Taxi truyền thống vượt thách thức để phát triển bền vững
Với việc ban hành các quy định quản lý taxi công nghệ chặt chẽ, bảo đảm sự bình đẳng, các doanh nghiệp taxi truyền thống đã có sự cạnh tranh lành mạnh, dần phục hồi, lấy lại thị phần, đồng thời, với sự tự đổi mới, nhanh chóng áp dụng phần mềm công nghệ để tạo sự tiện dụng cho khách hàng...
Từ đầu thế kỷ XXI, taxi đã bùng nổ tại các đô thị lớn ở Việt Nam, trở thành phương tiện đi lại quen thuộc người dân. Trong những năm qua, thị trường vận tải taxi Việt Nam có nhiều biến động bởi sự tác động mạnh mẽ của taxi công nghệ và đại dịch Covid-19 cùng sự khủng hoảng năng lượng, đồng thời đang đứng trước xu hướng sử dụng xe điện taxi. Taxi truyền thống làm gì để phát triển bền vững?
"Cuộc chiến không cân sức" với taxi công nghệ
Thị trường taxi Việt Nam có sự cạnh tranh khốc liệt nhất kể từ năm 2014, khi taxi công nghệ chính thức gia nhập cuộc chơi. Sự có mặt của Uber và Grab đã nhanh chóng đẩy cuộc đua tranh thị phần vận tải taxi trở nên gay gắt, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 6 tỉnh thực hiện mô hình thí điểm xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ.
Với việc gọi xe nhanh hơn, giá cước rẻ hơn do Uber, Grab được sử dụng xe của cá nhân kết nối với các công ty công nghệ và được hưởng lợi thế nhiều từ chính sách, như thuế VAT 1,5%, thuế tiêu thụ đặc biệt 3% và các điều kiện quản lý lỏng lẻo; với thế mạnh về tài chính và xe không phải lắp đồng hồ tính tiền, không phải niêm yết giá, không phải xin phù hiệu taxi, không phải có bộ phận điều hành, theo dõi về ATGT như các đơn vị taxi truyền thống, đồng thời tự ý quyết định giá cước, Uber và Grab đã thu hút một lượng lớn khách hàng và các chủ xe cá nhân tham gia chở khách, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng, gây hỗn loạn thị trường vận tải taxi.
Tháng 4/2017, Uber được thông qua đề án thí điểm gọi xe tại Việt Nam. Đến tháng 9/2017, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có đơn kiến nghị gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và các cơ quan chức năng đề nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các xe hợp đồng điện tử kiểu Grab, Uber do những bất an gây ra cho xã hội. Hiệp hội Taxi nêu rõ, với 44.000 xe hoạt động tại Hà Nội và 36.000 chiếc tại TP Hồ Chí Minh, tổng lượng xe taxi và xe hoạt động như taxi dưới hình thức xe hợp đồng điện tử vượt xa so với quy hoạch. Sai phạm trong chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT ban hành bằng Quyết định 24/QĐ-GTVT ngày 7/01/2016 đã gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước, nhân dân, nhất là các doanh nghiệp taxi truyền thống.
Tại cuộc toạ đàm “Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?”, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cơ quan quản lý nhà nước không tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng, doanh nghiệp taxi rất khó cạnh tranh với Grab. Hiệp hội taxi Hà Nội nêu thực tế: Đối chiếu với các quy định của pháp luật thì hoạt động của Uber, Grab Car, Be, FastGo chính là taxi, vì cách gọi xe qua tổng đài điện thoại hay qua phần mềm, cách đo quãng đường xe chạy và tính tiền bằng đồng hồ hay bằng phần mềm thì chỉ là hình thức của thủ tục chứ không phải là bản chất của loại hình vận tải. Do đó, không thể coi taxi gọi xe bằng phần mềm là xe hợp đồng điện tử còn taxi gọi qua tổng đài điện thoại lại là taxi.
Thực tế người dân cả nước đều khẳng định xe ô tô Uber, Grab chở khách là taxi công nghệ. Vì thế, không thể "lách luật" để cho phép Uber, Grab được miễn rất nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm với nhà nước và khách hàng, đặc biệt là mức thuế giảm tối đa và không có nghĩa vụ gì với tài xế, khách đi xe, không phải chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông… Trong khi taxi truyền thống phải thực hiện rất nhiều các quy định chặt chẽ của pháp luật.
