Chuyên mục


Doanh nghiệp vận tải "còng lưng" đăng kiểm

13/03/2023 09:39 (GMT +7)

Nếu như người dân hoảng vì phải xếp hàng 1- 2 ngày để được đăng kiểm, thì có lẽ doanh nghiệp vận tải sẽ bức xúc hơn bội phần vì phải lo cho vài chục đến hàng trăm đầu xe, chi phí phát sinh chồng chất.

Đăng kiểm hiện nay đang chỉ đáp ứng 30% nhu cầu người dân tại 2 thành phố lớn, thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cả nước hiện có 61/281 trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động. Trong đó có 53 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra, 8 trung tâm đăng kiểm do không đủ điều kiện theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP.

Đăng kiểm hiện nay đang chỉ đáp ứng 30% nhu cầu người dân tại 2 thành phố lớn nhất cả nước. Ảnh thực tế

Đăng kiểm hiện nay đang chỉ đáp ứng 30% nhu cầu người dân tại 2 thành phố lớn nhất cả nước. Ảnh thực tế

Ngày 10/3, 2 trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội được mở cửa trở lại gồm 2903S (số 3 Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm) và 2914D (cụm công nghiệp Thanh Oai, Bích Hòa, Thanh Oai) sau một thời gian tạm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra. Mỗi trạm có tối thiểu một dây chuyền hoạt động. Nhân sự được huy động để vận hành lại 2 trung tâm đăng kiểm trên đến từ nhóm đăng kiểm viên tại chỗ của đơn vị đăng kiểm (không bị tạm giam). Đồng thời, Cục Đăng kiểm VN hỗ trợ điều động thêm nhân lực từ các trung tâm đăng kiểm khác về.

Đây cũng là nỗ lực của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong việc tăng cường nhân sự đăng kiểm viên để khôi phục hoạt động các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội trong bối cảnh chiều 9/3 chỉ còn 6 trung tâm với 8 dây chuyền kiểm định hoạt động, đáp ứng chỉ được khoảng 13% so với nhu cầu của người dân.

Tại TPHCM có 9 trung tâm đăng kiểm với 17 dây chuyền kiểm định bị tạm dừng hoạt động khiến tình trạng ùn tắc đăng kiểm tái diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tình trạng ùn tắc đăng kiểm có thể kéo dài trong nhiều tháng tới do khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân sụt giảm mạnh, ước chừng chỉ đạt khoảng 40% ở Hà Nội và 50% ở TPHCM, thậm chí, có tháng chỉ đạt khoảng 30% ở cả 2 thành phố trên.

 

Bộ GTVT vừa  kiến nghị lên Chính phủ cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải. Trên thực tế hiện nay, số lượng xe ô tô đang bị quá hạn đăng kiểm có số lượng rất lớn và không ngừng tăng nhanh.

Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, trong tháng 3 và 4/2023, cả nước có nguy cơ tồn gần 300 nghìn ô tô không thể kiểm định đúng hạn. Trong đó, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM có thể có đến hơn 200 nghìn xe bị quá hạn trong hơn 1 tháng tới.

Nắm bắt được thông tin khó đăng kiểm xe tại Hà Nội và TPHCM, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã chuyển hướng về các tỉnh nhằm tiết kiệm thời gian. Theo cập nhật mới nhất của PV Banduong.vn, tỉnh Bắc Giang có 6 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thuộc địa bàn các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Hiệp Hòa, Lạng Giang và TP. Bắc Giang. Những ngày qua, các Trung tâm Đăng kiểm này đều trong tình trạng quá tải, trong đó có nguyên nhân là nhiều phương tiện ở Hà Nội và các địa phương khác dồn về đăng kiểm.

