Logistics đồng lòng "chơi lớn"
Ngành logistics vừa có một sự kiện chưa từng xảy ra trong bối cảnh khó khăn. Đó là buổi gặp gỡ đặc biệt không chỉ là bạn hàng, mà còn có cả những "đối thủ" chọn cách ngồi lại cùng nhau chia sẻ câu chuyện riêng, bắt tay nhau tạo lập chuỗi cung ứng mạnh cho nền kinh tế đất nước.
Hội thảo “Logistics với bối cảnh 2023 - Vấn đề & Giải pháp” vừa diễn ra tại Hải Phòng ngày 3/6/2023 được chủ trì Liên Hiệp hội Logistics Hà Nội - Hải Phòng với sự tham gia của khoảng 100 doanh nghiệp trong ngành. Thông qua ý kiến luận bàn của các diễn giả, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã cùng tìm hiểu thêm về bối cảnh kinh tế năm 2023 và các thách thức trong lĩnh vực logistics cũng như đưa ra giải pháp hữu ích để cùng nhau “vượt sóng”. Tại đây, Chủ tịch Logistics Hà Nội Trần Đức Nghĩa và Chủ tịch Logistics Hải Phòng Trần Tiến Dũng ký kết Hợp tác MOU nhằm tăng cường tính kết nối, đặt nền móng cho các hợp tác tiếp theo trong thời gian tới.
Điều gì đã cản bước doanh nghiệp?
Dưới góc nhìn của chuyên gia phát triển khu vực tư nhân, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ cho rằng, ngành Logistic như hàn thử biểu của nền kinh tế. Các chỉ số tương đồng với tổng thể các chỉ số của nền kinh tế. Khó khăn lớn nhất về đơn hàng là khó khăn chung trong bối cảnh suy thoái, không thể sớm chấm dứt trong 2023 - 2024.
Thực tế thì theo Hiệp hội Logistics Hà Nội, từ quý IV/2022, những dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế đã xuất hiện, gây ra sự lo lắng của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Nhiều cuộc thảo luận đã được khởi xướng đã xác định nguyên nhân đến từ việc tăng chi tiêu chính phủ trên toàn thế giới để phục hồi và kích thích phát triển kinh tế sau 2 năm dịch Covid-19 đã gây ra lạm phát diện rộng. Chiến tranh Nga-Ukraine khiến tâm lý người tiêu dùng e ngại, thắt chặt chi tiêu càng làm xấu đi tình hình kinh tế toàn cầu. Với nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đã bị tác động lớn bởi những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu. Kim ngạch xuất nhập khẩu đều suy giảm, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, lưu lượng hàng hóa giảm sâu đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp logistics nói riêng.
Đúng vậy, ông Phan Văn Quân - Phó TGĐ Công ty TNHH Tiếp vận Thăng Long cũng cho rằng, khó khăn đại dịch Covid-19, cuộc chiến Nga- Ukraina, Chat GPT, thách thức chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo sẽ còn ảnh hưởng đến nhân loại trong thời gian tới. “Tiếp vận Thăng Long hiện có bộ phận kiểm soát nội bộ, kiểm soát chặt chẽ hơn, thông qua đánh giá của chủ đầu tư, quy định nội bộ để cắt giảm chi phí nhiều nhất, an toàn nhất. Cố gắng giữ lực lượng lao động hiện tại và không tăng cơ học nhân sự”.
Ông Đinh Xuân Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinafco chia sẻ về thách thức tăng nguồn cung của lượng tàu. Thách thức thứ hai là nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là ngành hàng nguyên liệu, vật liệu xây dựng, vật liệu, ô tô, xe máy. Quý I đầu năm 2023, vận tải biển giảm từ 26-44%/năm. Hiện nay, đối với vận tải trong nước, cước chỉ đủ để vận hành, chưa tính có khấu hao lãi vay và quản lý vận hành doanh nghiệp.
