"Trợ lý ảo" đường bộ và đăng kiểm sẽ hỗ trợ gì?
Từ tháng 5/2022, người dân hoặc doanh nghiệp thực hiện 48 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực đường bộ và đăng kiểm sẽ nhận được sự hỗ trợ của trợ lý ảo mới được Bộ Giao thông vận tải đưa vào vận hành thử nghiệm.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải vừa xác định mục tiêu quan trọng trong "Chương trình chuyển đổi số ngành này đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" là tập trung xây dựng các hệ thống phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí, nguồn lực xã hội.
Bộ Giao thông vận tải đã đưa vào thử nghiệm trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính từ ngày 1/5/2022 nhằm khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ, góp phần giải phóng sức lao động cho các cán bộ tại Bộ phận hỗ trợ dịch vụ công, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ông Phùng Văn Trọng - Phó Giám đốc Trung tâm CNTT cho biết, việc Bộ Giao thông vận tải đưa trợ lý ảo vào triển khai thử nghiệm cũng nhằm tăng năng suất lao động, hỗ trợ đắc lực cho cán bộ nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính; hướng tới nâng cao chất lượng quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải, thông qua việc mở rộng trả lời, giải đáp tất cả vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Hệ thống phần mềm trợ lý ảo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải được Trung tâm CNTT, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các tập đoàn CNTT triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn thử nghiệm công nghệ; giai đoạn 2 là giai đoạn triển khai chính thức. Trong đó, mỗi giai đoạn gồm 3 bước: Thí điểm, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hiện trợ lý ảo vẫn đang được triển khai ở giai đoạn đầu của bước thử nghiệm công nghệ, được áp dụng để hỗ trợ, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện 48 thủ tục hành chính thuộc 2 lĩnh vực đăng kiểm (38 thủ tục hành chính) và đường bộ (10 thủ tục hành chính).
Mục tiêu mở rộng ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức. Giai đoạn 1 đơn vị đã lựa chọn các vấn đề nóng, có nhiều người quan tâm, cán bộ thường xuyên phải trả lời, giải đáp để đưa vào triển khai thử nghiệm trợ lý ảo.
Theo đó, qua 2 phương thức CallBot và ChatBot, trợ lý ảo sẽ hỗ trợ giải đáp thông tin, các vấn đề vướng mắc, các câu hỏi thường gặp (24/7) liên quan đến thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải, như: Quản lý tài khoản (đăng ký tài khoản, cấp lại tài khoản…), quản lý hồ sơ (hướng dẫn nộp hồ sơ; hướng dẫn xem trạng thái hồ sơ nộp…) và tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
CallBot được tích hợp trực tiếp vào đầu số tổng đài hỗ trợ dịch vụ công của Bộ Giao thông vận tải qua đầu số 1900 0318 nhánh 1. Chatbot được tích hợp trả lời 24/7 ngay trên Cổng dịch vụ công của Bộ.
Các tính năng của trợ lý ảo mới được đưa vào thử nghiệm, đại diện Trung tâm CNTT, Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc trợ lý ảo hỗ trợ hướng dẫn, giải đáp người dân, doanh nghiệp liên quan đến các thông tin về hồ sơ thủ tục hành chính một cách nhanh chóng giúp gia tăng trải nghiệm của người dùng và giảm thời gian, chi phí của đơn vị giải quyết thủ tục hành chính.
Hệ thống này cũng cho phép xây dựng các kịch bản trò chuyện với người dùng, tự đào tạo hệ thống theo dữ liệu được huấn luyện để trở nên thông minh hơn. Ngoài ra, hệ thống có khả năng thống kê, tổng hợp và phân tích thông tin tiếp nhận được từ các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp để cải thiện chất lượng dịch vụ.
Theo kế hoạch, sau giai đoạn thử nghiệm, Trung tâm CNTT sẽ đánh giá kết quả triển khai, lựa chọn giải pháp phù hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét mở rộng triển khai trợ lý ảo hỗ trợ hơn 400 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, hàng không và đăng kiểm.
“Chúng tôi dự kiến sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu mở rộng ứng dụng trợ lý ảo vào nhắc việc cán bộ trong công tác chỉ đạo điều hành của Bộ và cung cấp một số tiện ích khác đến người dân như nhắc hạn đăng kiểm đối với các phương tiện sắp đến hạn đăng kiểm; nhắc đổi giấy phép lái xe đối với các giấy phép lái xe sắp đến hạn...”, đại diện Trung tâm CNTT cho hay.
Từ tháng 12/2021, Bộ Giao thông Vận tải hoàn tất việc đưa toàn bộ các dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức 4 cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đang cung cấp 264 dịch vụ công trực tuyến mức 4. Tính đến cuối tháng 4, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có phát sinh hồ sơ đạt 77,51% và tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến là 74,47%.