Chuyên mục


Cao tốc "đói" làn dừng khẩn cấp

31/07/2023 10:56 (GMT +7)

Do nhu cầu vận tải trên tuyến trong giai đoạn đầu chưa cao, nguồn vốn còn hạn hẹp nên thời gian qua, một loạt tuyến cao tốc chỉ được đầu tư xây dựng 2 làn xe và không có làn dừng khẩn cấp.

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) về một số tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh, hiện nay tại một số tuyến cao tốc không có giải phân cách và không có làn dừng xe khẩn cấp, do đó rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Vì vậy, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề xuất đầu tư tất cả cao tốc 02 làn xe chạy và 01 làn khẩn cấp, đồng thời nâng giới hạn tốc độ lên 120km/h để tiết kiệm thời gian lưu thông cho người dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc

Trước kiến nghị của đại biểu, Bộ GTVT cho biết, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết: Theo kinh nghiệm thế giới, sự phát triển nền kinh tế của một quốc gia gắn liền với việc sớm đầu tư, hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc vì đường bộ cao tốc là loại đường có năng lực thông hành lớn, mức độ an toàn và tính linh hoạt cao.

Tuy nhiên, nguồn vốn luôn là thách thức đối với nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong các giai đoạn vừa qua, mức vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng chỉ đạt khoảng 2,18% GDP thấp hơn nhiều so với mức 3,5 - 4,5% GDP đặt ra trong Chiến lược phát triển giao thông vận tải. Vì vậy, việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch đầu tư là rất quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Đến năm 2020 (sau 16 năm kể từ khi tuyến cao tốc đầu tiên được đầu tư), cả nước có 1.163km đường bộ cao tốc, tốc độ xây dựng đường cao tốc giai đoạn trước khá chậm, khoảng 80km/năm. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 xác định mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc”, tương ứng tốc độ xây dựng đường cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 380km/năm, gấp hơn 04 lần so với giai đoạn trước. Như vậy, áp lực đầu tư đường cao tốc là rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng nêu rõ, về quy hoạch: thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên quan điểm hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics.

Vì vậy, các tuyến đường bộ cao tốc được hoạch định với quy mô đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai, bảo đảm tầm nhìn dài hạn; trong quá trình triển khai, tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng nguồn lực đầu tư, quyết định việc phân kỳ đầu tư đảm bảo hiệu quả dự án.

Về đầu tư: Để đảm bảo tính kết nối liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị,…đảm bảo thông tuyến (như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông,…), tạo động lực, dự địa, không gian phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu vận tải thời gian đầu khai thác chưa cao, mức độ sở hữu phương tiện cá nhân còn thấp; Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm phát triển của thế giới để xem xét phân kỳ đầu tư bề rộng mặt cắt ngang phù hợp với nguồn lực đầu tư và nhu cầu vận tải và sẽ xem xét mở rộng mặt cắt ngang khi nhu cầu vận tải tăng lên trong tương lai.

Một số đoạn tuyến cao tốc có nhu cầu vận tải lớn đã được xem xét đầu tư tối thiểu 04 làn xe hoàn chỉnh, có dải dừng xe khẩn cấp liên tục như đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu,… Việc phân kỳ đầu tư phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô cao tốc TCVN 5729:2012 và định hướng quy hoạch.

Bộ GTVT chỉ xem xét phân kỳ về bề rộng mặt cắt ngang, các yếu tố hình học (bình đồ, trắc dọc,...) đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc, giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch để thuận lợi, tiết kiệm chi phí đầu tư cho việc mở rộng sau này, phù hợp định hướng quy hoạch của tuyến đường.

Ngoài ra, các tuyến đường được phân kỳ đầu tư khi đưa vào khai thác chỉ dành cho xe cơ giới, không giao nhau cùng mức đường khác, được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn. Việc quản lý, vận hành đường bộ cao tốc thông qua hệ thống giao thông thông minh sẽ kịp thời phát hiện ngay khi xảy ra sự cố về giao thông và điều tiết các phương tiện tiếp cận ngay hiện trường để xử lý, điều tiết giao thông và di dời phương tiện bị sự cố ra khỏi làn cao tốc nên hạn chế được tình trạng ùn tắc kéo dài.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc đầu tư phân kỳ là giải pháp chấp nhận được trong điều kiện nhu cầu vận tải trên tuyến trong giai đoạn đầu chưa cao, nguồn vốn còn hạn hẹp. Bộ Giao thông vận tải ghi nhận ý kiến của Đại biểu, trong thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất mở rộng các tuyến cao tốc đã được phân kỳ cho phù hợp nhu cầu thực tế phát triển kinh tế xã hội, từng bước hoàn thành mạng lưới đường bộ cao tốc theo quy hoạch.

Theo Quochoi.vn
Chủ đầu tư xây cao tốc vướng khi khai thác mỏ cát
Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) và khai thác mỏ cát theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công gói thầu XL02 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng.

Quảng Ngãi giải ngân vốn đầu tư công thấp
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ngãi giải ngân hơn 1.500 tỷ đồng, đạt hơn 22% kế hoạch được giao.

Vietjet mua 20 tàu bay thân rộng thế hệ mới A330neo
Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus vừa ký hợp đồng đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) với tổng trị giá 7,4 tỷ USD.

6 giải pháp ứng phó với cước vận tải biển leo thang
Trước tình trạng giá cước vận tải biển tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa có công văn gửi các Hiệp hội đề xuất 6 giải pháp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh hiện nay.

Tháo gỡ khó khăn thiếu tàu bay cho các hãng hàng không
Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam giảm khoảng 40 - 45 chiếc so năm 2023 do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất và việc tái cơ cấu của Bamboo Airways, Pacific Airlines. Trong khi, hàng không nội địa khó tìm được tàu bay thuê do giá thuê tăng cao.

Các đơn vị điện lực, viễn thông sẽ phải trả phí thuê hạ tầng đường bộ
Luật Đường bộ mới được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định thu phí từ khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông và công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

Nâng cao năng lực cảng biển Việt Nam
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 5030/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc khai thác các cảng biển Việt Nam.