VETC kém cỏi, công nghệ thu phí có vấn đề
Cận Tết Nguyên Đán, hàng trăm chủ xe dán thẻ thu phí tự động không dừng (ePass) do Công ty cung cấp đã bức xúc khi chịu cảnh ách tắc và không qua được trạm thu phí trên hai tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Lái xe “méo mặt” ở trạm thu phí vì “Thẻ tự động”
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC), từ 9h15 đến 11h45 ngày 22/1 hơn 350 ôtô dán thẻ thu phí tự động gặp lỗi tại các trạm trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Hà Nội - Bắc Giang.
Hệ thống thu phí không lưu được đầu vào cho xe dán thẻ, dẫn đến đầu ra không có dữ liệu để tính phí và trừ tiền. Các xe bị lỗi bao gồm cả xe dán thẻ ePass của Công ty VDTC và thẻ VETC của Công ty TNHH thu phí tự động VETC.
Được biết, sự cố trên ảnh hưởng nghiêm trọng, gây tắc nghẽn giao thông tại khu vực các trạm thu phí trên 2 tuyến cao tốc. Nhiều chủ xe sử dụng dịch vụ thu phí không dừng không đi qua được trạm thu phí ở làn ETC đã rất bức xúc và phản ánh tiêu cực trên mạng.
Công ty Quản lý khai thác đường Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thực hiện kết nối qua hợp đồng kết nối với BOO1 nên khi những thẻ ePass của dự án BOO2 qua trạm không nhận được đầu vào.
Trạm phải xác minh từng trường hợp qua camera rồi thu bằng tiền mặt, gây bức xúc cho khách hàng.
Ông Nguyễn Huy Thiêm - Phó Phòng Công nghệ thông tin - Công ty Quản lý khai thác đường Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Nguyên nhân sự cố theo VDTC nhận định là do hệ thống lưu trữ dữ liệu phục vụ hoạt động thu phí ETC (Back-End) của Công ty VETC gặp lỗi không lưu được thông tin ở trạm thu phí đầu vào cho xe dán thẻ ePass. Lỗi này dẫn đến không có dữ liệu đầu vào đường cao tốc để tính phí và mở barie cho những xe này qua trạm.
Đồng thời, nhân viên và các lực lượng hỗ trợ ở trạm thu phí không kịp thời nắm được thông tin sự cố nên cung cấp sai thông tin cho chủ xe dán thẻ ePass là lỗi do hệ thống của Công ty VDTC.
VDTC đã đề nghị Công ty VETC đánh giá nguyên nhân và giải pháp khắc phục, tổ chức lực lượng kỹ thuật ứng trực và xử lý nhanh sự cố trên hệ thống trong dịp Tết Nguyên đán 2022, khi lưu lượng phương tiện tăng cao.
Phía Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho rằng, sự việc xảy ra do trục trặc kết nối hệ thống giữa hai công ty khiến hệ thống tại trạm thu phí của VETC không nhận được dữ liệu thẻ ePass của VDTC nên xe dán thẻ ePass không qua được trạm.
Theo ông Nguyễn Huy Thiêm - Phó Phòng Công nghệ thông tin - Công ty Quản lý khai thác đường Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, việc hàng trăm xe không qua được trạm thu phí cao tốc do lỗi kết nối giữa dự án thu phí tự động giai đoạn 1-BOO1 do VETC cung cấp dịch vụ và dự án thu phí tự động giai đoạn 2- BOO2 do VDTC cung cấp dịch vụ.
Đây là lỗi đồng loạt, tổng thể sau khi BOO1 và BOO2 làm việc với nhau, đã xác nhận hệ thống của BOO1 không ghi nhận được thẻ ePass đầu vào của trạm thu phí kín.
Ngày 26/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức họp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng và đánh giá nguyên nhân lỗi thiết bị trên hệ thống Back-End của nhà cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH thu phí tự động (VETC)
VETC: Kỹ thuật yếu, thái độ phục vụ không chuyên nghiệp
Dự án thu phí không dừng giai đoạn một (BOO1) do Công ty VETC đầu tư, cần lắp đặt làn không dừng tại 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên), 18 trạm trên các cao tốc và các quốc lộ khác. Các phương tiện được công ty này cung cấp dịch vụ sẽ gắn thẻ VETC.
Dự án giai đoạn 2 (BOO2) do Công ty VDTC lắp đặt gồm 33 trạm còn lại trên toàn quốc, xe do công ty này cung cấp dịch vụ được dán thẻ ePass. Để thuận lợi cho phương tiện, hai công ty đã tích hợp hệ thống thu phí tự động, thẻ ePass có thể sử dụng qua trạm VETC và ngược lại.
Tuy nhiên, đợt tắc hơn 300 xe tại trạm thu phí cận Tết Nguyên Đán không phải lần đầu mà đã là tình trạng thường xuyên xảy ra.
Theo khảo sát nhanh của Banduong.vn, nhiều lái xe thường xuyên lưu thông trên các tuyến đường ra vào cửa ngõ Hà Nội, cho biết, dù đã dán thẻ thu phí không dừng ePass của VDTC nhưng nhiều lần lưu thông trên cao tốc Pháp Vân- Ninh Bình đều bị nhân viên báo là lỗi thẻ, không nhận dạng được thẻ và bắt trả bằng tiền mặt.
