Chuyên mục


Cuộc chiến “thị phần” bảo hiểm xe cơ giới

22/11/2023 11:07 (GMT +7)

Bảo hiểm xe cơ giới ở Việt Nam hút nhà đầu tư ngoại cũng như giới tài chính trong nước. Tuy vậy, cùng với những thương vụ M&A lớn, câu chuyện bồi thường khác xa so với thỏa thuận ban đầu cũng tạo ra một phần xung đột nóng.

Ngành kinh doanh hút vốn, bất chấp kinh tế khó khăn

Mặc dù thị trường bảo hiểm Việt Nam đối diện với nhiều thách thức về niềm tin nhưng đi sâu vào hoạt động kinh doanh từng loại hình bảo hiểm, có thể thấy các chỉ tiêu đều duy trì mức tăng trưởng khả quan. Chẳng hạn, năm 2022, bảo hiểm xe cơ giới là sản phẩm phi nhân thọ lớn thứ 2 tại Việt Nam với doanh thu đạt 18.101 tỷ đồng, chiếm gần 27% trong tổng doanh thu toàn thị trường, tăng 12% so với cùng kỳ, tỷ lệ bồi thường gần 50%.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm chủ xe cơ giới đạt 4.365 tỷ đồng, chiếm 6,5%, tăng 10,6%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 13.735 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ, chiếm 20%. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu đạt 3.183 tỷ đồng chiếm 4,7%, tăng trưởng so với cùng kỳ 15,8%. Còn, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu doanh thu đạt 2.801 tỷ đồng chiếm 4%, tăng trưởng 19,3%. Bảo hiểm hàng không 1.060 tỷ đồng, tăng 4,8%.

Các chuyên gia cho rằng, triển vọng tăng trưởng của bảo hiểm xe cơ giới rất tích cực do tỷ lệ sở hữu xe ô tô ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khi thu nhập/tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng tiếp tục thúc đẩy nhu cầu mua xe ô tô trong tương lai. Theo số liệu của Bộ Công thương, đầu năm 2023, tỷ lệ sở hữu xe ô tô tại Việt Nam khoảng 23 xe/1.000 dân. Vào năm 2019, là khoảng 21 xe/1.000 dân khi GDP bình quân trên đầu người của cả nước là 3.425 USD. Dựa trên dữ liệu từ các quốc gia khác, mức tiêu thụ ô tô ở Việt Nam có khả năng sẽ tăng vọt khi GDP bình quân trên đầu người đạt mốc 5.000 USD.

năm 2022, bảo hiểm xe cơ giới là sản phẩm phi nhân thọ lớn thứ 2 tại Việt Nam với doanh thu đạt 18.101 tỷ đồng, chiếm gần 27% trong tổng doanh thu toàn thị trường

năm 2022, bảo hiểm xe cơ giới là sản phẩm phi nhân thọ lớn thứ 2 tại Việt Nam với doanh thu đạt 18.101 tỷ đồng, chiếm gần 27% trong tổng doanh thu toàn thị trường

Mảng bảo hiểm xe cơ giới tại các doanh nghiệp bảo hiểm được đánh giá nhiều tiềm năng, song cạnh tranh ngày càng gay gắt khi chứng kiến thị phần của các doanh nghiệp thay đổi liên tục qua nhiều năm qua. Trong vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp khác như Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIG), Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn (BSH), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không (VNI) đã lấy được thị phần xe cơ giới từ các doanh nghiệp bảo hiểm có quy mô và bề dày kinh nghiệm lớn hơn như BVH, BMI, PVI, hay PGI. Hiện, VNI đã lọt vào top 5 cùng với BVH và PTI.

Mặt khác, sự sôi động của các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ 2 năm qua phần nào phản ánh sức hút của một thị trường còn nhiều dư địa phát triển  cũng như mức độ cạnh tranh gay gắt trong ngành này. Đơn cử như, Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI, mã: AIC) vừa công bố thông tin bất thường về giao dịch chuyển nhượng cổ phần tổng công ty và cập nhật, bổ sung tài liệu đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023. Ngày 22/2, nhóm cổ đông sở hữu 75,18% cổ phần tại VNI và DB Insurance đã ký hợp đồng chuyển nhượng gần 75 triệu cổ phiếu, tương đương 75% vốn điều lệ của tổng công ty.

Không rõ thương vụ mua bán này trị giá bao nhiêu, còn nếu theo giá cổ phiếu thời điểm tháng 3, BD Insurance có thể đã bỏ ra khoảng 990 tỷ đồng để thâu tóm VNI. Trước đó, tháng 11/2022, VPBank mua thêm 47,85 triệu cổ phần Bảo hiểm OPES, nâng lượng sở hữu từ 6,05 triệu đơn vị lên 53,9 triệu đơn vị, chiếm 98% vốn điều lệ.

