Hải Phòng làm gì với 50 trụ sở xã dư thừa sau sáp nhập đơn vị hành chính?
Có 82 ĐVHC cấp xã của Hải Phòng phải thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) giai đoạn 2023-2025. Sau khi sắp xếp, sẽ chỉ còn 32 đơn vị.
Sáp nhập 50 ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025
Trước khi thực hiện các quy định của trung ương về sắp xếp ĐVHC, TP Hải Phòng có 15 quận, huyện, trong đó có 2 huyện đảo với 223 xã, phường, thị trấn.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, TP Hải Phòng đã xây dựng đề án, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sắp xếp 12 xã, phường thành 6 xã, phường tại 4 quận, huyện. Với cách sắp xếp này, Hải Phòng đã giảm 6 xã, phường, hoàn thành 100% kế hoạch sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2019-2021 theo quy định của Trung ương. Sau khi sắp xếp trên, Hải Phòng có 141 xã, 66 phường và 10 thị trấn.
Còn trong giai đoạn 2023-2025, TP Hải Phòng sẽ thực hiện sắp xếp 82 ĐVHC cấp xã thành 32 đơn vị. Nếu đề án được thông qua, Hải Phòng có 15 ĐVHC cấp huyện và 167 ĐVHC cấp xã (79 phường, 7 thị trấn, 81 xã), giảm 50 đơn vị cấp xã.
Theo phương án sắp xếp, xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên sẽ sáp nhập với xã Gia Đức và xã Minh Tân để thành lập xã mới lấy tên là xã Bạch Đằng. Ảnh trụ sở xã Gia Minh hiện tại.
Ngoài ra, qua rà soát, trong giai đoạn 2026-2030 tiếp theo, Hải Phòng có 50 ĐVHC cấp xã thuộc 12 quận, huyện chưa đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Trong đó, 11 đơn vị thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025. Dự kiến, còn 39 đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2026-2030.
Theo đánh giá của ông Trần Quang Trung – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng trong một cuộc họp báo chí tháng vào tháng 3/2024, việc sắp xếp các ĐVHC tại Hải Phòng trong giai đoạn 2023-2025 không chỉ giúp địa phương tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Đây cũng được coi là bước đi cần thiết, quan trọng giúp Hải Phòng triển khai thực hiện quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Được biết, hiện nay, nhiều quận, huyện của thành phố Hải Phòng đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri về dự thảo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025.
Phương án sử dụng đối với trụ sở “dư thừa”
Trao đổi với các cơ quan báo chí, Chánh Văn phòng UBND TP Hải Phòng Trần Huy Kiên cho biết, việc sắp xếp 82 ĐVHC cấp xã để thành lập 32 ĐVHC cấp xã mới, trên lý thuyết sẽ dôi dư tương ứng 50 trụ sở làm việc và một lượng lớn cán bộ. Tuy nhiên, thành phố Hải Phòng đã có sự tính toán trước để giải bài toán này.
Cụ thể, từ 2 năm trước, Hải Phòng đã tạm dừng bổ nhiệm, không bầu thêm chức danh, không giao biên chế lấp đầy tuyển dụng cán bộ ở các cấp xã, phường như thông thường mà để trống lại một lượng nhất định để sắp xếp công việc cho đội ngũ dôi dư; Thành phố cũng có văn bản hướng dẫn địa phương chủ động xây dựng phương án bố trí cán bộ dôi dư như thực hiện chế độ tinh giản biên chế cho những cán bộ có nhu cầu về nghỉ chế độ 1 lần; tiếp nhận về làm công chức cấp quận, huyện nếu đủ điều kiện về làm viên chức. Ngoài ra, Hải Phòng đã lên phương án dự phòng 158 biên chế công chức cấp xã tăng thêm theo tiêu chuẩn quy mô, dân số…
Về vấn đề dư thừa trụ sở làm việc, hiện thành phố đã xây dựng đề án, dự kiến đưa vào làm trụ sở làm việc của cơ quan công an, quân sự; các đoàn thể tổ chức Chính trị-xã hội hoặc làm nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư.
Ngay sau khi đề án được duyệt, thành phố sẽ triển khai việc bố trí, quản lý theo đúng quy định, tránh việc lấn chiếm, thất thoát tài sản công.