Cảng Chân Mây lần đầu tiên đón tàu container quốc tế
Chiều 9/9, Tàu Deltic Dolphin của hãng tàu Voyager Logistics SDN BHD (Malaysia) xếp dỡ và vận chuyển 120 SOC container hàng hóa tuyến Sibu (Malaysia) - Chân Mây (Việt Nam) - Pontianak (Indonesia) đã cập cảng Chân Mây (xã Lộc Vĩnh - huyện Phú Lộc - Thừa Thiên Huế).
Ông Huỳnh Văn Toàn – Tổng Giám đốc cảng Chân Mây cho biết, đây là lần đầu tiên cảng đón tàu container quốc tế cập cảng, chính thức triển khai hoạt động khai thác tàu container, mở ra bước mở đầu quan trọng trong việc khai thác chức năng làm hàng container tại khu bến Chân Mây thuộc cảng biển Thừa Thiên - Huế theo Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chân Mây là cảng biển tổng hợp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thuộc xã Lộc Vĩnh - huyện Phú Lộc - tỉnh Thừa Thiên Huế, phục vụ cho phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Cảng là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với Hành lang kinh tế Đông–Tây, kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar.
"Cảng Chân Mây hiện đang khai thác 2 bến tàu, với tổng chiều dài 760m, đảm bảo an toàn với độ sâu từ -9,4m đến -12,5m, trong đó, bến số 1 là 480m, bến số 2 là 280m. Cảng có khả năng đón tài trọng tải 30.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn; bến chuyên dùng cho tàu 20.000 DWT để bốc dỡ các cấu kiện siêu trường, siêu trọng, đặc biệt là bốc dỡ hàng rời như than cám, cát silic, titan, clinker,… với năng suất cao, có thể đạt 10 nghìn tấn/ngày", lãnh đão cảng cho biết.
Ông Lê Văn Tuệ - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua Nghị quyết “Quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây”, áp dụng thí điểm từ tháng 10/2022 đến cuối năm 2023.
Theo đó, từ đây đến hết năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế dành ngân sách trên 18 tỷ đồng/năm để hỗ trợ các hãng tàu biển. Cụ thể các hãng vận chuyển container tại cảng với tần suất tối thiểu 2 chuyến/tháng được hỗ trợ 210 triệu đồng/ chuyến. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu hàng hóa container đi và đến cảng được hỗ trợ từ 800 nghìn đến 1,1 triệu đồng/container. Dự kiến, tổng nguồn chi ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ này khoảng hơn 18,3 tỷ đồng/năm.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cảng với quyết tâm cao nhất góp phần đưa cảng Chân Mây phát triển, xứng tầm là cảng biển quốc tế với quy mô, dịch vụ hiện đại, là điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn cho các hãng tàu, du khách.
Với định hướng đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành kế hoạch phát triển dịch vụ logistics; xây dựng các trung tâm logistics tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tạo ra tính liên kết vùng, tạo đột phá trong phát triển kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh, tạo việc làm cho lao động địa phương và tạo môi trường thu hút đầu tư, phát triển các dịch vụ khác.