Ngân hàng Nhà nước gỡ khó cho doanh nghiệp sau kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô
NHNN đã có phản hồi sau khi nhận được Công văn số 429/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ giao xử lý kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về việc đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải ô tô; các đề xuất của Hiệp hội vận tải đối với NHNN.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận được Công văn số 429/VPCP-KTTH ngày 25/01/2023 của Văn phòng Chính phủ giao xử lý kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Hiệp hội) tại Công văn số 100/CV- HHVT ngày 19/12/2022 về việc đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải ô tô; về các đề xuất của Hiệp hội vận tải đối với NHNN, NHNN có ý kiến dưới đây.
Về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ
Đối với các khoản vay đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ trước ngày 30/6/2022:
Theo quy định tại khoản 2, 7 Điều 4 Thông tư 01/2020/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT- NHNN (Thông tư 01), thời điểm trả nợ của khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sau khi được cơ cấu lại có thể kéo dài tối đa đến ngày 30/6/2023.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3, 4, 6 Điều 6 Thông tư 01, đối với các số dư nợ đã được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01, trường hợp khách hàng thực hiện trả nợ, thanh toán theo đúng thời hạn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì các số dư này vẫn tiếp tục được áp dụng quy định về việc giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 tối đa đến ngày 31/12/2023.
Về việc kéo dài thời hạn chính sách theo Thông tư 01: Hiện nay, các tác động từ dịch bệnh đang được giảm thiểu thông qua kết quả thực hiện việc tiêm chủng; các doanh nghiệp, người dân trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh không còn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội. Việc ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyện nhóm nợ theo Thông tư 01 là giải pháp tình thế, cần thiết trong ngắn hạn nhằm mục tiêu chính là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn trong dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trong trung hạn sẽ làm gia tăng nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Về việc tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn để tái đầu tư, phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh
NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD, gần đây nhất là văn bản số 9064/NHNN-TD ngày 22/12/2022 chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Theo đó, TCTD sẽ tiếp tục cho vay để tái đầu tư, phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi, có khả răng trả nợ, đáp ứng các điều kiện cho vay của TCTD đối với khách hàng theo quy định pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có các doanh nghiệp vận tải ô tô, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước trong phạm vi 40.000 tỷ đồng đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành trong đó có ngành vận tải, theo đó NHNN đã ban hành Thông tư 03/2022/TT- NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Do vậy, NHNN đề nghị Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên chủ động liên hệ với các NHTM để được xem xét hỗ trợ theo quy định.