Do lượng phương tiện đến đăng kiểm quá đông tại Trung tâm 98-05D (xã Hương Gián, huyện Yên Dũng), ngày 9/3, mới 8 giờ sáng Trung tâm đã nhận đủ số lượng xe theo khả năng đăng kiểm trong ngày. Ông Nguyễn Quang Long, Giám đốc Trung tâm 98-05D cho biết, mặc dù có 3 dây chuyền song do thiếu đăng kiểm viên nên Trung tâm chỉ có thể vận hành 2 dây chuyền với khả năng đăng kiểm từ 110-120 phương tiện/ngày. “ Do nhu cầu đăng kiểm lớn (khoảng 160 phương tiện được đưa đến mỗi ngày) nên dẫn đến tình trạng quá tải, phương tiện tập kết khu vực gần đó nhiều gây mất trật tự ATGT”- Ông Long thông tin.

Tại các tỉnh khác như Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ,...người dân đi đăng kiểm cũng phải xếp hàng 1-2 km, chờ đợi cả ngày. Đối với những doanh nghiệp có vài chục đến hàng trăm đầu xe, sự bức xúc không thể kể hết. Lái xe cùng xe dịch vụ phải dừng kinh doanh, nằm chờ nhiều ngày để đăng kiểm khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí như phí bến bãi chờ đợi, hụt doanh thu vì sợ phạt hết đăng kiểm. Trong khi lãi ngân hàng, lương nhân viên vẫn phải trả để lái xe thay nhau đi "ăn trực nằm chờ".

Ngoài chi phí đăng kiểm xe, nếu trung tâm đăng kiểm quá tải và không đáp ứng được nhu cầu đăng kiểm xe của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp có thể phải gánh thêm các chi phí sau:

- Chi phí giữ xe: Nếu xe phải đợi đăng kiểm trong thời gian dài và không có chỗ để đỗ, doanh nghiệp phải trả chi phí giữ xe tại các bãi giữ xe gần trung tâm đăng kiểm.

- Chi phí thuê xe: Nếu một số xe của doanh nghiệp phải bị chậm đăng kiểm và không thể vận chuyển hàng hóa được, doanh nghiệp có thể phải thuê xe từ các đơn vị khác để đáp ứng nhu cầu vận chuyển của khách hàng.

- Chi phí tiền lương cho tài xế: Nếu các xe phải đợi đăng kiểm trong thời gian dài và tài xế phải ở lại để giữ xe, doanh nghiệp phải trả chi phí tiền lương cho tài xế trong thời gian đó.

- Chi phí di chuyển đến trung tâm đăng kiểm khác: Nếu các trung tâm đăng kiểm gần đó quá tải, doanh nghiệp có thể phải vận chuyển xe đến trung tâm đăng kiểm khác trong khu vực khác, gây ra thêm những phát sinh cho doanh nghiệp.

- Hệ lụy không chỉ là mình chi phí, khi gây trì trệ vận chuyển hàng hóa: Nếu xe của doanh nghiệp vận tải bị chậm đăng kiểm vì tình trạng quá tải và ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm, có thể dẫn đến trì trệ vận chuyển hàng hóa và gây tổn thất về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

- Ảnh hưởng đến lịch trình vận tải: Nếu các xe vận tải bị chậm đăng kiểm, có thể ảnh hưởng đến lịch trình vận tải của doanh nghiệp, gây ra sự cố vận chuyển và ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng.

- Gây tổn hại đến hình ảnh doanh nghiệp: Nếu các xe vận tải của doanh nghiệp bị chậm đăng kiểm và phải chờ đợi trong các tình trạng ồn ào và ùn tắc, có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt khách hàng và cộng đồng.

Chia sẻ với PV Banduong, một doanh nghiệp vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng tại TPHCM cho biết, đơn vị đang phải bố trí hàng chục nhân viên và lái xe thay nhau đưa xe sắp đến hạn kiểm định đi sửa chữa, bảo dưỡng và tìm nơi đăng kiểm. Nằm chờ từ hôm trước để xếp hàng, rồi khi đến lượt kiểm định, nếu xe bị phát hiện lỗi thì phải đưa về sửa chữa, sau đó quay lại xếp hàng từ đầu.