Trước những kiến nghị xác đáng của Hiệp hội Taxi 3 miền, nhất là Hiệp hội Taxi Hà Nội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 86, theo đó, taxi công nghệ như Uber, Grab được quản lý và có các nghĩa vụ, trách nhiệm như taxi truyền thống, bảo đảm sự công bằng. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phù hiệu “XE TAXI” phải được làm bằng chất liệu phản quang với kích thước tối thiểu 6 x 20cm. Đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, Nghị định cũng quy định, được quyền lựa chọn gắn hộp đèn “TAXI” hoặc dán phù hiệu xe taxi cố định. Xe kinh doanh vận tải phải được gắn biển số nền màu vàng để phân biệt với phương tiện không kinh doanh vận tải.
Với việc ban hành các quy định quản lý taxi công nghệ chặt chẽ, bảo đảm sự bình đẳng, các doanh nghiệp taxi truyền thống đã có sự cạnh tranh lành mạnh, dần phục hồi, lấy lại thị phần; đồng thời, với sự tự đổi mới, nhanh chóng áp dụng phần mềm công nghệ để tạo sự tiện dụng cho khách hàng và chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ tốt, taxi truyền thống ngày càng được người dân tin dùng.
Nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới từ cuối năm 2019 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách. Thực tế, năm 2020 và 2021, các doanh nghiệp kinh doanh taxi đã giảm đến 50% doanh thu, trong khi đó doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch cho lái xe và cho hành khách như phát khẩu trang miễn phí cho khách, mua dung dịch khử trùng tay cho khách khi lên xe, bơm khử trùng khu vực để xe và trên các phương tiện chở khách.
Ngoài ra, doanh nghiệp taxi cũng phải bù lỗ cho lái xe và thực hiện các khoản dịch vụ khác… Doanh thu giảm, tiền chi cho dịch vụ khác tăng, các hãng taxi vô cùng khó khăn khi đại dịch COVID-19 hoành hành, hàng loạt doanh nghiệp taxi đứng trước nguy cơ phá sản và thực tế đã có một số doanh nghiệp taxi phải bán tài sản để trả nợ ngân hàng.
Trước thực tế đó, Hiệp hội Taxi ba miền (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh) phải “kêu cứu” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn do đại dịch.
Đầu năm 2023, khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát thì taxi công nghệ đưa ra những mức phí thiếu hợp lý, như: Khu vực nào có ít xe của hãng hiện diện mà số lượng khách đông thì giá cước tự động tăng lên; giá cước giờ cao điểm và ngày lễ, Tết nhiều thời điểm tăng 30 - 50% so với giá cước công bố; ngoài ra, hành khách còn phải thanh toán thêm phí tính theo thời gian di chuyển, phí chờ khách, phụ phí ban đêm, phụ phí trời mưa, phụ phí thời tiết, phụ phí thêm điểm đến, điểm dừng, thay đổi điểm đến, phí mở app cũng phải trả từ 2.000-5.000 đồng cho mỗi lần mở. Với đội ngũ tài xế, các hãng xe công nghệ ngày càng thu mức chiết khấu cao, siết chặt quy định khiến tài xế rất khó để được thưởng... Quy cách kinh doanh theo kiểu "bóc lột" này khiến nhiều tài xế taxi công nghệ chuyển sang hoạt động taxi truyền thống, khách hàng quay trở lại sử dụng taxi truyền thống ngày càng nhiều.
Sau thời gian phải chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng và rất khốc liệt của loại hình taxi công nghệ, đồng thời gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, các hãng taxi truyền thống đã từng bước giành lại thị trường. Thực tế ngày càng chứng tỏ, taxi truyền thống luôn giữ lợi thế là sự lựa chọn an toàn, tin cậy, chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng với những điều kiện kinh doanh khắt khe (như xe phải có phù hiệu, niên hạn; đồng hồ được kiểm định; lái xe có chứng chỉ đào tạo bài bản; giá cước được niêm yết công khai, không tùy tiện tăng dù cao điểm hay lễ, tết và muốn điều chỉnh phải đề xuất lên Sở GTVT…).
