Bùng nổ tài khoản chứng khoán mở mới
Tính đến cuối tháng 7, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,4 triệu tài khoản, tương đương hơn 7,4% dân số.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 150.407 tài khoản chứng khoán trong tháng 7 (tăng gần 5.000 tài khoản so với tháng trước), cao nhất trong vòng 11 tháng kể từ tháng 8/2022. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội gia tăng.
Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới đến 150.351 tài khoản, các NĐT tổ chức mở mới 56 tài khoản. Tính đến cuối tháng 7, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,4 triệu tài khoản, tương đương hơn 7,4% dân số.
Cũng trong tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 212 tài khoản, tăng nhẹ so với con số 196 tài khoản của tháng trước đó. Về cơ cấu, nhà đầu tư cá nhân mở mới 184 tài khoản, tổ chức mở mới 28 tài khoản trong tháng vừa qua. Thời điểm cuối tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 44.094 tài khoản.
Sự gia tăng số lượng tài khoản mở mới đã góp phần giúp thị trường hồi phục mạnh trong tháng 7. VN-Index tăng tới hơn 9% cũng như thanh khoản trở nên sôi động hơn, nhiều phiên liên tục được đẩy lên ngưỡng kỷ lục mới. Tại sàn HoSE, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên cả tháng 7 đạt trên 16.700 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với tháng 6 và là mức cao nhất trong hơn một năm kể từ tháng 4/2022.
Được biết, yếu tố tác động lớn tới thanh khoản thị trường cũng như số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh là nhờ "cú huých" từ xu hướng giảm của lãi suất thời gian qua. Từ trung tuần tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành liên tiếp. Sau điều chỉnh của NHNN, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng “rục rịch” giảm.
Lãi suất huy động giảm đã giúp thị trường chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn so với thời điểm đầu năm 2023. Đồng thời, lãi suất giảm kỳ vọng sẽ dần có tác động tích cực tới thu nhập thị trường trong thời gian tới cũng như giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán. Theo nhiều đơn vị phân tích, một phần tiền gửi ngân hàng đã chuyển dịch sang kênh cổ phiếu dù con số có thể không quá lớn.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết sau khi thành công bứt phá khỏi vùng đỉnh tháng 1/2023, VN-Index đã trải qua tháng 7 giao dịch tích cực khi chỉ số liên tục bứt phá và chinh phục được các mốc điểm quan trọng. Hiện tại, với đà tăng kéo dài hơn 100 điểm kể từ mốc 1.120, xu hướng đi lên của VN-Index đang có dấu hiệu chững khi áp lực chốt lời tăng cao tương ứng.
Theo đó, trong tháng 8 này, thị trường nhiều khả năng sẽ xuất hiện những phiên rung lắc để kéo chỉ số kiểm định lại lực cầu (backtest) tại kháng cự đã bị vượt qua là mức 1.200 điểm. Dựa vào biến động của VN-Index, nhóm phân tích của TPS đưa ra 3 kịch bản.
Với kịch bản cơ sở, TPS cho rằng thị trường sẽ chững lại đà tăng chuyển sang biến động sideway trong vùng 1.200 - 1.240 điểm do tháng 8 là vùng trũng của thông tin nên sẽ khó có biến động đột biến đối thời thị trường và sau chuỗi tăng kéo dài, thị trường cần thời gian nghỉ ngơi để hấp thụ áp lực chốt lời.
Trong kịch bản tích cực, với việc tăng trưởng tín dụng và GDP 6 tháng đầu năm đang ở mức thấp và khó có khả năng thực hiện được mục tiêu đã đề ra. Do đó, nhóm phân tích của Chứng khoán Tiên Phong không thể loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có lần hạ lãi suất điều hành lần thứ 5 , qua đó giúp gia tăng sự hưng phấn cho nhà đầu tư cũng như thu hút dòng tiền mua mới trở lại, qua đó nối dài sóng 3 tăng với mục tiêu là vùng đỉnh 52 tuần, quanh mức 1.300 điểm.
Với kịch bản tiêu cực, rủi ro sẽ đến từ sự mất giá của VND trong bối cảnh đồng sức mạnh của USD đang gia tăng (thể hiện qua chỉ số DXY) cùng việc lãi suất qua đêm USD tại Việt Nam đã vượt VND. Tuy nhiên, mặt bằng định giá hiện nay của thị trường vẫn chưa ở mức cao như những giai đoạn tăng nóng 2017 - 2018 hay 2021. Do đó khó xảy ra cú chỉnh sâu. Trong kịch bản này, VN-Index sẽ có khả năng điều chỉnh về quanh mức hỗ trợ 1.150 điểm.
Còn VNDirect kỳ vọng đà tăng của thị trường có thể duy trì sang đầu tháng 8 nhờ sự cải thiện kết quả kinh doanh quý II so với quý I tại một số cổ phiếu trụ cột. Tuy vậy, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh qua đi sẽ là vùng trũng thông tin và đà tăng của thị trường có thể chững lại trong giai đoạn nửa sau tháng 8.
Đội ngũ phân tích cho rằng khi thị trường đang trải qua một nhịp tăng mạnh kéo dài, nhà đầu tư cần tuân thủ kỷ luật dừng lỗ và chốt lời theo nguyên tắc. Vùng 1.240 (+/- 10 điểm) có thể là vùng kháng cự mạnh của VN-Index trong tháng 8.