Tài xế kiện Tổng Công ty bảo hiểm Hàng không ra toà
Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không Bến Thành (VNI) từ chối bồi thường cho tài xế có nồng độ cồn sinh học trong máu là 1,1 mg/dl. Mặc dù chủ xe đã có xác minh của bệnh viện, xác nhận của công an và đối chiếu mức nồng độ của người bình thường theo Nghị định 03/2021.
Bệnh viện xác minh nồng độ cồn bình thường, bảo hiểm vẫn từ chối
Ngày 6/2/2023, tài xế Trần Văn Bác đăng bài tố Công ty Bảo hiểm Hàng không VNI Bến Thành vì không bồi thường thoả đáng. Ngày 9/2/2023, trao đổi với PV Banduong.vn, ông Bác cho biết có đơn khiếu nại lên gặp Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Vũng Tàu để xác minh trả lời bằng văn bản, sau đó bổ sung hồ sơ gửi lên Tòa án nhân dân Quận 5, TPHCM để kiện Công ty Bảo hiểm Hàng không.
Được biết, vào lúc 11h20 ngày 3/2 vừa qua, ông Bác do thiếu quan sát đã lùi xe trúng vào gốc cây. Xe bị vỡ kính sau, móp cốp, móp cam, vỡ đèn hậu. Theo quy trình, tài xế đã lập tức báo với công ty bảo hiểm, đồng thời yêu cầu công an Phường 12 - TP. Vũng Tàu xuống hiện trường chụp ảnh và ghi nhận sự việc.
Công an Phường 12 đã đóng dấu trong đơn xin xác nhận, phía VNI Bến Thành từ chối yêu cầu 100% chi phí bồi thường cho xe của tài xế Bác. Lý do được VNI Bến Thành đưa ra: Căn cứ vào Kết quả xét nghiệm hoá sinh của Bệnh viện Vũng Tàu cho thấy ông Trần Văn Bác điều khiển xe ô tô trong tình trạng đã có sử dụng bia rượu với nồng độ cồn trong máu là 1,1 mg/dl (Văn bản dẫn Quy tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới số 187/2019 QĐ - BHHK ngày 27/3/2019 của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không).
Trong khi đó, ông Bác cho rằng đây là nồng độ cồn dưới mức bình thường theo quy định của Bộ Y tế và không chấp nhận quyết định của công ty bảo hiểm.
Bất cập nằm ở đâu khi tài xế được xác minh có nồng độ cồn bình thường, thấp hơn nhiều mức quy định mà công ty bảo hiểm vẫn có cách từ chối bồi thường?
Nồng độ cồn trong máu của tài xế vượt quá 10,9 mmol/L (tương đương 50,23 mg/dl hoặc 0,5023 mg/ml), cơ quan bảo hiểm sẽ có đầy đủ cơ sở để từ chối bồi thường. Để giảm thiểu tình trạng tài xế sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích khi tham gia giao thông, Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo đó, đơn vị bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường thiệt hại với tài xế lái xe khi trong hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy.
Nếu tài xế có chỉ số nồng độ cồn dưới ngưỡng trị số bình thường, cơ quan bảo hiểm khi từ chối bồi thường phải chứng minh được việc tài xế có nồng độ cồn là do uống rượu, bia, đồ uống có cồn và không phải do các nguyên nhân tự nhiên.
Luật sư Trần Minh Cường
Luật sư Trần Minh Cường - Giám đốc Công ty Luật TMC Lawyers, cho biết: "Nghị định 03/2021 không có quy định cụ thể tài xế có nồng độ cồn bao nhiêu hoặc nồng độ cồn xuất phát từ nguyên nhân nào sẽ bị từ chối bồi thường bảo hiểm. Đây là vướng mắc cần có hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan chức năng".
Theo Danh mục quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh ban hành kèm theo Quyết định số 320 của Bộ Y tế, định lượng nồng độ cồn trong máu có trị số bình thường là ít hơn 10,9 mmol/L. Quy đổi theo quy định về đo nồng độ cồn (etanol) trong máu tại Quyết định 933 của Bộ Y áp dụng trong các bệnh viện tương ứng 50,23 mg/dL, 0.5023 mg/mL.
