Chưa có phương án đầu tư Tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái
Theo Bộ GTVT, tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, chiều dài khoảng 150 km được hoạch định tiến độ đầu tư sau năm 2030.
Mong muốn của Quảng Ninh
Triển khai Quy hoạch mạng lưới đường sắt, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, điểm cuối tại TP. Hạ Long, không có đoạn tuyến Hạ Long – Móng Cái.
Như Banduong.vn đã đưa tin, trước thực tế đó, vào cuối năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Bộ GTVT về việc lập quy hoạch bổ sung tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái.
Tại công văn này, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam lập Quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái hoặc bổ sung đoạn Hạ Long - Móng Cái vào Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do Cục Đường sắt Việt Nam đang triển khai làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến đầu tư cũng như để quản lý quỹ đất theo quy hoạch tuyến được phê duyệt và đầu tư sớm nhất có thể.
UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, phía Trung Quốc đã đầu tư tuyến đường sắt từ TP. Phòng Thành đến TP. Đông Hưng thuộc Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây. Tuyến đường sắt cảng Phòng Thành đến TP. Đông Hưng sắp hoàn thành xây dựng sẽ kết nối với mạng lưới đường sắt của Trung Quốc.
Do vậy, theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, việc sớm triển khai tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hoá và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.
Lộ trình được hoạch định sau năm 2030
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch 3 tuyến đường sắt.
Tuyến thứ nhất là Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có chiều dài 129 km, khổ đường 1.000 mm và 1.435 mm, lộ trình đầu tư đến trước năm 2030.
Tuyến thứ hai là Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài dự kiến là 101 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Tuyến thứ ba là Hạ Long - Móng Cái có chiều dài dự kiến là 150 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Đường sắt Việt Nam hiện có khổ rộng 1m lạc hậu, không đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập quốc tế. Ảnh minh họa
Được biết, Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do liên danh tư vấn Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải (TRICC-JSC) và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lập.
Tư vấn đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khổ tiêu chuẩn 1.435mm tiên tiến, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu vận tải thời kỳ 2030, tầm nhìn đến 2050; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương dọc hành lang tuyến.
Cụ thể, tổng chiều dài toàn tuyến hơn 441km, vận tốc thiết kế tối đa 160km/h. Hướng tuyến đi qua các tỉnh/thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Toàn tuyến từ Lào Cai đến Quảng Ninh có 41 ga. Trong đó, 5 ga lập tàu gồm: Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân. Ga Lào Cai còn đảm nhận là ga giao tiếp liên vận quốc tế, ga Hạ Long chỉ lập tàu khách, ga Cái Lân và ga Yên Thường chỉ lập tàu hàng.
Cũng theo tư vấn đề xuất, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bao gồm toàn bộ tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và một đoạn tuyến từ Hải Phòng đến Hạ Long của tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hồi âm công văn nói trên, Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc đề nghị lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái.
Theo Bộ GTVT, vào tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, chiều dài khoảng 150 km được hoạch định tiến độ đầu tư sau năm 2030.
Về nghiên cứu lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, Bộ GTVT cho biết là trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đang nghiên cứu xem xét cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng.
Bộ GTVT đề nghị, khi được phía Trung Quốc triển khai, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt Việt Nam và tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phía Trung Quốc trong quá trình thực hiện.