Lãi lớn ở các doanh nghiệp vận tải biển
Giá cước vận tải trong nước có thể duy trì ở mức đỉnh trong năm 2023 do thị trường vẫn thiếu cung khi phần lớn đội tàu Việt Nam được cho thuê tại thị trường nước ngoài với hợp đồng dài hạn.
Nhu cầu phục hồi tốt cùng giá cước neo cao là nguyên nhân chính cho một mùa kinh doanh bội thu của ngành vận tải biển trong quý III/2022. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa đường biển đạt hơn 77,8 triệu tấn, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số giá vận tải đường biển tăng gần 5%. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp vận tải biển báo lãi 9 tháng vượt kế hoạch cả năm.
HAH báo lãi tăng 3 lần
Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 với doanh thu thuần 778,5 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. HAH báo lãi quý III là 274,3 tỷ đồng, tăng 172% so với cùng kỳ năm trước.
Theo HAH, tổng số tàu trong đội tàu Hải An quý III năm nay tăng lên 10 tàu, nhiều hơn quý III/2021 (8 tàu). Số lượng tàu cho thuê cũng nhiều hơn. Sản lượng vận tàu tuy thấp hơn do số tàu tự khai thác ít hơn nhưng giá cước và các phụ phí quý III năm nay lại tăng so với cùng kì năm trước nên kết quả kinh doanh đội tàu tăng mạnh. Ngoài ra, lợi nhuận ghi nhận từ các công ty liên kết cũng tăng gần 2 lần so với cùng kì năm trước.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, HAH đạt 2.360 tỷ đồng doanh thu, tăng 84% và lãi sau thuế 861 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Như vậy với kết quả trên, HAH thực hiện được 142% doanh thu và 546% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Lợi nhuận PVTrans tăng hơn 30%
Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans - PVT) cũng ghi nhận doanh thu 2.330 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 386 tỷ đồng, tăng 152%. PVTrans cho biết, doanh nghiệp hoạt động ổn định, đội tàu được khai thác liên tục và an toàn. Doanh thu quý III/2022 tăng chủ yếu từ doanh thu dịch vụ vận tải do giá cước tăng theo giá nhiên liệu, các tàu khai thác đủ chuyến và do được bổ sung từ các tàu đầu tư trong năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý III/2022 tăng do tăng thu nhập từ thanh lý tài sản cố định (tàu PVT Athena) và hiệu quả từ khai thác các tàu đầu tư mới.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, PVTrans đạt doanh thu 6.608,8 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 1.035 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 831,5 tỷ đồng, tăng 38%.
Được biết, năm 2022, PVTrans đặt mục tiêu với tổng doanh thu hợp nhất 6.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, PVTrans đã vượt xa kế hoạch. Kết phiên giao dịch ngày 4/11, PVT có giá 17.000 đồng/cổ phiếu.
Gemadept "rộn ràng" nhân đôi lãi
Một "ông lớn" trong ngành vận tải biển là Công ty cổ phần Gemadept (GMD) có kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu tăng 36% đạt 992 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 93%, đạt 244 tỷ đồng. Lợi nhuận trong quý III/2022 tăng trưởng ổn định được dẫn dắt bởi các mảng kinh doanh cốt lõi của GMD và thu nhập ròng từ các công ty liên kết.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của GMD tăng 31% đạt 2.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 94%, đạt 806 tỷ đồng.
Vosco bù hết lỗ lũy kế
CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) có kết quả kinh doanh ấn tượng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của doanh nghiệp này đạt 199,05 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí thuế, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 154,1 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 566,2 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã bù được hết số lỗ lũy kế.
Vosco cho biết trong 9 tháng đầu năm, thị trường vận tải biển diễn biến khó lường nhưng nhìn chung, mặt bằng cước được duy trì ở mức tương đối tốt. Doanh nghiệp đã ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao cho một số tàu hàng khô. Thị trường tàu container cũng khởi sắc hơn so với cùng kỳ nên 2 tàu container hoạt động hiệu quả hơn. Từ cuối quý III trở đi, kết quả kinh doanh của đội tàu dầu có hiệu quả khá cao, đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận chung của Công ty.
Bên cạnh đó, công ty có thêm doanh thu từ 2 tàu dầu sản phẩm Đại An và Đại Phú, là các tàu mà doanh nghiệp này thuê để quản lý và khai thác theo hình thức thuê tàu trần từ nửa cuối năm 2021.
