Cổ phiếu Đèo Cả vì sao tăng giá mạnh?
Vay nợ thuê của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) ghi nhận đạt mức 20.653 tỷ đồng. Trong đó, HHV vay Vietinbank gần 19.330 tỷ đồng và VietABank hơn 940 tỷ đồng.
Dù kết quả kinh doanh không như mong đợi nhưng Liên danh nhà thầu do Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) đứng đầu tiếp tục trung nhiều gói thầu lớn. Ban QLDA 2 vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL02 - Thi công xây dựng đoạn Km30+000 - Km57+200 và gói thầu XL03 - Thi công xây dựng đoạn Km57+200 - Km88+00 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Được biết, đơn vị trúng thầu gói thầu XL02, giá trị 4.129 tỷ đồng là liên danh Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (DCG) - Công ty CP Xây dựng Đèo Cả (DCC). Gói thầu bao gồm thi công xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, thời gian thực hiện là 34 tháng kể từ ngày khởi công.
Với gói thầu XL03 giá trị 6.686 tỷ đồng, đơn vị trúng cũng là liên danh Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (DCG) - Công ty CP Trường Long. Gói thầu bao gồm thi công xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, thời gian thực hiện là 42 tháng kể từ ngày khởi công.
Theo hồ sơ thiết kế, trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có 3 hầm xuyên núi với tổng chiều dài khoảng 4,5km. Trong đó, gói thầu XL02 có 2 hầm xuyên núi (hầm 1 dài 610m, hầm 2 dài 698m).
Với kinh nghiệm đã hoàn thành 25km hầm đường bộ, 270km cao tốc và quốc lộ, 6 cây cầu lớn, HHV tự tin sẽ thực hiện các gói thầu đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Đồng thời, mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cho công ty và lợi ích cho các cổ đông nói riêng".
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty HHV chia sẻ
Còn Gói thầu XL03 có 1 hầm xuyên núi cấp đặc biệt với chiều dài 3.200m, gồm 2 ống hầm, mỗi ống hầm thiết kế 3 làn xe chạy với bề rộng mặt đường lên đến 11,25m. Đây là công trình hầm xuyên núi có chiều dài lớn nhất được xây dựng mới trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2021 và 2021 - 2025.
Trước đó, liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu cũng được lựa chọn gói thầu XL1 thi công xây dựng đoạn Km0+000 - Km30+000 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 30 km với giá trị gói thầu 3.800 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 1.020 ngày (34 tháng).
Theo tìm hiểu, HHV có ngành nghề kinh doanh chính là quản lý, khai thác, bảo trì hầm đường bộ Hải Vân và các tuyến quốc lộ được bàn giao; kinh doanh vận tải hành khách cùng với đó là đấu thầu xây dựng các dự án đầu tư công. HHV hiện đang vận hành khai thác các dự án hầm và đường cao tốc trong nhiều năm qua như hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Hiện, HHV đang quản lý, vận hành hơn 25 km hầm đường bộ, hơn 330 km đường cao tốc và quốc lộ,15 trạm thu phí dịch vụ.
HHV là 1 trong 5 nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam bao gồm: Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; mã: VCG), Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (DII, mã: HHV), Tổng công ty Xây dựng số 1 (mã: CC1), Tập đoàn Cienco4 (mã: C4G), Tổng công ty 36 (mã, HoSE: G36).
Về kết quả kinh doanh, HHV cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu thuần hơn 614 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính giảm mạnh từ 4,9 tỷ đồng còn 551 triệu đồng. Các chi phí tài chính tăng cao khiến lãi thuần của doanh nghiệp còn 82 tỷ đồng, giảm 12%. Theo đó, HHV báo lãi sau thuế đạt 75 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lãi 77 tỷ đồng cùng kỳ.
Năm 2022, HHV ghi nhận doanh thu thuần kỷ lục ở mức 2.094 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ các trạm thu phí BOT chiếm 71% tổng doanh thu của công ty khi đạt 1.491 tỷ đồng, hoạt động xây lắp cũng chiếm tới 25% doanh thu của công ty khi đạt 530 tỷ đồng.
Trong năm, dù công ty đã tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp còn 72 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 14% lên mức 1.071 tỷ đồng cùng với doanh thu tài chính giảm mạnh từ gần 22 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 5,8 tỷ đồng do chưa nhận được cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên quan. HHV thu về khoản lãi sau thuế đạt 315 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021.
Theo kế hoạch đề ra đầu năm, doanh thu đạt 2.515 tỷ đồng và lãi sau thuế 396 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này mới hoàn thành 83% kế hoạch doanh thu và chỉ đạt 80% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Theo doanh nghiệp, tình hình thị trường năm qua gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp như khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu; giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao; công tác bù giá/điều chỉnh giá chưa được chủ đầu tư thực hiện kịp thời; lãi suất ngân hàng liên tục tăng và hết nguồn cung tín dụng. Công ty dù đã tiết giảm chi phí và đảm bảo tiến độ công việc, nhưng các yếu tố thị trường vẫn làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản HHV đạt hơn 35.643 tỷ đồng, tăng 5% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho lên mức 160 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần, chủ yếu từ chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tăng gần 5 lần lên gần 149 tỷ đồng. Chi phí trả trước dài hạn cũng tăng lên mức 4.784 tỷ đồng do lãi vay chờ phân bổ tăng 59%.
Nợ phải trả tăng nhẹ 5% so với đầu năm lên gần 27.250 tỷ đồng. Vay nợ thuê của doanh nghiệp ghi nhận đạt mức 20.653 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu kỳ. Trong đó, HHV vay Vietinbank gần 19.330 tỷ đồng và VietABank hơn 940 tỷ đồng với thời hạn trên 5 năm.
Hiện, HHV vận hành 6 dự án có trạm thu phí BOT gồm hầm đường bộ qua đèo Cả (Phú Yên - Khánh Hòa),hầm Cù Mông (Bình Định - Phú Yên), hầm Hải Vân 2 (Đà Nẵng - Thừa Thiên - Huế), hầm Phước Tượng - Phú Gia (Thừa Thiên - Huế), cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và dự án mở rộng Quốc lộ 1 (Khánh Hòa). Ban lãnh đạo Đèo Cả cho biết hiện các dự án đang triển khai thu phí ổn định, doanh thu liên tục ghi nhận tăng trưởng trong các năm gần đây.
Là công ty con chuyên đảm nhận hoạt động vận hành và quản lý trạm thu phí, HHV có lợi thế để tiếp tục nhận chuyển giao các dự án BOT từ Tập đoàn Đèo Cả. Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS) trong giai đoạn 2023-2026, bên cạnh đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Tập đoàn Đèo Cả có kế hoạch đầu tư 3 dự án BOT với mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.
Trên thị trường, ngay sau thông tin trúng gói thầu cuối năm 2022, cổ phiếu HHV bất ngờ tăng dựng với chuỗi 3 phiên liên tiếp từ ngày 29/12/2022 đến 3/1/2023. Ở phiên ngày 2/3, HHV giao dịch quanh mức 13.200 đồng/cổ phiếu. Nếu so với mức đáy 6.240 đồng (giá thấp nhất phiên 16/11/2022), cổ phiếu HHV đã tăng hơn 111%.