"Gió đổi chiều" trên thị trường taxi
Hãng taxi truyền thống Vinasun đã thắng lợi ở mọi mặt trận giữa giai đoạn chuyển đổi số. Lãnh đạo hãng taxi này tiết lộ lãi 8 lần kế hoạch, lượt khách đặt xe qua app tăng từng giờ, vẫn đang tiếp tục mua thêm xe và tuyển tài xế. Trong khi taxi công nghệ như Grab báo lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng.
Nhà đầu tư hứng khởi với cổ phiếu VNS, tài xế thi đua vượt định mức
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 dự kiến tổ chức vào ngày 25/4, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - mã VNS) cho biết doanh thu năm 2022 đạt 1.089 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu đến từ hoạt động taxi chiếm hơn 80% tăng 124,7% so với năm 2021 và vượt 70% so với kế hoạch đề ra. Hãng taxi này cũng ghi nhận mức lãi ròng 185 tỷ đồng, gấp 8 lần kế hoạch.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Vinasun tăng gần 300 tỷ đồng so với đầu năm lên 1.836 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định hơn 1.061 tỷ đồng, tăng khoảng 265 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu tại cuối kỳ là 1.384 tỷ đồng, trong đó 268 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển. Công ty có hơn 345 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VNS tăng trưởng tốt nhờ thông tin kết quả kinh doanh tích cực, cuối phiên ngày 5/4/2023 đạt 17.250 đồng/cổ phiếu. So với vùng đáy ngắn hạn vào giữa tháng 11/2022, thị giá cổ phiếu Vinasun lúc này đã tăng 30%. Tại đại hội, Vinasun sẽ trình cổ đông thông qua chia cổ tức 800 đồng/cổ phiếu cho năm 2022 và dự kiến cổ tức 12% cho nhà đầu trong năm 2023.
Vinasun dự kiến sẽ đầu tư khoảng 700 xe trong năm nay, đồng thời thanh lý và bán trả chậm cho anh em lái xe để kinh doanh dưới hình thức thương quyền khoảng 450 xe, phát triển số lượng xe hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài hoặc công ty tự thuê vận hành khoảng 150 xe.
Như vậy, nếu thực hiện theo kế hoạch, đến cuối năm 2023 Vinasun sẽ có 630 xe hợp tác kinh doanh và tổng số xe hoạt động là 3.500 chiếc.
Năm qua, công ty mẹ Vinasun đã đầu tư thêm 550 xe và thanh lý 79 xe, nâng tổng số xe lên 2.431.
Công ty con (Vinasun Green) đầu tư 109 xe và thanh lý 31 xe, tổng số xe cuối năm là 189 xe. Cộng thêm 520 xe hoạt động theo mô hình hợp tác kinh doanh, Vinasun hiện có đội xe 3.140 chiếc. Về nhân sự, Vinasun đang có 2.013 người, trong đó trực tiếp kinh doanh là 754, điều hành và hỗ trợ kinh doanh là 544 người và bộ phận gián tiếp là 225.
Còn nhớ, Vinasun cách đây 6 năm là hãng taxi chiếm thị phần và quy mô nhân sự lớn nhất trong ngành. Cụ thể, hãng có gần 17.200 người lao động vào cuối 2016. Sau đó một năm, lượng nhân viên giảm còn khoảng 7.100 người do hãng chuyển sang hoạt động theo mô hình xe thương quyền (hợp tác kinh doanh) và ảnh hưởng bởi sự bùng nổ của các ứng dụng gọi xe công nghệ. Từ đó đến khi dịch bùng phát, số lượng nhân viên giảm có lúc còn bằng 10% giai đoạn hoàng kim.
Làm thế nào để Vinasin hồi sinh ngoạn mục? Một trong những chiến lược mà theo tiết lộ của Tổng Giám đốc - Vinasun ông Tạ Long Hỷ, Vinasun đã thay đổi và áp dụng nhiều chính sách mới để thu hút tài xế trở lại: Như hỗ trợ tiền ký quỹ tối thiểu 2 triệu đồng một người, hỗ trợ doanh thu để bù giá xăng, thưởng cho người có công giới thiệu tài xế mới và tăng mức chia phần doanh số vượt định mức.
