hàng không có lợi nhuận, thua lỗ, phá sản,…
Trong đợt dịch bệnh kéo dài 2 năm qua, nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải dẫn top đầu bị ảnh hưởng. Là đầu mối cung cấp tín dụng, khi doanh nghiệp khó khăn hoặc phá sản, đồng nghĩa với việc ngân hàng cũng phải gánh chung khối nợ đó.
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, tính chung cả năm, CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ 2016 đến nay. Riêng tháng 12/2021, CPI nhóm giao thông có mức giảm nhiều nhất với 1,71%. Có thể nói đây là mức giảm dễ hiểu trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp kéo dài tại hầu hết tỉnh và thành phố trên cả nước.
Năm 2021, ngành hàng không cũng có kết quả sản xuất kinh doanh ảm đạm và nhiều “sóng gió”. Chỉ có điểm sáng nằm ở tăng trưởng vận chuyển hàng hóa đã phần nào giúp ngành hàng không giảm bớt khó khăn. Năm 2021, vận chuyển hành khách quốc tế ước đạt 500 nghìn khách, giảm 93% so với năm 2020 và vận chuyển hàng hóa đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn hàng hóa, tăng 21,3% so với năm 2020.
Theo tin từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), khoảng 2/3 số doanh nghiệp vận tải, kho vận tham gia khảo sát cho biết, họ đã gặp không ít khó khăn do hàng hóa bị lưu kho, lưu cảng, chờ thông quan nhiều ngày do kiểm soát biên giới, hạn chế thương mại tới các nước có vùng dịch. Thêm nữa, do phía cung cũng chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất, dẫn đến thiếu hụt hàng hóa nên lượng đơn hàng của trên 53% số doanh nghiệp đã giảm sút đáng kể.
Khó đến mấy cũng “không bỏ rơi” khách hàng và cộng đồng
Cùng với việc cơ cấu nợ, giảm lãi, phí, Vietcombank vẫn cấp tín dụng dù tình hình tài chính của doanh nghiệp hàng không có khó khăn.
Mặt bằng lãi suất Vietcombank cho các doanh nghiệp hàng không vay rất thấp, nếu tính các chi phí, trích lập dự phòng thì lãi suất cho vay với doanh nghiệp hàng không mang tính hỗ trợ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank
Trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền và ngành y tế; nhiều đơn vị trong ngành kinh tế đã trở thành những chiến binh thầm lặng khi vừa nỗ lực tự thân vượt khó, vừa mang trách nhiệm hỗ trợ khách hàng, chung tay cùng Chính phủ vực dậy nền kinh tế.
Có thể nói, dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ gần như đã “kiệt sức”. Bất đắc dĩ, phải hạn chế chi tiêu, cắt giảm hợp đồng, dừng hoặc cầm cự hoạt động. Chính vì vậy, việc nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc là điều các doanh nghiệp vận tải thực sự trông đợi để có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ, duy trì và từng bước phục hồi hoạt động vận tải ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Qua đó, góp phần đảm bảo vận chuyển hàng hóa, hành khách ổn định; thúc đẩy các hoạt động sản xuất, cũng như tiêu thụ và cung ứng hàng hóa giữa các địa phương; đặc biệt là không tác động nhiều đến việc đi lại của người dân, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Cùng với việc bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả, Vietcombank cũng tiên phong, gương mẫu đi đầu, chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp tài chính phù hợp như: Miễn giảm lãi, phí; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; cho vay mới, triển khai các gói tín dụng với lãi suất phù hợp để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, khách hàng duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, các doanh nghiệp ngành giao thông vận tải cũng được Vietcombank đồng hành, hỗ trợ.
Năm 2020, Vietcombank đã thực hiện 5 đợt giảm lãi suất cho vay gồm 4 đợt hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và 1 đợt hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tại 10 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bão lũ với tổng số tiền lãi hỗ trợ, “chia sẻ” lên đến 3.700 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm 2021, Vietcombank đã triển khai chương trình lãi suất ưu đãi đối với sản phẩm Cho vay Kinh doanh tài lộc, dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh với mức lãi suất "siêu ưu đãi" chỉ 5,7%/năm. Các chương trình lãi suất nêu trên áp dụng cho các nhu cầu vay vốn đa dạng của khách hàng cá nhân (mua ô tô, mua nhà, xây sửa nhà, tiêu dùng cá nhân, sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở lưu trú du lịch, đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái…) và khách hàng SME...
