Đèo Cả muốn tăng vốn
CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã: HHV) dự kiến phát hành tối đa 82,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành dự kiến là 25%. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu hoàn tất đợt chào bán, vốn điều lệ của HHV sẽ tăng thêm 823 tỷ đồng lên gần 4.117 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã: HHV) vừa công bố Nghị quyết thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, công ty dự kiến phát hành tối đa 82,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành dự kiến là 25% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được mua thêm 25 cổ phiếu mới). Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu hoàn tất đợt chào bán, vốn điều lệ của HHV sẽ tăng thêm 823 tỷ đồng lên gần 4.117 tỷ đồng.
Tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu là 12,05%. Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền không bị hạn chế chuyển nhượng. Tuy nhiên, cổ phiếu mà cổ đông và/hoặc người nhận chuyển nhượng quyền mua mà không đăng ký mua, không nộp tiền mua được HĐQT phân phối cho nhà đầu tư khác bị hạn chế chuyển nhượng trong thời hạn tối thiểu 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Theo HHV, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại HHV là 4,53% tính đến ngày 26/7. Do đó, nếu các cổ đông đều thực hiện quyền thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại HHV sẽ không thay đổi, và vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ sở hữu nước ngoài như quy định.
Về phương án sử dụng vốn, toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán là hơn 823 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho các hoạt động của công ty bao gồm: góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp dự án và bổ sung vốn phục vụ hoạt động. Cụ thể, về góp vốn đầu tư, HHV dự kiến trích hơn 108 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Đầu tư Đèo Cả và gần 34 tỷ đồng góp vốn vào CTCP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, thời gian dự kiến sử dụng trong năm 2023-2024.
Với việc bổ sung vốn hoạt động, Hạ tầng giao thông Đèo Cả sẽ dành 150 tỷ đồng thanh toán các khoản vay ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp dự kiến sử dụng gần 332 tỷ đồng để mua sắm máy móc thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ hoạt động SXKD thường xuyên. Còn lại 200 tỷ đồng HHV dự kiến bổ sung nguồn vốn lưu động để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu hợp nhất Đèo Cả thu về 1.151 tỷ đồng, tăng 26% so với 6 tháng đầu năm 2022. Lợi nhuận sau thế tăng 21% lên đạt 192 tỷ đồng. Với kết quả này, nửa đầu năm HHV đã thực hiện được 57% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.
Được biết, Hạ tầng giao thông Đèo Cả là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư công. Đầu năm 2023, HHV trúng thầu 2 dự án là Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (tổng giá trị hợp đồng hơn 14.500 tỷ đồng) và đèo Prenn (tổng giá trị hợp đồng 550 tỷ đồng).
Hiện, HHV vận hành 6 dự án có trạm thu phí BOT gồm hầm đường bộ qua đèo Cả (Phú Yên - Khánh Hòa),hầm Cù Mông (Bình Định - Phú Yên), hầm Hải Vân 2 (Đà Nẵng - Thừa Thiên - Huế), hầm Phước Tượng - Phú Gia (Thừa Thiên - Huế), cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và dự án mở rộng Quốc lộ 1 (Khánh Hòa). Ban lãnh đạo Đèo Cả cho biết hiện các dự án đang triển khai thu phí ổn định, doanh thu liên tục ghi nhận tăng trưởng trong các năm gần đây.
Là công ty con chuyên đảm nhận hoạt động vận hành và quản lý trạm thu phí, HHV có lợi thế để tiếp tục nhận chuyển giao các dự án BOT từ Tập đoàn Đèo Cả. Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS) trong giai đoạn 2023-2026, bên cạnh đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Tập đoàn Đèo Cả có kế hoạch đầu tư 3 dự án BOT với mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.
Trên thị trường, ngay sau thông tin trúng gói thầu cuối năm 2022, cổ phiếu HHV bất ngờ tăng dựng với chuỗi 3 phiên liên tiếp từ ngày 29/12/2022 đến 3/1/2023. Ở phiên ngày 16/8, HHV có giá 15.900 đồng/cổ phiếu.