Trong số này, chính sách ưu tiên tỷ lệ ăn chia theo định mức và vượt định mức cho tài xế là trụ cột giúp công ty không chỉ hút người lao động đã nghỉ việc trở lại mà còn có thêm tài xế từ các ứng dụng gọi xe công nghệ chuyển sang. Vinasun đang thu 10-20% phần doanh số vượt định mức để trang trải chi phí vận hành ứng dụng, tổng đài đặt xe, bến bãi... Phần còn lại khoảng 80-90% doanh số vượt định mức thuộc về tài xế. Nhờ đó, thu nhập mỗi ca của tài xế dao động từ 1-1,5 triệu đồng vào ngày thường và 2-3 triệu đồng những đợt cao điểm.
Tổng giám đốc - Vinasun ông Tạ Long Hỷ luôn đánh giá cao tài sản con người của công ty, trong đó là những tài xế có đạo đức và vì cộng đồng
Nhu cầu di chuyển hồi phục mạnh sau đại dịch và chính sách bình ổn giá để cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành giúp Vinasun kéo được lượng khách lớn quay lại, nhờ đó tài xế yên tâm và giới thiệu đồng nghiệp tìm đến hãng.
Đầu tư công nghệ theo trọng tâm:
Khách hàng thích gọi app của Vinasun, hiệu quả kinh tế cho hãng
Vinasun cho biết, năm qua công ty đã hoàn thiện đầy đủ các chức năng trả trước, trả ngay trên Vinasun App (VNS Prepaid), tạo thuận tiện cho khách hàng trong việc đặt xe và thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, lượng đặt app năm qua đã tăng trưởng đột biến, từ bình quân 2.691 lượt/ngày lên 17.022 lượt/ngày. Như vậy, mỗi phút Vinasun có khoảng 12 lượt đặt app.
Vinasun dự báo môi trường kinh doanh sẽ còn nhiều khó khăn. Do đó, chiến lược của công ty là duy trì sự ổn định và phát triển bền vững, tái cấu trúc toàn diện và thực hiện tốt quản trị rủi ro. Trong đó, riêng số lượng đặt app, Vinasun dự kiến tăng lên 25.000 lượt/ngày trong năm nay, và sẽ phát triển nhiều chức năng hơn nữa trên app.
Con số mục tiêu trên của ban lãnh đạo Vinasun hoàn toàn có nền tảng cơ sở. Trong năm 2021, Vinasun đã phát triển việc thanh toán online trên Vinasun App kết hợp với các ví điện tử trên thị trường và các Mobile Money App sắp được triển khai; Thay thế toàn bộ POS thanh toán hiện nay bằng SmartPOS; Khai thác dòng xe mới Toyota Wigo với giá cước phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Vinasun khai thác dòng xe mới Toyota Wigo với giá cước phù hợp với nhu cầu của khách hàng
Cùng với đó là tiếp tục nâng cấp GPS từ 2G lên 4G và hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản lý - điều hành xe; Thử nghiệm việc đồng bộ thông tin của đồng hồ taximete trên điện thoại thông minh của lái xe nhằm phát huy các ưu điểm của Vinasun App; Khai thác triệt để thế mạnh của việc điều xe qua hệ thống Tổng đài. Phát triển hơn nữa các chức năng trên App nhằm đáp ứng nhu cầu nhanh nhất của khách hàng; Giữ vững và phát triển thêm các điểm tiếp thị chiến lược...