Hay như chiến dịch “Đến Vietcombank, vay nhanh, lãi thấp” với hàng loạt các chương trình lãi suất ưu đãi đáp ứng cho các nhu cầu vay vốn đa dạng của khách hàng. Cùng thời điểm trên, để giúp khách hàng vay chủ động được trong kế hoạch tài chính cá nhân hay kế hoạch tài chính cho DN của mình, Vietcombank triển khai Chương trình An tâm lãi suất 2021 với mức lãi suất vay được cố định trong các kỳ hạn dài như 18 tháng, 2 năm, 3 năm, 5 năm và cả những kỳ hạn đặc biệt lên tới 7 năm và 10 năm. Đặc biệt, các khách hàng cá nhân nhận lương qua Vietcombank sẽ được vay vốn với mức lãi suất giảm 0,1%/năm so với lãi suất vay thông thường.
Bên cạnh đó, Vietcombank đã tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội hỗ trợ cộng đồng với tổng số tiền gần 350 tỷ đồng, trong đó hơn 40 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nỗ lực góp phần đồng hành cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh, ổn định dân sinh.
Với vai trò và trách nhiệm của mình, trong suốt 4 làn sóng của đại dịch Covid-19, Vietcombank tiên phong đồng hành hỗ trợ khách hàng cùng vượt qua đại dịch với quy mô số tiền lãi hỗ trợ trên 10.000 tỷ đồng trong các năm 2020 và 2021.
Trong khi khu vực châu Âu sụt giảm trong các bảng xếp hạng, nhóm châu Á tăng chủ yếu nhờ Việt Nam.
Thị trường có giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất là Việt Nam, với mức tăng tới 146%.
Trong đó, VCB đã tăng 99%, đạt 0,8 tỷ USD, mức tăng trưởng cao thứ 2 tính theo tỷ lệ phần trăm trên toàn cầu.
Theo Brand Finance
Napas cho biết, từ năm 2020, doanh nghiệp này thực hiện miễn phí xử lý giao dịch và phối hợp Vietcombank giảm đến 35% phí thanh toán cho cả hai dịch vụ Cổng thanh toán điện tử và dịch vụ Hỗ trợ thu hộ, chi hộ.
Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải gồm hàng không và đường sắt thanh toán qua cổng thanh toán điện tử Napas như: Vietnam Airlines, Vietjetair, BambooAirways và Đường sắt Việt Nam thuộc đối tượng được điều chỉnh miễn/giảm phí. Đây là chương trình giảm phí dịch vụ thể hiện nỗ lực và cam kết của hai đơn vị tiếp tục đồng hành chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank chia sẻ, cùng với việc cơ cấu nợ, giảm lãi, phí, Vietcombank vẫn cấp tín dụng dù tình hình tài chính của doanh nghiệp hàng không có khó khăn. Không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không mà Vietcombank còn hỗ trợ doanh nghiệp trong hệ sinh thái, chuỗi giá trị của ngành hàng không như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất, cấp nhiên liệu hàng không, dịch vụ với các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất. Đến nay Vietcombank cấp tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không và hệ sinh thái lên đến 16.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, mặt bằng lãi suất Vietcombank cho các doanh nghiệp hàng không vay rất thấp, nếu tính các chi phí, trích lập dự phòng thì lãi suất cho vay với doanh nghiệp hàng không mang tính hỗ trợ.
Chia sẻ với Banduong, các chuyên gia tài chính cho rằng, cũng giống như bất kỳ ngành kinh tế nào, ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi Covid-19 kéo dài quá lâu. Nhưng các đơn vị vẫn nỗ lực duy trì kinh doanh tránh để lợi nhuận tụt giảm nhiều; cân đối tài chính trước rủi ro nợ xấu, tìm cách hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, hỗ trợ cộng đồng,….Tức là, bản thân các ngân hàng phải nỗ lực gấp đôi, gấp 3 lần bình thường. Đồng tiền đi liền khúc ruột, không phải ngẫu nhiêu mà các ngân hàng giảm được hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng lãi suất cho khách hàng, nhất là những ngân hàng đầu tàu. Đó là một nỗ lực không hề nhỏ của những chiến binh thầm lặng trong cuộc chiến chống Covid-19.
Vietcombank là một trong những ngân hàng hỗ trợ tích cực tín dụng cho các công trình giao thông trọng điểm. Chẳng hạn, ngân hàng tài trợ 1.156 tỷ đồng cho Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc Lộ 1, quận Thủ Đức, theo hình thức đối tác Công tư (Hợp đồng BT); tài trợ vốn cho dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang, đầu mối thu xếp vốn có tổng giá trị là hơn 3.658 tỷ đồng,...