Cũng trong quý IV/2022, Tasco được mệnh danh là “trùm BOT” đã chi hơn 402 tỷ đồng mua 100% vốn Công ty TNHH Bảo hiểm tổng hợp Groupama Việt Nam thuộc Tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles (Pháp) và đổi tên thành Bảo hiểm Tasco. Theo kế hoạch, Tasco rót thêm vào công ty này 612 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Tasco tiết lộ rằng, mảng bảo hiểm là một trong những trụ cột của hệ sinh thái của công ty. Với Tasco, bên cạnh mảng bất động sản, nghỉ dưỡng có thể phát triển nhiều sản phẩm bảo hiểm bảo vệ toàn diện nhà cửa, tài sản, thì mảng dịch vụ ô tô có thể cộng thêm những sản phẩm bán chéo theo dòng bảo hiểm vật chất xe hơi, bảo hiểm xe ô tô toàn diện, bảo hiểm tai nạn.

Dễ nhận thấy rằng, hoạt động M&A vốn đã diễn ra rất mạnh trong thời gian qua, nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các doanh nghiệp bảo hiểm/tái bảo hiểm đang tăng cường tìm kiếm cơ hội tăng vốn và mở rộng quy mô kinh doanh để ứng phó với tình trạng thị trường “định phí mềm”.

Ngọt doanh thu, bồi thường "nhỏ giọt"

Để tăng sức cạnh tranh, các hãng bảo hiểm lớn đang đưa ra nhiều gói lợi ích và đền bù thỏa đáng về vật chất ô tô. Trong số đó bảo hiểm ô tô Bảo Việt được đánh giá là một tên tuổi khá uy tín và chất lượng tương xứng với giá tiền. Hãng đang cung cấp cho khách hàng 3 gói chính là gói trách nhiệm dân sự bắt buộc, gói phổ thông và gói nâng cao với nhiều tùy chọn bổ sung.

Bảo hiểm ô tô PVI có 3 loại bảo hiểm xe ô tô như sau: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới; bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới (bảo hiểm thân vỏ PVI); bảo hiểm người ngồi trên xe và tai nạn lái phụ xe. Ngoài ra, PVI có liên kết chính hãng với Thaco để tăng tính thuận tiện cho khách hàng trong các thủ tục và quy trình sửa chữa xe. Dịch vụ cứu hộ và kéo xe của hãng hoàn toàn miễn phí, không giới hạn số lần cứu hộ. Khách hàng có quyền lựa chọn garage và thay thế phụ tùng chính hãng, không tính khấu hao và lựa chọn bảo hiểm theo gói hoặc mua rời.

Còn Bảo hiểm ô tô PTI cung cấp cho khách hàng 2 gói bảo hiểm chính là gói Trách nhiệm dân sự bắt buộc, gói Bảo hiểm tự nguyện với nhiều tùy chọn bổ sung. Bảo hiểm MIC có 3 loại bảo hiểm xe ô tô như sau: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới; Bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới (bảo hiểm thân vỏ MIC); Bảo hiểm người ngồi trên xe và tai nạn lái phụ xe.

Với sự cạnh tranh khốc liệt, rất khó để dự đoán những doanh nghiệp nào sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thị phần. Tuy nhiên, loại hình bảo hiểm xe cơ giới hiện đang đóng góp một phần doanh thu khá lớn trong cơ cấu doanh thu của các hãng. Dù nguồn thu đưa về lớn, song chi phí chi bồi thường bảo hiểm xe cơ giới lại chiếm không đến 50%. Đơn cử, báo cáo tài chính năm 2022 của Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm gốc cho loại hình bảo hiểm xe cơ giới đạt hơn 863 tỷ đồng, chi bồi thường 402 tỷ đồng, tương ứng 46,5% doanh thu mang về.

Tại Tổng Công ty Bảo hiểm Hàng không (AIC), với 1.754 tỷ đồng, phí bảo hiểm xe cơ giới thậm chí còn chiếm đến gần 63% tổng doanh thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp năm 2022. Trong khi đó, AIC chi 823 tỷ đồng, khoảng 47% doanh thu bồi thường cho bảo hiểm xe cơ giới.

Còn Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), doanh thu phí bảo hiểm gốc loại hình bảo hiểm xe cơ giới chiếm 44% tổng doanh thu phí bảo hiểm với 2.759 tỷ đồng. PTI đã chi bồi thường bảo hiểm 1.413 tỷ đồng, tương ứng 51%.