Mặt khác, nhiều hãng taxi truyền thống (điển hình như Mai Linh) đã tận tình phục vụ, giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn trong đại dịch, để lại tình cảm đẹp với nhân dân; đồng thời kiên quyết sàng lọc, xử lý nghiêm nếu tài xế phục vụ khách không tốt, nên ý thức trách nhiệm của tài xế cao hơn hẳn taxi công nghệ. Vì thế, người dân càng tin tưởng sử dụng taxi truyền thống.
Cần tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi sang taxi điện
Đại dịch COVID-19 và cuộc chiến Nga - Ukraina đã khiến nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn, giá xăng dầu tăng cao. Cùng với đó, xu hướng sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường và những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nhu cầu sử dụng xe ô tô điện trở thành xu thế tất yếu.
Trước tình hình đó, vừa qua, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã tổ chức hội nghị nghiên cứu áp dụng và thử nghiệm dùng xe điện của các nhà cung cấp làm taxi, thay các loại xe taxi đang sử dụng xăng, dầu hiện nay.
Theo phân tích của các chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp taxi dự hội thảo, ô tô điện sẽ là tương lai của nền công nghiệp ô tô thế giới, bởi phương tiện này không những giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tiện dụng hơn rất nhiều so với các dòng xe chạy bằng xăng dầu, như: Nạp năng lượng dễ dàng; không cần thay nhớt, nước làm mát; giảm tần suất bảo dưỡng định kỳ; độ an toàn cao; không có tiếng ồn động cơ... Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng nhanh và nguồn cung khó khăn, trong khi giá điện lại tương đối ổn định. Nếu so sánh việc sử dụng xe ô tô điện, người dùng và các doanh nghiệp vận tải taxi sẽ tiết kiệm được một khoản lớn chi phí khi vận hành, không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp mà cả khách hàng.
Để thích ứng với xu hướng của ngành kinh doanh vận tải thế giới và nắm bắt thời cơ, một số doanh nghiệp vận tải taxi Hà Nội đã tiến hành khảo sát, thử nghiệm và có đánh giá ban đầu về việc sử dụng xe điện trong vận tải taxi.
Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định, các doanh nghiệp thành viên kinh doanh dịch vụ taxi đều đồng tình, ủng hộ chủ trương chuyển đổi dần từ phương tiện động cơ đốt trong sang sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi sang taxi điện ở Việt Nam sẽ vấp phải hai rào cản chính. Thứ nhất là câu chuyện hạ tầng trạm sạc. Nếu người dùng ô tô điện cá nhân thiếu trạm sạc một phần thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi điện “khát” trạm sạc gấp hàng chục lần.
Xe taxi nói riêng hay các xe kinh doanh vận tải nói chung có những đặc thù riêng biệt. Đối với ô tô cá nhân, đa số chủ xe có thể sạc đầy pin vào ban đêm để sử dụng cho cả ngày hôm sau. Còn đối với xe taxi, thời gian hoạt động là 24/7, quãng đường di chuyển dài, phải dừng, đỗ, đón trả khách tại nhiều địa điểm trong một ngày, dẫn đến cần nạp năng lượng nhiều lần và tại nhiều địa điểm.
Rào cản thứ hai là vấn đề tài chính của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, giá một chiếc ô tô điện còn khá đắt đỏ, gấp 1,5-3 lần giá một chiếc ô tô thông thường được dùng để hoạt động taxi. Để mua xe với số lượng lớn, các hãng taxi buộc phải vay ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các tổ chức tín dụng liên tục tăng lãi suất thì khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp càng khó khăn. Do đó, việc đầu tư chuyển đổi sang taxi điện ở thời điểm hiện tại không thể làm nhanh mà cần tiến hành từ từ, kết hợp tính toán khả năng lợi nhuận và hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất.
Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội, hiệp hội luôn sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp và nhà nước trong chuyển đổi sang taxi điện, tuy nhiên, đề nghị cơ quan chức năng nhà nước cần xem xét, áp dụng những cơ chế, chính sách ưu đãi trong nhập khẩu xe điện.
Cùng với đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị cơ quan chức năng sớm xem xét, dỡ bỏ lệnh cấm taxi đối với một số tuyến phố vì taxi là phương tiện giao thông công cộng, cần được ưu tiên hơn phương tiện cá nhân; đồng thời, ngành GTVT cần xem xét quy hoạch thêm các điểm đỗ cho xe taxi để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, bởi sử dụng taxi di chuyển là xu hướng văn minh, tất yếu.