Cụ thể, về phía công ty có 3 tàu biển vận chuyển container chạy nội địa. Trong năm 2021-2022, mảng đường biển nói chung và vận tải container rất tích cực. Hiện nay lượng tàu đóng mới trên toàn thế giới quý I/2023 đã tăng 2,2 triệu TEUs, tương đương 8,2 % trên toàn cầu. Quý I, ước tính lượng tàu nội địa trong nước tăng 40%, từ 19,400 TEUs lên đến 27,000 TEUs.
Ở mảng vận chuyển hàng hoá, kho bãi xuất nhập khẩu, bà Lê Thị Nhật Lâm - Tổng Giám đốc CTCP Vận tải Quốc tế Sky Group cho biết, thiếu nhân sự chuyên môn cao cũng là một vấn đề. Đơn cử như Sky Group thời gian qua liên tục phải tuyển dụng người lao động ở nhiều vị trí. Hầu hết những người được tuyển dụng mới chỉ đáp ứng được một phần công việc và công ty phải đào tạo thêm mới có thể đảm bảo yêu cầu. Đặc biệt, công ty đã nhiều lần tuyển dụng vị trí Quản lý Logistics với mức lương và đãi ngộ đưa ra khá tốt, nhưng vẫn chưa tìm được người thích hợp.
Theo bà Nhật Lâm, Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển ngành dịch vụ Logistics cả trên đất liền, đường biển và đường hàng không. Cơ hội của ngành logistisc kéo theo nhu cầu về nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp lao động cho ngành logistics mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Vì vậy, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành logistics tại Thanh Hóa vẫn là vấn đề cấp thiết và là một khó khăn đáng kể của tỉnh.
Thị trường ngách, tối ưu chi phí, giữ ổn định nhân lực... hướng tới logistics xanh
Nhận định đúng về xu hướng logistics của tương lai là một trong những giải pháp được ông Trần Thanh Hải, Phó Cục Trưởng Cục XNK Bộ Công Thương nhấn mạnh. Các hãng tàu lớn đã xuất hiện xu hướng bước chân sang các lĩnh vực vận tải khác như vận tải hàng không. Xu hướng của các tàu to đưa vào khai thác sẽ làm giá cước tàu tiếp tục giảm. Hải Phòng chưa có khả năng đón tiếp những con tàu như thế này nhưng Cái Mép thì có thể.
Tại Singapore, các bến cảng vận hành tự động, không có người lái, được điều khiển, lập trình. Xu hướng tự động hóa đã phát triển mạnh, trở thành phổ biến. Trung Quốc tiên phong trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, tự động hóa sẽ trở thành xu hướng chủ đạo. Tại Việt Nam, hiện nay có xu hướng cạnh tranh giữa các cảng biển, đặc biệt là khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Xu hướng logistics trong thời gian tới là giảm phát thải, đưa năng lượng tái tạo vào các phương tiện vận tải đường bộ. Bất kỳ doanh nghiệp lớn nào cũng đều thể hiện trách nhiệm của mình trong việc phát thải, hướng đến trung hòa phát thải. Khi đất đai trở nên khan hiếm và AI trở nên phổ biến, cần xây kho đa tầng để tiết kiệm chi phí mặt bằng, nâng cao hiệu suất sử dụng. Tự động hóa tối đa để nhận dạng, kiểm kê; vận chuyển trong nội bộ kho… Xu hướng đầu tư logistics Park giống như một khu công nghiệp, trong đó có nhiều logistics center. Doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư trung tâm logistics sẽ dễ dàng. Điều này sẽ có lợi thế về mặt bằng tập trung, hỗ trợ nhau, tăng sự thu hút với nhà đầu tư.
Thêm giải pháp trong việc cơ cấu bộ máy hoạt động, đại diện CTCP Vận tải biển Vinafco chia sẻ cách tối ưu chi phí: " Đó là tối ưu trực tiếp các chi phí như xếp dỡ, tracking, quản lý... Phải phối hợp hợp tác với các bên như bên cảng, bên vận tải đường bộ để tối ưu bằng năng suất chạy điều rỗng hoặc ở cảng xếp dỡ cần phải phối hợp để tăng chuyến tàu, giảm chi phí. Thứ hai để tiết giảm chi phí này, phải tối ưu được các nguồn hàng, phối hợp với chuỗi logistics của khách hàng, tiết giảm được một chiều rỗng. Giải pháp tiếp theo là đào tạo nguồn nhân lực".