Trị số bình thường này cũng được ghi nhận trong phiếu trả lời kết quả xét nghiệm mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 26/2014 của Bộ Công an và Bộ Y tế quy định về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Nguyên nhân trong cơ thể một người bình thường dù không uống rượu bia đều có nồng độ cồn trong máu ở mức dưới ngưỡng này được nhiều bác sỹ, chuyên gia khẳng định là do ăn uống, sinh hoạt và các chất tự nhiên trong máu.
Do đó, nếu tài xế có chỉ số nồng độ cồn vượt ngưỡng trị số bình thường, cơ quan bảo hiểm có đầy đủ cơ sở để từ chối bồi thường bảo hiểm theo quy định tại khoản khoản 5 Điều 13 Nghị định số 03/2021 của Chính phủ.
Hiện nay Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định những trường hợp tai nạn giao thông không liên quan đến chết người thì cơ quan công an sẽ không cung cấp hồ sơ vụ tai nạn. Do đó khi xảy ra tai nạn các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ yêu cầu lái xe đi xét nghiệm nồng độ cồn để hoàn tất thủ tục và rất nhiều người đã bị từ chối vì lý do có nồng độ cồn trong máu.
Dù tài xế không uống rượu bia, nhưng lượng cồn này sinh ra trong quá trình tiêu hoá, lên men thức ăn. Do đó, khuyến nghị lái xe nên xét nghiệm nhiều lần, tại nhiều bệnh viện khác nhau để có kết quả khách quan nhất, tránh bị loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Đây cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi và cần có văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước để không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người mua bảo hiểm.
Ông Lương Văn Ban đại diện Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt
Ngược lại, nếu tài xế có chỉ số nồng độ cồn dưới ngưỡng trị số bình thường, cơ quan bảo hiểm khi từ chối bồi thường phải chứng minh được việc tài xế có nồng độ cồn là do uống rượu, bia, đồ uống có cồn và không phải do các nguyên nhân tự nhiên.
Đối với trường hợp tài xế có nồng độ cồn trong máu tự nhiên với ngưỡng trị số bình thường, khách hàng cần căn cứ vào quy định tại Khoản 3 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của mình khi công ty bảo hiểm từ chối bồi thường thiệt hại. Cụ thể, tại điểm a khoản này, quy định không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp "Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý".
Trước quy định này, nhiều công ty bảo hiểm chẳng hạn như VNI Bến Thành vẫn dựa vào quy định vi phạm nồng độ cồn để từ chối bồi thường bảo hiểm, bất chấp chỉ số nồng độ cồn đã được cơ quan y tế xác định là cồn tự nhiên trong cơ thể.
Khảo sát của PV Banduong.vn, rất nhiều tài xế và chủ xe đã "thua" khi yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường. Lý do thường là quy định Nghị định chưa hướng dẫn cụ thể, dựa vào đó công ty bảo hiểm từ đó đưa ra các quy tắc riêng trong hợp đồng bảo hiểm nhưng khách hàng không đọc kỹ, từ đó chưa nắm đường "đường đi" trong quy trình thủ tục đòi bồi thường. Do đó, khi ra toà, thiệt thòi vẫn thuộc về phía lái xe.
Thiết nghĩ, tới đây, các quy định liên quan đến nồng độ cồn của lái xe cần được hướng dẫn chi tiết để người dân nắm rõ cũng như biết cách phòng tránh và tự đảm bảo quyền lợi trong trường hợp cần thiết!
Công ty bảo hiểm VNI thiếu chuyên nghiệp, vướng nhiều tố tụng từ khách hàng
Đó là phần quy định, còn về phía doanh nghiệp cũng cần xem xét lại. Tuy là một công ty bảo hiểm lớn nhưng VNI vẫn nổi tiếng vì việc chậm trễ trả tiền bảo hiểm và dính đến nhiều vụ kiện tụng. Điển hình là vụ tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm hàng hoá vận chuyển của VNI và Công ty cổ phần Sông Đà - Trường Sơn về tổn thất lô hàng bột đá siêu mịn TSS-65 chở trên tàu Tuấn Hưng 268 bị chìm ngày 11/12/2018.