Vinalines vượt kế hoạch năm
Tương tự, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - MVN) tuy ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III giảm nhưng lũy kế 9 tháng đạt hơn 2.770 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2021 và vượt 10% kế hoạch cả năm.
Giá cước vận tải biển đã qua đỉnh và hoạt động vận tải biển đã bắt đầu trở lại trạng thái bình thường trước dịch. Trong ngắn hạn, hoạt động cảng biển sẽ có sụt giảm và gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.
Điều này sẽ tác động đến lợi nhuận của công ty vận tải biển với dự báo giảm từ từ và quay lại mức bình thường sau 2 năm đạt kết quả đột biến.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Tổng giám đốc CTCP Gemadept nhận định
Tuy nhiên, thị trường vận tải biển cuối năm được đánh giá không mấy tích cực. Tại buổi gặp gỡ giới phân tích diễn ra vào chiều 29/9 với chủ đề “Tiềm năng ngành cảng biển Việt Nam và lợi thế của Gemadept”, ông Nguyễn Thanh Bình - Tổng giám đốc CTCP Gemadept cũng nhận định, giá cước vận tải biển đã qua đỉnh và hoạt động vận tải biển đã bắt đầu trở lại trạng thái bình thường trước dịch. Trong ngắn hạn, hoạt động cảng biển sẽ có sụt giảm và gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. Điều này sẽ tác động đến lợi nhuận của công ty vận tải biển với dự báo giảm từ từ và quay lại mức bình thường sau 2 năm đạt kết quả đột biến.
Ông Bình dự báo quý IV/2022 sẽ là giai đoạn khó khăn với các cảng biển về hàng hóa vì tình trạng suy thoái toàn cầu. Áp lực về tài chính, nhu cầu về hàng hóa tại các thị trường chính như châu Âu, Mỹ đang giảm sút cũng là một trong những vấn đề có thể tạo nên khó khăn cho tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. Dù vậy, với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, các hiệp định thương mại đã ký, sản lượng hàng hóa qua cảng sẽ còn tăng trưởng và chưa đạt đỉnh.
Theo SSI Research, tình hình xấu đi nhanh chóng theo xu hướng kinh tế toàn cầu. Sản lượng vận tải biển đã giảm tốc, trong khi giá cước vận tải có thể sẽ vẫn chịu áp lực cho đến năm 2023.
Phân tích về giá cước vận tải quốc tế giai đoạn cuối năm, SSI Research dự đoán chỉ số trên dần bình thường trở lại do nhu cầu giảm và nguồn cung tàu container tăng. Tuy vậy, yếu tố chính quyết định quá trình điều chỉnh giá cước là vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Đơn vị này cho rằng giá cước sẽ cần thời gian dài để điều chỉnh từ mức đỉnh, giảm dần nhưng vẫn ở mức cao trong nửa cuối 2022.
Năm 2023, giá cước có thể giảm mạnh nếu tình trạng tắc nghẽn được giải quyết và Trung Quốc mở cửa trở lại. Mức giá cân bằng sẽ cao hơn trước Covid-19 do các hãng vận chuyển phải chịu chi phí đầu tư và chi phí vận hành cao hơn nhiều so với trước đây.
Trong khi đó, giá cước vận tải trong nước có thể duy trì ở mức đỉnh trong năm 2023 do thị trường vẫn thiếu cung khi phần lớn đội tàu Việt Nam được cho thuê tại thị trường nước ngoài với hợp đồng dài hạn. Phụ phí nhiên liệu cũng được thêm vào giá cước để phản ánh giá nhiên liệu tăng, hỗ trợ các hãng vận chuyển trước biến động giá dầu. Ngoài ra, nhu cầu trên thị trường Nội Á vẫn mạnh, do khu vực này hưởng lợi từ chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận.
Lợi nhuận cao, cổ phiếu cảng biển có lên ngôi không đó là câu hỏi của khá nhiều nhà đầu tư. Các cổ phiếu khác như HAH, VSC, GMD, MNV, PVT cũng có mức tăng tích cực. Dù biên độ tăng không đáng kể nhưng phần nào tăng thêm sắc xanh cho thị trường. SSI Research vẫn duy trì khuyến nghị khả quan đối với cả HAH và GMD, đồng thời giảm giá mục tiêu 1 năm lần lượt xuống 54.000 đồng/cổ phiếu (từ 84.500 đồng/cổ phiếu) và 55.600 đồng/cổ phiếu (từ 65.000 đồng/cổ phiếu).