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Bích Liên - Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ Phần Dịch Vụ Hàng Hải Hàng Không Con Cá Heo: "Thị trường vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán trong thời gian tới, ít nhất là hết quý II/2024 thì mới có cơ may tăng trưởng trở lại. Vì đây là cuộc khủng khoảng kinh tế và suy thoái toàn cầu, nên doanh nghiệp trong nước cũng ko thể tách mình khỏi những nguy cơ chung đó. Với tình hình như vậy thì việc gặp khó khăn lớn nhất là việc tìm kiếm đối tượng khách hàng tin cậy và lâu dài.
Có nghĩa là khách hàng có nguồn hàng xuất hoặc nhập khẩu ổn định và có yêu cầu thời gian hợp tác dài hạn, bên cạnh đó thì phải có nguồn tài chính tốt. Vì hiện giờ việc các khách hàng lợi dụng vốn của các công ty cung cấp giải pháp vận tải là rất nhiều. Bản thân họ bị nợ, bị thiếu nguồn tiền là sẽ phải nợ các nhà vận chuyển. Thậm chí khi không thể nợ thêm được nữa thì họ lại tiếp nhận thêm các nhà vận chuyển mới để đc tiếp tục nợ nhiều hơn".
Về phương án cụ thể, bà Liên chia sẻ mục tiêu năm nay của Dolphin là rà soát lại các khách hàng cũ đang còn nợ đọng để có biện pháp thu hồi sớm, rà soát và dùng mọi nguồn thông tin để tìm hiểu kỹ về tài chính của các khách hàng mới trước khi đưa ra việc ký kết cung cấp vận tải. Thời điểm này, công ty cũng tranh thủ để bồi dưỡng đào tạo lại cho nhân sự, nâng cao kỹ năng cứng và kỹ năng mềm; đồng thời cũng là lúc để thanh lọc bộ máy, để biết nhân vien nào đáp ứng đc yêu cầu, đủ trình độ nghiệp vụ để đồng hành cũng công ty lâu dài hơn.
Một phương án khác cũng được ông Lê Hồng Cẩm, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Cảng Hải Phòng dẫn câu chuyện tìm ra thị trường ngách. Khu công nghiệp Nam Đình Vũ đã tìm ra thị trường ngách để giải quyết câu chuyện khó khăn, tiết giảm chi phí tối ưu, đưa ra thị trường mới. Lãnh đạo doanh nghiệp có lẽ nên chậm lại một chút để tư duy các bước tiếp theo, đưa ra lựa chọn, tìm kiếm các cơ hội đến. Chẳng hạn như những dịch vụ về ô tô và dịch vụ siêu trường siêu trọng.
Theo ông Nguyễn Huy Nghĩa - Giám đốc công ty TNHH tiếp vận Nội Bài khẳng định, trong khó khăn của thị trường, doanh nghiệp logistics vẫn có thể tìm thấy cơ hội khác. Để làm được điều đó, lúc này, doanh nghiệp cần phối kết hợp các giải pháp để "tồn tại". Trong ngắn hạn là cắt giảm chi phí, quản trị nội bộ, hoạt động cầm chừng đến khi thị trường ấm hơn thì giải pháp dài hạn là tái cơ cấu, mua sắm thêm trang thiết bị, hiện đại hóa, đổi mới công nghệ; vì đây là thời điểm mà các chi phí này đều thấp hơn so với thời điểm trước đây."
Khi doanh nghiệp logistics "đồng lòng"
Chia sẻ với PV Banduong.vn, bà Cao Thị Thúy - Giám đốc Công ty Haiphongtrans Container phấn khởi cho rằng: "Ngày 3/6/2023, thông qua Hội thảo giao lưu kết nối các hội viên giữa Hiệp hội Logistics Hải Phòng và Hiệp hội logistics Hà Nội (HNLA), các Hội viên giữa 2 Hiệp hội đã có cơ hội khảo sát, tìm hiểu, gặp gỡ, trao đổi cũng như được thảo luận trực tiếp cùng các diễn giả, chuyên gia đầu ngành Việt Nam về logistics. Nhờ những Người “ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như Chủ tịch hai Hiệp hội, các thành viên sẽ có sự hợp tác kinh doanh cũng như khẳng định mối quan hệ gắn kết lâu dài giữa hai Hiệp hội trong thời gian sắp tới, nhằm tạo ra các lợi ích thiết thực cho hội viên hai bên và thúc đẩy sự gắn kết trong cộng đồng logistics".