Mấy tháng gần đây, mỗi tháng có gần chục xe phải sửa chữa, thay phụ tùng để chuẩn bị kiểm định. Cứ dừng hoạt động một tuần, mỗi xe mất doanh thu 20-30 triệu đồng. Nếu đi các tỉnh đăng kiểm lại mất thêm 500 - 2 triệu tiền xăng và bến bãi gửi chờ đăng kiểm cho mỗi đầu xe. Chi phí cố định thì vẫn không giảm. Như vậy, kể từ khi ùn tắc đăng kiểm, doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, khó khăn bộn bề. 

Các doanh nghiệp vận tải hành khách và vận chuyển hàng hoá liên tỉnh miền Bắc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, quá nhiều doanh nghiệp vận tải bức xúc vì tình trạng quá tải, ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động. Các cơ quan có giải pháp tháo gỡ, không làm đình trệ sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Hiện, nhiều doanh nghiệp đề xuất gia hạn đăng kiểm cho các phương tiện vận tải 1-2 tháng mà không bị xử phạt. Bởi đây là vấn đề khách quan, không thuộc lỗi doanh nghiệp nên các cơ quan chức năng cần tháo gỡ để hoạt động kinh doanh của chúng tôi không bị xáo trộn.

Ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm đang gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và đời sống bình thường của người dân và doanh nghiệp. Ảnh Internet

Ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm đang gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và đời sống bình thường của người dân và doanh nghiệp. Ảnh Internet

Trước tình hình bất cập của công tác đăng kiểm trong thời gian qua, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và đời sống bình thường của người dân và doanh nghiệp, ngay trong chiều 8/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Công an để xử lý ngay tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các trung tâm đăng kiểm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác kiểm định phương tiện giao thông là dịch vụ công rất quan trọng, bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông, tính mạng cho người dân, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật và trình độ và thuộc trách nhiệm của nhà nước.

Vừa qua việc điều tra, xử lý của Bộ Công an là hết sức cần thiết và kịp thời trong bối cảnh phương tiên giao thông mất an toàn, công tác quản lý về phương tiện giao thông bị buông lỏng ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tính mạng của người tham gia giao thông. Qua việc khởi tố điều tra đã xác định được rõ những sai phạm, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để chấn chỉnh, xử lý, nhằm thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước với người dân.

“Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân. Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quản lý nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trong một thời gian dài, việc xã hội hóa đã huy động được nguồn lực bên ngoài bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công về kiểm định tuy nhiên việc thực hiện kiểm định, hoán cải phương tiện giao thông vận tải còn diễn ra rất tuỳ tiện, chưa được quản lý chặt chẽ đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật.

Vì vậy, chuyên án của Bộ Công an góp phần chấn chỉnh, lập lại trật tự trong lĩnh vực đăng kiểm, nâng cao niềm tin của người dân; đồng thời cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như những bất cập trong mô hình xã hội hoá hoạt động đăng kiểm.

Nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm cho người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT có phương án, giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém, không làm ảnh hưởng đến nhu cầu chính đáng của người dân.

Về lâu dài, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an để xem xét phương thức tách bạch công tác quản lý và hoạt động của các trung tâm kiểm định; tăng cường công tác đào tạo; quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ đăng kiểm viên… “Sau cuộc họp hôm nay, các đồng chí phải làm ngay, phải thay đổi ngay, không thể để tình trạng như thế này được”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 69/TB-VPCP ngày 9/3/2023 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Trong đó nhấn mạnh, để đảm bảo cung cấp dịch vụ công kịp thời cho người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trước mắt, cần khẩn trương huy động điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác để tăng cường cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện thực hiện hoạt động đăng kiểm của hai Bộ tham gia hỗ trợ, đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12 tháng 8 năm 2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó xem xét sửa đổi bổ sung quy định cho phép miễn kiểm tra kỹ thuật khi đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất; nghiên cứu phương án kéo dài chu kỳ đăng kiểm với các phương tiện mới sử dụng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về an toàn của phương tiện ban hành trước ngày 10 tháng 3 năm 2023.