Theo Báo cáo điều tra tai nạn của Cảng vụ Quảng Trị thì tàu Tuấn Hưng 2680 vào lánh nạn tại đảo Cồn Cỏ; 1h30 ngày 11/12/2019 khi cách đảo Cồn Cỏ khoảng 0,5 hải lý (926 mét) thì thả neo, hơn 6 giờ sau tức 9h ngày 11/12 tàu bị chìm do trước đó nước theo vết nứt vào trong khoang hàng làm nghiêng tàu.
Trong đơn khởi kiện, Công ty Cổ phần Sông Đà Trường Sơn yêu cầu Tòa án nhân dân TP. Vinh buộc Công ty Bảo hiểm Hàng không Nghệ An VNI phải thanh toán tiền bồi thường bảo hiểm và tiền lãi suất quá 15 ngày kể từ ngày có hồ sơ do Công ty Bảo hiểm Hàng không Nghệ An VNI chậm trả tiền bồi thường bảo hiểm. Ngày 28/12/2021, Tòa án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” mà Công ty cổ phần Sông Đà - Trường Sơn là nguyên đơn và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không (VNI) là bị đơn. Theo đó, tòa sơ thẩm vẫn buộc VNI bồi thường theo số tiền bảo hiểm và tính lãi chậm trả.
Kiện "chán chê", người phải "xuống nước" trước vẫn là VNI khi công ty này phải chấp thuận bồi thường bảo hiểm cho NISHU Nam Hà. Vào ngày 17/7/2012, Công ty CP Bảo hiểm hàng không (VNI) và Công ty CP NISHU Nam Hà đồng ký tên, đóng dấu trong một thông cáo báo chí gửi tới giới truyền thông cho biết hai bên đã “tìm được tiếng nói chung”.
Những lần "có chuyện" của VNI còn phải kể đến vụ việc đầu năm 2011, VNI đã bị khách hàng "quây" văn phòng bảo hiểm tại Quảng Bình do bức xúc với cách giải quyết đối với chiếc xe bị hư hỏng đã được mua bảo hiểm toàn bộ. Sau khi vụ việc được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, VNI mới tiến hành giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho khách hàng.
Sau đó, VNI lại bị phát hiện có nhiều sai phạm nghiêm trọng về tài chính và có nhiều bất cập trong công tác điều hành. Bộ Tài chính đã từng có văn bản yêu cầu VNI xem xét, thanh tra các tố cáo của nhiều cán bộ VNI. Mặt khác, một số khách hàng sử dụng dịch vụ của VNI cũng chia sẻ những cảm nhận không tốt về doanh nghiệp này.
Mạnh đầu tư trái ngành, tài chính nhiều dấu hỏi
Tổng Công ty Cổ phần Bảo Hiểm Hàng Không (gọi tắt là VNI) được thành lập theo quyết định số 49 GP/KDBH, ngày 23/04/2008 của Bộ Tài chính. Với cổ đông sáng lập đầu tiên là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty. Đến tháng 9/2016, Tổng công ty bao gồm Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), đơn vị sáng lập VNI cùng 4 cổ đông khác là Lilama, Vinacomin, Geleximco, CTCP Nam Việt đã chính thức rút vốn hoàn toàn khỏi công ty.
Khởi điểm VNI có vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng, hiện tăng lên 1.000 tỷ đồng. Theo lời giới thiệu trên website, VNI là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm có số vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường bảo hiểm Việt Nam với hơn 100 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Trải qua 14 năm hình thành và phát triển, VNI liên tục tăng cường hợp tác với nhiều đối tác: Ngân hàng, trạm đăng kiểm, showroom–garage ôtô, bệnh viện bảo lãnh, công ty giám định…trên khắp cả nước. Ngoài ra để mở rộng năng lực bảo hiểm và đảm bảo an toàn tài chính, VNI đã hợp tác với nhiều nhà môi giới tái bảo hiểm hàng đầu thế giới như Munich Re, CCR Re,... thu xếp tái bảo hiểm nhanh chóng và kịp thời.