Tương tự, loại hình bảo hiểm xe cơ giới đưa về cho Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) 862 tỷ đồng trong năm 2022. Thuyết minh báo cáo tài chính đã soát xét của BIC cũng cho thấy, doanh nghiệp đã chi 448 tỷ đồng cho chi phí bồi thường.

Theo quy định hiện nay, bảo hiểm xe cơ giới là loại hình bảo hiểm dành cho xe ô tô, xe máy, xe tải và các phương tiện giao thông đường bộ khác. Mục đích của bảo hiểm là bảo vệ kinh tế tránh thiệt hại về tài sản hoặc thương tật do tai nạn giao thông gây ra, không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu xe xảy ra tai nạn.

Qua thống kê có thể thấy, đa số các doanh nghiệp bảo hiểm sau khi trừ đi chi phí bồi thường đều thu về lợi nhuận rất lớn. Con số thể hiện sự chưa tương xứng quyền lợi, trách nhiệm giữa người mua bảo hiểm và các doanh nghiệp bán bảo hiểm. Đương nhiên, đây là phép tính chưa giảm trừ các chi phí khác như hoa hồng đi kèm.

Như đã thống kê ở trên, bảo hiểm xe cơ giới năm 2022 có tỷ lệ bồi thường chỉ đạt 49,8%. Trong họp báo của Bộ Tài chính, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, năm 2021, ước tính doanh thu của bảo hiểm xe cơ giới nói chung là khoảng 3.970 tỷ đồng. Trong đó, ô tô là khoảng 2.893 tỷ đồng và xe máy là khoảng 1.016 tỷ đồng. Số tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nhân sự toàn bộ xe cơ giới khoảng 750 tỷ.

Dù nguồn thu đưa về lớn, song chi phí chi bồi thường bảo hiểm xe cơ giới lại chiếm không đến 50%

Dù nguồn thu đưa về lớn, song chi phí chi bồi thường bảo hiểm xe cơ giới lại chiếm không đến 50%

Về quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với môtô, xe máy, Bộ Tài chính cho rằng không thể bãi bỏ do “việc mua bảo hiểm này cần thiết và đúng quy định pháp luật”. Thế nhưng, các thủ tục về bồi thường cũng "gây khó dễ" cho người dân, dẫn đến việc khi va chạm giao thông, đôi bên thường tự thỏa thuận thay vì tìm đến doanh nghiệp để yêu cầu được bồi thường. Đặc biệt, trong khi người dân nghiêm túc chấp hành việc mua bảo hiểm theo quy định thì các doanh nghiệp lại dựng ra nhiều thủ tục để căn cứ vào đó có thể thoái thác trách nhiệm bồi thường theo luật định.

Theo tìm hiểu được biết, Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) vừa bồi thường cho ông Tạ Văn Phong, chủ xe Mitsubishi Xpander BKS 30G-873.47 tổng số tiền hơn 300 triệu đồng do thua kiện và chịu toàn bộ án phí sơ thẩm tương ứng 5% giá trị phải bồi thường. Vụ kiện khởi nguồn từ một tai nạn giao thông ngày cách đây hơn 1 năm tại Ba Vì do lái xe Lê Tiến Dũng điều khiển (được chủ xe Tạ Văn Phong cho mượn) bị tai nạn tự gây, tông vào một nhà dân bên phải đường do trời mưa và tầm nhìn lái xe bị ảnh hưởng.

Bức xúc sau khi xảy ra tai nạn mà không được công ty bảo hiểm bồi thường thiệt hại vật chất với lý do không thuyết phục, nhiều chủ xe đã quyết định khởi kiện bảo hiểm. Mới đây, một tài xế khác cũng kiện Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không Bến Thành (VNI) ra tòa do từ chối bồi thường cho tài xế có nồng độ cồn sinh học trong máu là 1,1 mg/dl. Mặc dù chủ xe đã có xác minh của bệnh viện, xác nhận của công an và đối chiếu mức nồng độ của người bình thường theo Nghị định 03/2021.

Nồng độ cồn trong máu của tài xế vượt quá 10,9 mmol/L (tương đương 50,23 mg/dl hoặc 0,5023 mg/ml), cơ quan bảo hiểm sẽ có đầy đủ cơ sở để từ chối bồi thường. Để giảm thiểu tình trạng tài xế sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích khi tham gia giao thông, Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. 

Luật sư Trần Minh Cường - Giám đốc Công ty Luật TMC Lawyers, cho biết: "Nghị định 03/2021 không có quy định cụ thể tài xế có nồng độ cồn bao nhiêu hoặc nồng độ cồn xuất phát từ nguyên nhân nào sẽ bị từ chối bồi thường bảo hiểm. Đây là vướng mắc cần có hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan chức năng".

