Chuẩn bị đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Bộ GTVT vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị bố trí vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Dự án có thể khởi công trong năm 2025.
Trước đó, tại Thông báo số 57 ngày 19/2/2024 của Văn phòng Chính phủ đã có nội dung chỉ đạo: "Trước mắt cần tập trung đầu tư tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025".
Cần thiết và cấp bách
Theo Bộ GTVT, việc chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt này cần thiết và cấp bách. Căn cứ theo các quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị định 163/2016, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết triển khai dự án, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép bố trí 4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 để kịp thời triển khai ngay các thủ tục nghiên cứu cho phép đầu tư dự án.
Trong Kết luận số 49 ngày 28/3/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Trung ương Đảng về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có định hướng: "Đến năm 2030: phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội-Hải Phòng, Biên Hoà-Vũng Tàu...), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Lạng Sơn...).
Trong Kết luận số 72 ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có định hướng: "Ưu tiên nguồn lực đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…".
Như Banduong.vn đã đưa tin, trước đó, Bộ GTVT đã có quyết định giao Ban Quản lý dự án Đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.
Theo đó, căn cứ Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối từ Lào Cai đến ga Nam Hải Phòng, dài khoảng 380km, kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Lạch Huyện và Nam Đồ Sơn. Đây là tuyến đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa; lộ trình đầu tư đến năm 2030 và sau năm 2030.
Trên toàn tuyến có 27 ga nhường tránh tàu; 5 ga trung gian có tác nghiệp hành khách và hàng hóa tập trung tại các trung tâm tỉnh, thành phố gồm: Yên Bái, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Lạc Đạo, Hải Dương. Ga cảng phục vụ xếp dỡ cho các cảng bao gồm 4 ga: cảng Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ.
Kết nối đường sắt liên vận quốc tế
Theo Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12-13/12/2023, hai bên nhất trì thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt "Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng".
Mới đây nhất, theo nguồn tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Vietnamnet, sáng 27/6, tại Bắc Kinh, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị WEF Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh. Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, trước mắt hai bên tập trung thúc đẩy hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng).
Hai bên nhất trí về ý nghĩa quan trọng của 3 tuyến đường sắt nói trên, giúp Việt Nam kết nối với Trung Á, châu Âu qua Trung Quốc và giúp Trung Quốc kết nối với ASEAN qua Việt Nam, trong đó tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sẽ có đường ra biển gần hơn khi đi qua Việt Nam.
Ông Phạm Minh Chính đánh giá các tuyến đường sắt này sẽ góp phần giúp hai nước Việt Nam – Trung Quốc “núi liền núi, sông liền sông” giảm chi phí logistics, giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc tập trung hỗ trợ Việt Nam trong 3 nội dung chính trong lĩnh vực đường sắt gồm: nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; nguồn vốn ưu đãi; đào tạo nhân lực. Hai bên cùng rút kinh nghiệm từ các dự án trước đây, điều chỉnh cách làm, đổi mới tư duy, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để làm tốt hơn, hiệu quả hơn trong các kế hoạch, dự án sắp tới, không để dàn trải, kéo dài, đội vốn, chống tiêu cực, tham nhũng.
Hai bên nhất trí cao đối với việc kết nối kinh tế, giao thông giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, trong đó lĩnh vực đường sắt là một ưu tiên, nhất là sớm thúc đẩy triển khai 3 dự án đường sắt mà Thủ tướng Việt Nam đã đề cập. Các bộ ngành, địa phương, cơ quan giữa hai nước, nhất là hai cơ quan quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai các dự án theo định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo hai nước.