Đồng thời, rà soát các vấn đề bất cập, vướng mắc để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết giải quyết ngay những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, trong đó nghiên cứu phương án cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe ô tô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm tra kỹ thuật để kiểm định xe, gửi Bộ Tư pháp thẩm định trong ngày 09 tháng 3 năm 2023, trình Chính phủ trong ngày 10 tháng 3 năm 2023.

Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, trường hợp điều khiển ô tô quá hạn đăng kiểm, dù chỉ một ngày cũng có thể bị phạt hành chính 3-4 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Ngoài ra, đối với chủ doanh nghiệp vận tải có xe ô tô quá hạn đăng kiểm, mức phạt là 12-16 triệu đồng cho hành vi giao xe ô tô không đủ điều khiển cho người lao động điều khiển.

Người điều khiển phương tiện quá hạn đăng kiểm từ 1 tháng trở lên có thể bị xử phạt 4-6 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Ngoài ra, hành vi điều khiển quá hạn kiểm định từ 1 tháng trở lên có thể bị tạm giữ xe không quá 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 82 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Với ô tô đã quá hạn đăng kiểm, cần phải gọi xe cứu hộ đến kéo xe đi đến trung tâm đăng kiểm làm các thủ tục theo quy định, cũng như đảm bảo ATGT trên đường và người tham gia giao thông.

Đối với hành vi làm giả giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, mức phạt là 4-6 triệu đồng theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP tương tự như với hành vi sử dụng biển đăng ký giả hoặc làm sai lệch biển kiểm soát .

Sau một thời gian tình trạng đăng kiểm tại các thành phố lớn gặp khó khăn, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cho ra mắt ứng dụng TTDK - Đặt lịch kiểm định xe trực tuyến.

Mỹ Diệu
Bài 2: 'Xe đạp điện trá hình' và hiểm hoạ tai nạn giao thông ở học sinh
Tai nạn giao thông gia tăng liên quan đến học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện thời gian gần đây đã ít nhiều tạo cái nhìn không tốt trong dư luận. Tuy nhiên, thực trạng này lại mâu thuẫn với những giá trị tiện ích đem lại cho người tiêu dùng và xã hội mà nhiều nhà sản xuất xe mong muốn.

Giá xăng lại tăng
Kể từ 15 giờ hôm nay (28/3), giá xăng E5 tăng 410 đồng/lít, giá bán là 23.620 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 530 đồng/lít, giá bán là 24.810 đồng/lít.

Yêu cầu báo cáo về thực hiện thu phí gửi xe thông minh tại Hà Nội
40 doanh nghiệp trông xe trên địa bàn thành phố vừa được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu báo cáo về kế hoạch thực hiện công nghệ trong việc thu phí đỗ xe trước ngày 30/3.

Hàng không thiếu máy bay
Ngày 26/3, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết số máy bay hoạt động thương mại của 6 hãng hàng không đến cuối tháng 3 khoảng 170 chiếc, giảm 40-45 chiếc so với cùng kỳ năm 2023.

Bác bỏ đề xuất trích 70% tiền xử phạt cho CSGT
Dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất đã bỏ đề xuất lực lượng cảnh sát giao thông được trích tối thiểu 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Tăng thêm tàu khách tuyến Bắc - Nam
Giá vé chặng Hà Nội - Sài Gòn suốt một chiều loại chỗ ghế ngồi từ 958.000 đồng/vé, giường nằm từ 1.170.000 đồng/vé trở lên, phụ thuộc ngày đi, loại chỗ.

Từ 1/4, dừng hoạt động 5 tuyến xe buýt ở Hà Nội
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội vừa phát đi thông báo về việc dừng hoạt động các tuyến buýt số 10, 14, 18, 44, 145. Việc dừng các tuyến xe buýt này sẽ bắt đầu từ ngày 1/4/2024.