"Cãi bở hơi" để không phải trả phí soi container ở Công ty Cảng Đình Vũ
Dù đã có quy định cụ thể nhưng cảng Tân Vũ, cảng Đình Vũ vẫn còn hiện tượng thu phí XNK đối với các lô hàng ở danh sách soi chiếu trong quá trình xếp dỡ. Ước phí phát sinh từ việc soi 2% container đem về cho CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã DVP) lên tới hàng tỷ đồng/tháng.
Theo quy định pháp luật, không thu bất cứ khoản phí phát sinh khi kiểm tra hàng hoá
Theo Điều 17 Thông tư 81/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan thì việc lựa chọn soi chiếu hàng hóa XNK được dựa trên mức độ tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro cao (hạng) của người khai hải quan, lịch sử vi phạm liên quan, mục tiêu, yêu cầu quản lý hải quan trong từng thời kỳ...
Ngày 24/11/2020, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 3272/QĐ-TCHQ về việc ban hành Quy định kiểm tra hàng hóa XNK bằng máy soi container. Trường hợp sau khi soi chiếu, cơ quan Hải quan phát hiện container có biểu hiện nghi vấn thì sẽ thực hiện kiểm tra thực tế làm rõ dấu hiệu nghi vấn đó.
Tổng cục Hải quan cho biết thêm, theo quy định tại Điều 18 Luật Hải quan 2014, người khai hải quan là chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải có nghĩa vụ thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan Hải quan, công chức Hải quan trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải; bố trí người, phương tiện thực hiện các công việc liên quan để công chức Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.
Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, để thực hiện quy trình trên, cơ quan Hải quan không thu bất kỳ khoản chi phí phát sinh nào trong quá trình kiểm tra hàng hóa của doanh nghiệp. Người khai hải quan có trách nhiệm xuất trình container để cơ quan Hải quan kiểm tra theo quy định. Danh sách container được cơ quan Hải quan yêu cầu soi chiếu được đăng tải công khai tại website của Tổng cục Hải quan.
Việc kiểm tra hàng hóa bằng máy soi trong quá trình xếp dỡ đã phát huy hiệu quả vừa tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, rút ngắn thời gian thông quan vừa đảm bảo công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu.
Cục Hải quan Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị bố trí lực lượng 24/7 để sẵn sàng phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng thực hiện kiểm tra hàng hóa bằng máy soi ngay trong quá trình xếp dỡ từ phương tiện vận tải xuất nhập cảnh xuống kho, bãi cảng nhằm hạn chế việc phát sinh các chi phí vận chuyển, nâng hạ của doanh nghiệp kinh doanh cảng. Đồng thời, Cục đề nghị các đơn vị này không thu các khoản phí của doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu đối với các trường hợp soi chiếu trong quá trình xếp dỡ để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay.
Đáng chú ý, ngày 16/6/2023, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường và Đoàn công tác của Tổng cục Hải quan đã làm việc với Cục Hải quan Hải Phòng và các doanh nghiệp kinh doanh cảng trên địa bàn để đánh giá tình hình, đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng máy soi container với mục tiêu tiếp tục đồng hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan.
Tại buổi làm việc, nhận thức được lợi ích của soi chiếu trong quá trình xếp dỡ, lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh cảng như Tổng giám đốc Công ty CP cảng Hải Phòng Nguyễn Tường Anh (đơn vị quản lý cảng Tân Vũ) cam kết với Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường, doanh nghiệp kinh doanh cảng không thu phí vận chuyển số lượng container soi chiếu trong quá trình xếp dỡ với tỷ lệ 2%/tổng container nhập khẩu tại cảng đặt máy soi di động.
Sau buổi làm việc trên, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh cảng trên địa bàn Hải Phòng không thu phí liên quan đến soi chiếu trong quá trình xếp dỡ đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, như cảng VIP Green Port, cảng Nam Đình Vũ, cảng Container quốc tế Tân Cảng - Hải Phòng (TC-HICT)…
Vì sao doanh nghiệp nhập nhoằng chỗ 2% container?
Thế nhưng, trao đổi với PV Banduong.vn hôm đầu tháng 10, anh Phan Q H. cho biết: "Phải cãi bở hơi tai mới không phải nộp phí. Cảng họ bắt đi xuống giám sát, xin công văn hải quan kiểm hoá gửi cho hải quan giám sát. Rồi in ra đưa cho họ mới chiu. Rõ ràng cảng không kéo container mà đòi thu tiền. Cảng Đình Vũ là thu nhiều nhất, cứ soi là thu. Mà giờ kêu trả lại kiểu gì, hoá đơn báo cáo thuế rồi?"