Tài xế Bùi Văn Hải (Hà Nội) cũng chia sẻ, có lần anh lái xe di chuyển từ Quốc lộ 21B qua trạm thu phí Liêm Tuyền để lên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình. Xe anh có gắn thẻ VETC đã sử dụng 2 năm, tài khoản vẫn còn gần 1 triệu đồng. Lúc bắt đầu di chuyển vào làn ETC thanh chắn mở và tiền cũng bị trừ. Thế nhưng khi xe gần ra khỏi làn ETC thì thanh chắn bất ngờ hạ xuống đập vào đầu xe. Bức xúc vì sự cố xảy ra nhưng anh Hải chỉ nhận được lời giải thích từ nhân viên thu phí do máy bị lỗi.
Thậm chí có trường hợp, xe ô tô đỗ ở nhà, mấy tuần không đi qua trạm thu phí nhưng vẫn bị trừ tiền trong tài khoản thu phí không dừng.
Trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do đơn vị đang vận hành khai thác sử dụng công nghệ thu phí không dừng tại một làn thu phí ở cả hai chiều.
Tình trạng một số lái xe dán thẻ thu phí không dừng nhưng khi qua trạm không nhận diện được, không có dữ liệu và buộc lái xe phải trả bằng tiền mặt là thực tế.
Ông Uông Huy Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M)
Cũng theo ghi nhận, "mắt thần" gắn ở nhiều trạm thu phí tự động không dừng không đọc được thẻ gắn trên xe nên barie không mở. Tài xế bóp còi inh ỏi để nhân viên Công ty TNHH Thu phí tự động VETC ra giải quyết. Cuối cùng, xe phải lui và lại phải dừng để mua vé qua trạm theo kiểu truyền thống.
Sau khi tiếp nhận phản ánh lỗi của hệ thống thu phí tự động không dừng, Vụ Đối tác công- tư (Vụ PPP - Bộ GTVT) đã tiến hành kiểm tra các hoạt động thu phí không dừng tại các trạm thu phí có lưu lượng lớn như trạm Quốc lộ 1 Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình... để tìm ra nguyên nhân và khắc phục các lỗi này. Kết quả của đoàn kiểm tra cho thấy, hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí này vẫn còn nhiều tồn tại và vướng mắc về quá trình quản lý, vận hành. Đặc biệt, gặp nhiều tại các trạm do nhà đầu tư BOT lắp đặt thiết bị Front-end kết nối với VDTC.
Bên cạnh đó, phương tiện dán thẻ ePass kết nối với Viettel Pay thường bị lỗi khi qua trạm của nhà cung cấp dịch vụ giai đoạn 1 (BOO1) không kiểm tra được số dư trong tài khoản giao thông dẫn đến barie không mở.
Ngoài ra, có hiện tượng xe không qua trạm vẫn bị trừ tiền do nhà cung cấp dịch vụ sử dụng giải pháp đọc biển số. Tuy nhiên, do xác suất đọc biển số hoặc nhân viên nhập biển số có sai sót dẫn đến xe không qua trạm vẫn bị trừ tiền.
Công ty VETC được thành lập với mục tiêu trở thành đơn vị triển khai và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC (Electronic Toll Collection) tại Việt Nam. VETC đặt mục tiêu mang đến giải pháp thu phí ứng dụng công nghệ hiện đại góp phần tăng tốc cho sự phát triển chung của lĩnh vực Giao thông Vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.Ý tưởng đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng của VETC được bắt nguồn từ những đánh giá về lợi ích mà hệ thống này mang lại, đồng thời dựa trên thực tế thành công của nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống thu phí tự động của VETC đã xảy ra rất nhiều vấn đề do lỗi kỹ thuật, kết nối và hàng loạt vấn đề khác gây rắc rối cho người sử dụng. Đặc biệt, gây phiền toái, mất thời gian cho lái xe.
Trên mạng xã hội, các tài xế hay bức xúc về việc liên tục gặp sự cố kỹ thuật và gắn với đó là thái độ chăm sóc khách hàng thiếu chuyên nghiệp của nhân viên Cty TNHH Thu phí tự động VETC. Hoặc, nếu muốn chọn nhà cung cấp tương tự thì khách hàng phải được VETC hủy toàn bộ dữ liệu hệ thống. Để được hủy dịch vụ của VETC, thì phải quay lại công ty làm thủ tục. Như vậy, lỗi kỹ thuật là lỗi chủ quan do VETC, ngoài việc khiến khách hàng mất nhiều thời gian, rủi ro va chạm hoặc TNGT thì tài xế còn phải trả nhiều lần vé qua trạm BOT đã qua để được hủy dịch vụ.
Thu phí tự động (ETC) là công nghệ hiện đại được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...
Công nghệ này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tiết kiệm nhiên liệu và thời gian của chủ xe - tránh ùn tắc; giảm thiểu sụt lún mặt đường; hạn chế dùng tiền mặt; giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bên cạnh đó, công nghệ ETC cũng giúp nhà đầu tư BOT tiết kiệm chi phí in ấn - giảm chi phí nhân sự đồng thời tránh thất thoát.
Công nghệ Electronic Toll Collection (viết tắt: ETC) là lắp đặt trạm thu phí tự động - không dừng trên các trục Quốc lộ, đường cao tốc bằng việc áp dụng công nghệ hiện đại. Hiện nay, các nhà đầu tư ở nước ta đang áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification). Đây là công nghệ sử dụng sóng Radio để nhận diện tự động thông qua thẻ định danh Etag, được dán trên kính lái hoặc đèn pha của xe ô tô.
Công nghệ ETC giúp phương tiện di chuyển qua trạm thu phí mà không phải dừng - giữ được tốc độ lưu thông ổn định với độ chính xác cao. Khách hàng (chủ xe, tài xế) chỉ cần tạo tài khoản “ví điện tử” thông qua các nhà cung cấp và sử dụng dễ dàng, thuận tiện.