Theo Danh mục quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh ban hành kèm theo Quyết định số 320 của Bộ Y tế, định lượng nồng độ cồn trong máu có trị số bình thường là ít hơn 10,9 mmol/L. Quy đổi theo quy định về đo nồng độ cồn (etanol) trong máu tại Quyết định 933 của Bộ Y áp dụng trong các bệnh viện tương ứng 50,23 mg/dL, 0.5023 mg/mL.

Trị số bình thường này cũng được ghi nhận trong phiếu trả lời kết quả xét nghiệm mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 26/2014 của Bộ Công an và Bộ Y tế quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Nguyên nhân trong cơ thể một người bình thường dù không uống rượu bia đều có nồng độ cồn trong máu ở mức dưới ngưỡng này được nhiều bác sĩ, chuyên gia khẳng định là do ăn uống, sinh hoạt và các chất tự nhiên trong máu. Do đó, nếu tài xế có chỉ số nồng độ cồn dưới ngưỡng trị số bình thường, cơ quan bảo hiểm khi từ chối bồi thường phải chứng minh được việc tài xế có nồng độ cồn là do uống rượu, bia, đồ uống có cồn và không phải do các nguyên nhân tự nhiên.

Đối với trường hợp tài xế có nồng độ cồn trong máu tự nhiên với ngưỡng trị số bình thường, khách hàng cần căn cứ vào quy định tại Khoản 3 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của mình khi công ty bảo hiểm từ chối bồi thường thiệt hại. Cụ thể, tại điểm a khoản này, quy định không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp "Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý".

Trước quy định này, nhiều công ty bảo hiểm chẳng hạn như VNI Bến Thành vẫn dựa vào quy định vi phạm nồng độ cồn để từ chối bồi thường bảo hiểm, bất chấp chỉ số nồng độ cồn đã được cơ quan y tế xác định là cồn tự nhiên trong cơ thể.

Khảo sát cho thấy, rất nhiều tài xế và chủ xe đã "thua" khi yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường. Lý do thường là quy định Nghị định chưa hướng dẫn cụ thể, dựa vào đó công ty bảo hiểm từ đó đưa ra các quy tắc riêng trong hợp đồng bảo hiểm nhưng khách hàng không đọc kỹ, từ đó chưa nắm đường "đường đi" trong quy trình thủ tục đòi bồi thường. Do đó, khi ra toà, thiệt thòi vẫn thuộc về phía lái xe.

Thiết nghĩ, tới đây, các quy định liên quan đến nồng độ cồn của lái xe cần được hướng dẫn chi tiết để người dân nắm rõ cũng như biết cách phòng tránh và tự đảm bảo quyền lợi trong trường hợp cần thiết!

Hồng Mến
Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế GTGT
Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.

VPBank và Chợ Tốt Xe hợp tác triển khai gói vay mua xe 5 tốt, duyệt vay 5 phút
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và đối tác Chợ Tốt Xe vừa ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai gói vay “Mua xe 5 tốt, duyệt vay 5 phút” nhằm cung cấp dịch vụ tài chính thông minh cho khách hàng có nhu cầu mua xe từ mạng lưới trực tuyến của Chợ Tốt Xe.

Vietnam Airlines báo lãi hợp nhất kỷ lục
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2024 của Vietnam Airlines hơn 4.400 tỉ đồng, tăng đột biến so với mức lỗ của cùng kỳ năm ngoái.

Đề xuất quy định lãi suất tiền gửi
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

SHB cấp hạn mức thấu chi lên tới 300 triệu đồng hỗ trợ khách hàng mở rộng kinh doanh
Với hạn mức thấu chi hấp dẫn cùng nhiều ưu đãi thanh toán, gói giải pháp tài chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sẽ góp phần giúp các hộ kinh doanh tháo gỡ khó khăn và bổ sung nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Cùng VPBank ươm mầm thịnh vượng cho cộng đồng
VPBank sẽ trích ra số tiền lên tới 1,8 tỷ đồng từ mỗi sổ tiết kiệm mở mới hoặc giao dịch trên VPBank NEO (thỏa mãn điều kiện) để đóng góp vào Quỹ Tấm lòng Việt, cùng chương trình Cặp lá yêu thương nối dài ước mơ tới trường cho các em nhỏ vùng cao.

Bắc Ninh triển khai loạt giải pháp tạo đà tăng trưởng kinh tế
Kinh tế trong nước và thế giới dần hồi phục nhưng kinh tế tỉnh Bắc Ninh vẫn đang đối mặt với những thách thức không nhỏ.