Anh H. là một trong số ít doanh nghiệp không phải nộp phí soi trong khoản 2%. Cách đây vài ngày, có thông tin chia sẻ trên nhóm facebook (có sự tham gia của hàng chục nghìn thành viên logistics): Những ai đã nộp phí soi trong mức 2% container thì liên hệ với cảng để được hoàn lại. Nhưng tiếc là, phản hồi của doanh nghiệp chủ yếu là bức xúc: "Cảng làm màu vì không có thông tin chính thức, cũng không đưa ra phương án cụ thể, chỉ là đánh tiếng để làm êm dư luận".
Thậm chí, nhiều tài khoản còn thông tin đang phải nộp tiền cho cảng khoản này ngay trong ngày hôm đó. Từ khi có máy soi, cảng đã thu tới hàng chục tỷ đồng/năm lượng hàng container thường xuyên như hiện nay. Phí soi có thể là một cái cớ để phía cảng thu khoảng nâng, hạ, kéo container...
Theo tìm hiểu, căn cứ E-manifest hãng tàu chuyển đến, cơ quan Hải quan sẽ lựa chọn một số lượng container nhập khẩu nhất định để thực hiện soi chiếu trong quá trình xếp dỡ. Dựa trên danh sách do cơ quan Hải quan gửi, cảng sẽ đưa danh sách này lên hệ thống của mình và khi tàu cập cảng sẽ xếp dỡ các container này trước để đưa đi soi chiếu. Sau khi soi chiếu xong sẽ đưa container về hạ xuống khu vực bãi cảng.
Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp họ không nắm được thông tin liệu có nằm trong danh sách 2% container soi ngẫu nhiêu hay không, hay ở khoản chịu phí. Thậm chí biết là cảng áp đặt phí vô lý nhưng vẫn phải chi tiền. Còn phía cảng, việc cam kết với Hải Quan bằng miệng là sẽ không thu tiền trong khoản 2% container thì cũng có thẻ hiểu được phần nguyên nhân: Doanh thu của khoản này hàng tháng không hề nhỏ!
Tính đến ngày 7/10, tại cảng Tân Vũ, cảng Đình Vũ vẫn còn hiện tượng thu phí của doanh nghiệp xuất nhập khẩu đối với các lô hàng trong danh sách soi chiếu trong quá trình xếp dỡ. Trả lời báo chí, lãnh đạo 2 cảng này cho biết có thể do doanh nghiệp nộp nhầm, hoặc không thấy doanh nghiệp xuất nhập khẩu phản ánh gì?
Nhưng thực tế thì khác. Dưới đây là hoá đơn mà theo khảo sát của doanh nghiệp là mức tối thiểu nhất. Có nhưng container hàng lạnh, doanh nghiệp phải nộp lúc 7 triệu đồng cho 2 container. Bằng mọi cách nhân viên gây khó dễ cho doanh nghiệp nếu chần chừ hoặc hỏi rõ khoản thu này.
Được biết, cảng Tân Vũ và cảng Đình Vũ đều thuộc hệ thống Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã DVP - HOSE). Thành phần cổ đông của CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (HOSE) cho thấy, CTCP Cảng Hải Phòng đang nắm giữ trên 50% vốn. Ngoài ra, DVP còn có 2 cổ đông nước ngoài nắm giữ hơn 12% cổ phần và cổ đông CTCP Vật tư nông sản nắm gần 19% vốn.
Những bất cập liên quan đến Cảng Đình Vũ là tương đối lạ. Bởi đây là một trong những tên tuổi trong lĩnh vực khai thác cảng biển phía Bắc. Sở hữu vị trí giao thông thuận lợi, hệ thống phương tiện thiết bị tiên tiến, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại cùng đội ngũ công nhân viên có trình độ chuyên môn cao, đây là một trong những doanh nghiệp cảng biển ghi dấu ấn mạnh trên sàn chứng khoán Việt với doanh thu luôn duy trì ở ngưỡng 600 - 700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ 300 - 340 tỷ.
Năm 2022, DVP đạt 685 tỷ đồng doanh thu - tương đương 94,4% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ở mức 345 tỷ đồng (cán đích chỉ tiêu). Công ty chốt chi cổ tức tỷ lệ 60% cho năm này trong đó đã chi đợt 1 tỷ lệ 10% bằng tiền hồi tháng 12/2022. 50% cổ tức còn lại cũng đã được thanh toán ngày 28/7 vừa qua.
Sang năm 2023, Cảng Đình Vũ đặt chỉ tiêu 716 tỷ doanh thu và 360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu là 50%/vốn điều lệ. 6 tháng đầu năm, Cảng Đình Vũ ghi nhận doanh thu 262 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 223 tỷ, lần lượt giảm 13% và tăng 64% so với cùng kỳ. Kết quả này tương đương thực hiện 36% và 73% kế hoạch năm. Dấu ấn lớn nhất trong nửa đầu năm là khoản doanh thu tài chính đột biến 98,4 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ 17,9 tỷ). DVP hiện đang ghi nhận 28 tỷ đồng tiền mặt và 1.226 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn (chiếm tổng cộng 71,5% tổng tài sản công ty).