TT. Huế tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container
Việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung.
Sáng 8/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container tại cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc). Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các hãng tàu, doanh nghiệp khai thác cảng, logistics và các nhà đầu tư.
Cảng biển Thừa Thiên Huế là cảng biển loại I; trong đó khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.
Đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5-6 triệu tấn/năm. Được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, khu bến Chân Mây đã được bổ sung công năng khai thác tàu container.
Hiện nay, xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế đang chuyển hướng từ vận chuyển các mặt hàng rời sang vận chuyển hàng hóa đóng container do phương thức này có nhiều ưu điểm (giảm chi phí, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kĩ thuật, năng suất lao động tăng...). Việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung. Được biết, lượng hàng hoá qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, dự kiến năm 2022 lượng hàng thông qua khoảng 4-4,5 triệu tấn.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.
Năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế đã phục hồi tích cực, toàn diện trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt 6,92% (cao hơn mức tăng cùng kỳ là 5,72%), là mức tăng trưởng khá trong 12 tỉnh thuộc Vùng DHMT, dự kiến mức tăng trưởng cả năm đạt 7,69%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 919 triệu USD, tăng 7,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 652,7 triệu USD, tăng 18%. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 9.103 tỷ đồng, vượt 32,7% dự toán và tăng 17,6% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối tháng 9/2022, có 633 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.498 tỷ đồng; tăng 38,8% về lượng và tăng 59,6% về vốn so với cùng kỳ. Đã cấp phép cho 25 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 13.867 tỷ đồng (trong đó, dự án FDI vốn đăng ký 257 triệu USD, tương đương 5.286 tỷ đồng). Trong đó, địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp cấp 10 dự án với tổng vốn đầu tư 4.648 tỷ đồng, có dự án Bến số 4, số 5 cảng Chân Mây với vốn đầu tư đăng ký 1.678 tỷ đồng. Đã cấp điều chỉnh cho 16 dự án. Cụ thể, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 5 dự án, vốn đầu tư tăng thêm 521 tỷ đồng. Ngoài ra, có 7 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư trên 3.523 tỷ đồng.
"Để đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã rất quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh.
Thừa Thiên Huế là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có đường bờ biển dài 128km; có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á với tổng diện tích khoảng 22.000 ha, với nguồn động thực vật phong phú, đa dạng. Tỉnh Thừa Thiên Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình của triều đại phong kiến cuối cùng, tự hào là “Một điểm đến - Năm di sản” đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại; vịnh Lăng Cô được Tổ chức WorldBays phong tặng là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.