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khiến gió đổi chiều. Một trong số đó là vấn đề giá cước. Taxi truyền thống được cho là có giá cước niêm yết rõ ràng, ít biến động, trong khi taxi công nghệ giá cả mỗi lần đặt xe lại khác nhau cho dù cùng một cung đường. Đó là chưa kể taxi công nghệ còn thu thêm nhiều loại phụ phí trong một số trường hợp như phụ phí ban đêm, phụ phí thời tiết, phụ phí thêm điểm đến, phụ phí thay đổi điểm đến... Hay trong chính những ngày lễ, Tết như hiện nay, chi phí cho việc gọi taxi công nghệ được đội lên cao hơn so với bình thường.
Bên cạnh đó, taxi công nghệ dù phát triển nhanh nhưng đương nhiên không thể đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu thị trường, đặc biệt trong giờ cao điểm. Trong những khung giờ này, việc đặt xe công nghệ là vô cùng khó khăn và lúc này, lựa chọn taxi truyền thống lại trở nên nhanh gọn hơn rất nhiều. Chính điều này đã phần nào giúp taxi truyền thống duy trì sự tồn tại chứ không hoàn toàn biến mất.
Với cánh tài xế - nhân sự "trong cuộc" cũng phải thừa nhận thời kỳ "vàng" của taxi công nghệ đã qua đi. Trước kia, các hãng taxi công nghệ dùng sức mạnh tài chính vượt trội đã chia phần trăm cho tài xế ở mức cao, đi kèm với nhiều khoản thưởng để lôi kéo tài xế. Đồng thời taxi công nghệ cũng tung nhiều chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng.
Giờ đây, sau khi chiếm phần lớn thị phần, taxi công nghệ bắt đầu phải tính đến bài toán lợi nhuận, nên vừa giảm hoa hồng của tài xế khiến việc 'kiếm ăn' trở nên khó khăn hơn, vừa giảm các chương trình khuyến mãi cho khách hàng. Vì vậy, nhiều tài xế đã lựa chọn quay về với taxi truyền thống và cũng nhiều khách hàng nghĩ tới taxi truyền thống trước khi tìm tới app đặt xe công nghệ. Cũng vì thế mà những hãng taxi truyền thống có thể từng bước quay trở lại "đường đua".
Hiện thị trường Việt Nam đang có hơn 200 hãng taxi hoạt động. Trong đó, Vinasun là một trong hai doanh nghiệp có quy mô lớn nhất. Đáng chú ý, sự gia nhập của các hãng gọi xe công nghệ như Grab,… đã thay đổi cục diện thị trường này trong những năm gần đây. Nhưng ai sẽ về đích sớm có thể nhìn ở góc độ tài chính.
Lợi nhuận của Công ty TNHH Grab năm 2021 âm 300,5 tỷ đồng và theo đó nâng con số lỗ lũy kế lên tới 4.365 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm 2021 cho thấy doanh thu của Grab Việt Nam giảm 11% so với năm trước đó, xuống còn 3.345 tỷ đồng. Trong lúc giá vốn bán hàng lại tăng nhẹ khiến lợi nhuận gộp của Grab giảm 19,5%, còn 1.950 tỷ đồng. Cụ thể trong năm 2021, chi phí bán hàng của Grab Việt Nam tăng gần 390 tỷ đồng so với năm 2020, lên gần 1.930 tỷ đồng. Trong số này, tiền chi khuyến mại là khoảng 1.622 tỷ đồng và chi phí quảng cáo là 303 tỷ đồng. Năm 2022, công ty này đã thu hẹp khoản lỗ nhưng lợi nhuận vẫn chưa được kỳ vọng nhiều trong năm 2023.
Sang năm 2023, Vinasun dự kiến tổng doanh thu và thu nhập khác tăng 23% lên 1.377 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 13% lên 209 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh taxi khoảng 1.345 tỷ đồng. Ban lãnh đạo hãng taxi là những người thuyền trưởng có chiến lược phát triển đúng đắn nhưng vẫn luôn thận trọng với những con số. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt xa mục tiêu trong năm 2022 của Vinasun là minh chứng cho nhận định trên và cũng là cơ sở cho những bứt phá tới đây.