VN-Index "leo núi"
Đà tăng phiên hôm nay (27/10) là mức tăng mạnh nhất của VN-Index kể từ 17/5/2022. Tính chung trên sàn HOSE, có đến 84 cổ phiếu tăng trần, 231 mã tăng, trong khi chỉ 43 mã giảm và 8 mã giảm sàn.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch đầy hưng phấn khi kết phiên giao dịch VN-Index tăng 34,65 điểm, không chỉ giành lại mốc 1.000 mà còn đạt tới 1.028,01 điểm. Sau phiên thanh khoản thấp kỷ lục hôm qua, dòng tiền đã hồi phục bất ngờ.
Đà tăng phiên hôm nay cũng là mức tăng mạnh nhất của VN-Index kể từ 17/05/2022. Tính chung trên sàn HOSE, có đến 84 cổ phiếu tăng trần, 231 mã tăng, trong khi chỉ 43 mã giảm và 8 mã giảm sàn.
Đáng lưu ý nhất hôm nay là nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản, hai nhóm điều chỉnh mạnh nhất thời gian qua trước những thông tin bất lợi dồn dập xuất hiện. Chốt phiên hôm nay, cổ phiếu ngân hàng có tới 11/27 mã ở cả 3 sàn đóng cửa tăng kịch biên độ. Các blue-chips bao gồm STB, BID, CTG, TCB, ACB, MBB, SHB. Nhóm chứng khoán có 17 mã kịch trần, bao gồm SSI, VCI, HCM, FTS, VND.
Với cổ phiếu bất động sản, ở nhóm này cũng có hàng chục mã tăng hết biên độ với sự góp mặt của cả VRE, HAG, NTL, SCR, DXG, LHG. Bộ 3 cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng quay đầu tăng mạnh sau chuỗi ngày tụt giảm xuống đáy 3-6 năm, trong đó Vincom Retail (VRE) tăng trần. Vinhomes và Vingroup tăng nhẹ. NVL vẫn giảm 0,81% chốt phiên. PDR cũng giảm 0,22%.
HoSE ngoài 84 mã kịch trần còn có 160 mã tăng từ 2% trở lên. Tính chung cả HNX lẫn UpCOM, số lượng cổ phiếu kịch trần tới 144 mã.
Theo vốn hóa, VN30-Index tăng 3,85%, Midcap tăng 4,74% và Smallcap tăng 3,51%. Rổ Midcap mạnh nhất với 27 mã kịch trần trong tổng 64 mã tăng, chỉ có 5 mã giảm. Các mã bất động sản tăng kịch trần dày đặc trong rổ Midcap, nhưng cũng bao gồm nhiều mã khác như BMP, VGC, HSG, ANV, DBC, PVB.
Mức tăng gần 35 điểm của VN-Index hôm nay vẫn chủ yếu là nhờ các blue-chips lớn, với nhóm ngân hàng làm nòng cốt: BID, VCB, CTG, TCB, MBB, ACB, VPB, SSB còn lại là MSN tăng 6,41%, VNM tăng 3,29%. Còn VIC chỉ kịp giật tăng về cuối, dù lực mua cũng rất mạnh với 809.400 cổ phiếu giá 55.000 đồng, tương đương 44,5 tỷ đồng. SAB cũng tăng khá nhẹ 0,97%.
Đà tăng mạnh mẽ bất ngờ hôm nay có sự ủng hộ khá lớn từ dòng tiền mua. Tổng giá trị khớp hai sàn niêm yết tăng trên 60% so với phiên 26/10, đạt 10.294 tỷ đồng. Nếu tính chung cả 3 sàn và bao gồm thỏa thuận, giá trị đạt 12.319 tỷ đồng, tăng 38%. HoSE tăng giao dịch với 9.532 tỷ đồng, tăng 63%.
HoSE có 10 mã đạt thanh khoản trên 200 tỷ đồng khớp lệnh thì chỉ có HPG và DGC là không thuộc nhóm tài chính, bất động sản. DIG lập kỷ lục lịch sử về giao dịch với trên 27 triệu cổ tương đương 497,6 tỷ đồng. Thị trường mạnh mẽ hơn trong buổi chiều, khi VN-Index được kéo bật trở lại lên trên ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Có lẽ đây là tín hiệu khích lệ dòng tiền mới vào dò đáy.
Khối ngoại xả ra 1.295,4 tỷ đồng trên sàn HoSE, chiếm gần 12% tổng giao dịch của sàn. Bên mua cũng tốt với 1.124,4 tỷ đồng, tương đương chỉ bán ròng 171 tỷ đồng. KBC bị xả lớn nhất -140,6 tỷ đồng ròng, HPG -97,5 tỷ. Nhóm STB, VIC, VHM, SSI, NLG, DGC, VND, NVL, GAS cũng bị bán ròng từ 20 tỷ đến quanh 40 tỷ đồng.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, phiên giao dịch ngày 27/10 tăng mạnh có thể do hoạt động margin tăng. Dù vậy, VN-Index vẫn còn thấp hơn đến 32,5% so với đỉnh và nằm trong top các chỉ số giảm mạnh nhất thế giới từ đầu năm. Khi so sánh tình hình hoạt động của chứng khoán Việt Nam với các thị trường Đông Nam Á khác, ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund kết luận rằng có tới 2/3 nguyên nhân cho diễn biến không khả quan đến từ yếu tố trong nước.
Hoạt động thanh tra giám sát về lâu dài sẽ nâng cao niềm tin của nhà đầu tư, nhưng trong ngắn hạn gây ra tâm lý yếu trên thị trường. Tuy nhiên, tình hình sẽ lắng dịu trong những tháng tới, mặc dù sự chỉ đạo chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng vẫn sẽ tiếp tục trong vài năm tới.
VCBS đánh giá, dòng tiền trên TTCK sẽ tiếp tục duy trì trạng thái yếu dưới áp lực mất giá của đồng VND cũng như việc mặt bằng chi phí vốn tăng lên làm suy giảm mức định giá của hầu hết các loại tài sản tài chính, đặc biệt là cổ phiếu.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh tăng và dự báo cho đến cuối năm 2022, nhiều khả năng sẽ tăng lên mức tương đương cho đến vượt 50 điểm cơ bản so với giai đoạn cuối năm 2019 trước dịch Covid.
Còn CTCK Rồng Việt (VDSC) khuyến cáo, với dòng tiền hỗ trợ nhìn chung vẫn còn thận trọng, số lượng cổ phiếu giảm giá và giảm sàn vẫn còn khá nhiều; xu hướng tiêu cực gần đây có thể vẫn còn ảnh hưởng đến thị trường chung. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và quan sát diễn biến cung cầu trong thời gian tới để đánh giá trạng thái của thị trường; tạm thời vẫn nên giữ danh mục ở mức an toàn do rủi ro của thị trường còn tiềm ẩn.