Nói như lãnh đạo Công ty CTCP Cảng Hải Phòng: "Vị trí của người đứng đầu rất quan trọng, định hướng và dẫn dắt. Doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau, cần phải ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam trong câu chuyện hợp tác phát triển. Chúng ta cần phải rõ ràng ngay từ đầu với các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp có thể cạnh tranh nhưng cạnh tranh để phát triển”.
Hay quan điểm của bà Nguyễn Thị Bích Liên - Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ Phần Dịch Vụ Hàng Hải Hàng Không Con Cá Heo: Trong thời điểm người người khó khăn, nhà nhà khó khăn thì việc cùng bắt tay nhau để tạo ra 1 cộng đồng kết nối về thông tin thậm chí là cùng liên kết với nhau để cung cấp giải pháp cho 1 khách hàng lớn.
Không một doanh nghiệp nào có thể khẳng định mình khỏe trên tất cả mọi loại hình dịch vụ. Với những khách hàng FDI lớn hoặc khách nội địa lớn có những yêu cầu về nhiều giải pháp trên nhiều loại hình dịch vụ thì việc các công ty liên kết cũng cấp một giải pháp hoàn hảo là điều tuyệt với nhất.
Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội tin rằng những thông tin về cách thức giải quyết các khó khăn của các chuyên gia kinh tế chia sẻ sẽ giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và Hải Phòng sẽ giải quyết những khó khăn tốt hơn cho những vấn đề của mình.
“Tôi hy vọng rằng thỏa thuận hợp tác mà hai hiệp hội đã ký sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác của hai hiệp hội sắp tới, nhằm tạo ra các lợi ích thiết thực cho hội viên hai bên và thúc đẩy sự gắn kết trong cộng đồng logistics. Hiệp hội logistics Hà Nội mới được cấp phép hoạt động vào 10/10/2022 và phê duyệt điều lệ hoạt động vào ngày 13/2/2023.
Đến ngày hôm nay, chúng tôi vừa tròn 4 tháng tuổi. Sau 4 tháng, chúng tôi đã hoàn thiện bộ máy gồm ban chuyên môn, ban hành quy chế làm việc và thành lập xong văn phòng hiệp hội. Hiệp hội cũng đã xây dựng xong web. Sau khi ổn định tổ chức, các thành viên đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu của Hiệp hội trong nhiệm kỳ đầu tiên. Hoạt động giao lưu ngày hôm nay là hoạt động đầu tiên của chúng tôi”, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội tâm huyết.
Cùng quan điểm, ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho biết sau sự kiện này, các thành viên hai hiệp hội sẽ có thêm động lực, tự tin theo đuổi ngành nghề, vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển. Ông Dũng cũng mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa hoạt động hợp tác giữa hai Hiệp hội để tăng cường liên kết, cùng phát triển ngành logistics Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Như vậy, các chuyên gia logistics cùng các thành viên hai Hiệp hội cùng đồng quan điểm rằng, doanh nghiệp xác định để có sự chuẩn bị tối ưu về nhân sự, tài chính, vận hành, thị trường. Khi vai trò của Hiệp hội (kết nối, cung cấp thông tin) được nâng lên, các thành viên sẽ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và nỗ lực tối ưu dịch vụ logistics theo từng ngành hàng. Bởi vì, khó khăn hiện tại cần tận dụng thời gian để đồng thời phát triển các bài toán chiến lược: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường mới, tìm kiếm đối tác mới, đánh giá các chuỗi logistics tiềm năng. Khi đó, thuyền lớn hoàn toàn vượt sóng lớn, kết nối hàng hoá đi khắp các Châu lục.