Cũng trong báo cáo tài chính, VNI có những điểm rất thú vị về các hướng đầu tư. Trong vòng 5 năm, từ năm 2017 đến 2021 lợi nhuận sau thuế của VNI lần lượt là 16 tỷ đồng; 5,5 tỷ đồng; gần 8,5 tỷ đồng; gần 10,5 tỷ đồng; gần 17,3 tỷ đồng. Theo đó cập nhật đến báo cáo tài chính quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế của VNI là hơn 20 tỷ đồng.
Lợi nhuận không cao nhưng khoản dự phòng phải thu quá hạn của VNI ngày càng tăng. Trong đó, riêng khoản "phải thu quá hạn phải thu của công ty Sông Đà Thăng Long" là các khoản phải thu quá hạn thanh toán, khó có khả năng thu hồi. Được biết, phải thu khác của khách hàng là 477 tỷ đồng, chủ yếu thu về trái phiếu và cổ phiếu, riêng khoản phải thu 38 tỷ đồng của công ty Sông Đà Thăng Long, VNI trích lập phải thu dự phòng 100% cho khoản này.
Bên cạnh đó, dòng tiền trong báo cáo tài chính quý I/2022 của VNI có nhiều điểm bất thường. Chi phí quản lý doanh nghiệp quá cao lên tới hơn 53 tỷ, chiếm 1/10 tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm (hơn 500 tỷ đồng). So với cùng kỳ năm 2021, chi phí quản lý doanh nghiệp của VNI cũng cao không kém khi lên tới 54 tỷ đồng. Luỹ kế năm 2022, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới hơn 253 tỷ đổng.
Tổng cả năm 2022, chi phí khác kinh doanh bảo hiểm lên tới gần 1.359 tỷ đồng, chi phí hoa hồng bảo hiểm chỉ hơn 170,5 tỷ đồng. Chi bồi thường cho khách hàng năm 2022 là 1.045 tỷ đồng, thấp hơn chi phí kinh doanh hay thấp hơn chi phí khác. Không biết VNI đã đem dòng tiền lớn như vậy đầu tư vào đâu trong khi chỉ để dành một khoản nhỏ cho lĩnh vực kinh doanh chính?
Ngoài ra, là một công ty bảo hiểm hàng không nhưng VNI dành rất nhiều tiền vào các khoản đầu tư tài chính. Đáng chú ý, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của VNI là gần 637,4 tỷ đồng; trong đó đầu tư chứng khoán hết gần 243,9 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn là 1.199 tỷ đồng trong đó đầu tư mua cổ phiếu dài hạn khác lên tới 1.137 tỷ đồng. Như vậy, tổng các khoản đầu tư vào chứng khoán, cổ phiếu của VNI lên tới 1380,9 tỷ đồng. Đây là một khoản không hề nhỏ đối với một công ty bảo hiểm có mức lợi nhuận chỉ vài tỷ đồng.
Năm 2022, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của VNI là gần 588 tỷ đồng; trong đó đầu tư chứng khoán hết gần 116 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn là gần 675 tỷ đồng trong đó đầu tư mua cổ phiếu dài hạn khác lên tới gần 638 tỷ đồng. Như vậy, tổng các khoản đầu tư vào chứng khoán, cổ phiếu của VNI lên tới 754 tỷ đồng.
Luỹ kế năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm hàng không của VNI là gần 4,6 tỷ đồng, phần bảo hiểm xe cơ giới vẫn cao nhất lên tới hơn 1.754 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu phí bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người đứng thứ hai sau bảo hiểm cơ giới lên đến hơn 659,5 tỷ đồng.
Quay lại báo cáo tài chính năm 2021, Bên cạnh các khoản đầu tư chứng khoán quá lớn, dòng tiền lưu chuyển giữa VNI và các công ty liên kết, các công ty của cổ đông lớn đều có dấu hiệu lạ. Đặc biệt, trên báo cáo tài chính cho năm kết thúc 2021, VNI dành 310,6 tỷ đồng cho các khoản phải thu ngắn hạn khác trong đó 300 tỷ đồng là khoản phải thu của công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Hồng Việt.
Trong phần thuyết minh, VNI cho biết đã đưa công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hồng Việt một số tiền đặt cọc để thay mặt công ty tìm kiếm trụ sở làm văn phòng, 300 tỷ đồng này là chi phí cơ hội theo thoả thuận trong trường hợp hai bên chấm dứt hợp tác khi chưa hết thời gian hiệu lực hoặc hết thời gian hiệu lực nhưng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hồng Việt chưa tìm được mặt bằng. Nhưng lạ thay, khoản tiền đặt cọc để kiếm trụ sở của VNI đã đưa cho đối tác kéo dài suốt ba năm (từ năm 2019).
VNI bị phạt vì chây ì, đầu tư trái ngành. Năm 2020, UBCK ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI), với mức phạt hơn 400 triệu đồng. Trong đó, Bảo hiểm Hàng không bị phạt 350 triệu đồng vì không đăng ký giao dịch chứng khoán.
Trong đó, khoản phạt lớn nhất là 350 triệu đồng do VNI không đăng ký giao dịch chứng khoán. Cụ thể, VNI đăng ký hồ sơ công ty đại chúng với UBCKNN năm 2008. Năm 2017, công ty thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến khi bị phạt, công ty chưa thực hiện việc đăng ký giao dịch chứng khoán theo quy định.
Bên cạnh đó, UBCKNN cũng quyết định phạt VNI 20 triệu đồng do báo cáo giao dịch không chính xác. Theo đó, ngày 05/9/2019, công ty đã thực hiện mua 89.400 cổ phiếu của CTCP Điện tử Biên Hòa (mã BEL) và bán 1.300 cổ phiếu BEL, nâng số lượng cổ phiếu sở hữu từ 225.500 cổ phiếu lên 313.600 cổ phiếu BEL, trở thành cổ đông lớn của CTCP Điện tử Biên Hòa.
Đến ngày 13/9/2019, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) nhận được báo cáo của công ty, theo đó công ty báo cáo số lượng cổ phiếu trước nắm giữ trước khi thực hiện giao dịch là 224.200 cổ phiếu và đã mua 89.400 cổ phiếu vào ngày 05/9/2019 dẫn đến khối lượng cổ phiếu nắm giữ sau giao dịch là 313.600 cổ phiếu BEL. Ngày 11/11/2019, công ty mua 8.400 cổ phần BEL, dẫn đến khối lượng (tỷ lệ) sở hữu sau giao dịch tăng từ 716.000 cổ phiếu (11,93%) lên 724.400 cổ phiếu (12,07%); ngày 14/11/2019, HNX nhận được báo cáo thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ đông lớn của công ty. Trong đó, công ty báo cáo khối lượng nắm giữ trước và sau giao dịch lần lượt là 712.300 cổ phiếu BEL và 720.700 cổ phiếu BEL.
Ngoài ra, VNI còn bị phạt 35 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu. Cụ thể, từ ngày 06/9/2019 đến ngày 09/9/2019, công ty đã mua 97.200 cổ phiếu BEL dẫn đến thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau giao dịch vượt ngưỡng 1% khối lượng cổ phiếu lưu hành của BEL (tăng từ ngưỡng 5% lên ngưỡng 7%) nhưng đến ngày 01/10/2019, HNX mới nhận được báo cáo thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu của công ty. Ngày 02/10/2019, công ty tiếp tục mua 17.000 cổ phiếu BEL, dẫn đến thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau giao dịch vượt ngưỡng 1% khối lượng cồ phiếu lưu hành của BEL (tăng từ ngưỡng 10% lên ngưỡng 11%) nhưng ngày 28/10/2019, HNX mới nhận được báo cáo thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu của công ty.