Chuyên mục


Thủ tục hành chính 'bủa vây" doanh nghiệp vận tải khách du lịch

05/09/2023 13:06 (GMT +7)

Trao đổi với PV Banduong.vn, các doanh nghiệp vận tải cho thuê xe hợp đồng du lịch ở Hải Phòng tỏ ra ức chế khi mất quá nhiều thời gian, nhân sự để chuẩn bị cho lái xe mang theo người tới 13 loại giấy tờ trước khi ra đường.

Doanh nghiệp và lái xe ức chế vì điều gì?

Trong buổi làm việc với PV Banduong.vn ngày cuối tháng 8/2023, sự chán nản, muốn buông xuôi bộc lộ rõ qua từng câu nói, nét mặt, tiếng thở dài của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải du lịch ở Thành phố Hoa phượng đỏ:

"Nghỉ, bán xe, dừng hết cho khỏi kiểm tra, khỏi hành"

"Lúc nào cũng phải lo giấy tờ kể cả ban đêm. Ức chế không muốn làm ăn gì nữa"

"Tại sao những thứ đáng lẽ phải kiểm tra ở doanh nghiệp, mà lại bắt lái xe mang theo?"

Gần 10 doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thuộc Chi hội Xe du lịch ở Hải Phòng với hàng trăm đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này cho biết: Chúng tôi không phải là doanh nghiệp startup, đều hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng 1-2 thập kỷ, lặn lội trên thương trường - khắp các tỉnh thành khách du lịch muốn đến, nhưng chưa bao giờ đi ra đường phải khổ như thế này!

Thời gian gần đây, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an đã có kế hoạch tổng kiểm soát xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container. Kế hoạch được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ ngày 1/8-14/8), lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc sẽ tuyên truyền vận động chủ xe, chủ doanh nghiệp và lái xe chấp hành pháp luật, ký cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Giai đoạn 2 (từ ngày 15/8 - 15/10), công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân tuần tra, kiểm soát và tiến hành xử lý các vi phạm. Việc tổng kiểm soát xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách và xe ôtô vận tải hàng hóa bằng container đã tiến hành nhằm đảm bảo an toàn, trật tự giao thông và sự tuân thủ đúng quy định về vận tải.

Tuy vậy, do nhiều lý do mà còn các đợt tổng kiểm soát địa phương còn bộc lộ những những bất cập chồng chéo, gây áp lực không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh, giá xăng dầu biến động mạnh. Trong đó, doanh nghiệp bức xúc nhất là thủ tục kiểm tra tài liệu, trạng thái kỹ thuật và tuân thủ quy định của xe mang tính "hạch sách". Điều này gây lãng phí thời gian cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh cần đảm bảo tiến độ vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa lưu thông kịp thời liên tục.

Nhiều khó khăn và vướng mắc đang tồn đọng được bộc lộ rõ qua đợt tổng kiểm tra xe kinh doanh vận tải thời gian gần đây.

Nhiều khó khăn và vướng mắc đang tồn đọng được bộc lộ rõ qua đợt tổng kiểm tra xe kinh doanh vận tải thời gian gần đây.

Ông Đoàn Thanh Hồng - Đại diện Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Hoa Trung cho biết: "Mỗi cuốc xe, mỗi tài xế phải mang theo người hàng chục loại giấy tờ. Ngoài 11 loại giấy tờ tôi liệt kê ở trên, cánh lái xe cho biết cần phải bổ sung vì lực lượng chức năng kiểm tra cả hợp đồng lao động của lái xe với chủ xe, giấy chứng nhận có đóng bảo hiểm cho lái xe. 

Hay các yêu cầu như lệnh điều xe, bản sao đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, sổ sức khỏe và nhiều giấy tờ khác đã tạo ra gánh nặng thừa không cần thiết cho tài xế, lãng phí thời gian vô hình chung đã tạo ra sự bất tiện trong quá trình vận hành".

Thực tế cho thấy những giấy tờ này có thể dễ dàng được quản lý và lưu trữ bởi phía doanh nghiệp thay vì yêu cầu tài xế phải mang theo mọi lúc mọi nơi. 

Ông Đoàn Thanh Hồng, đại diện Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Hoa Trung

Ông Đoàn Thanh Hồng, đại diện Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Hoa Trung

Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, các đơn vị đã lên nhiều phương án, trong đó các yêu cầu về thủ tục hành chính bắt buộc là một giải pháp. Vốn được ví như "huyết mạch" của nền kinh tế, đóng một vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc kết nối các khu vực và đảm bảo cho dòng chảy của sự phát triển nhưng việc dồn nén, trì trệ, thiếu nhất quán trong thủ tục thời gian gần đây, khiến cho doanh nghiệp vận tải lo ngại "Những thủ tục hiện hành đang kìm kẹp ngành vận tải"!

Empty

Ông Nguyễn Quang Hưng - Đại diện CLB xe 29,16 thành phố Hải Phòng, cũng là chủ doanh nghiệp với 30 đầu xe hợp đồng du lịch tại Hải Phòng chia sẻ:" Tài xế của tôi từng gặp phải trường hợp lực lượng chức năng dừng xe, kiểm tra giấy tờ cùng điểm danh 44 hành khách tốn tới 1 tiếng đồng hồ vẫn chưa thể tiếp tục khởi hành. Ngoài ra tài xế này cũng bị viết biên bản xử phạt vì trong danh sách hành khách có người viết sai phần tên họ".

Ông Nguyễn Quang Hưng - Đại diện CLB xe 29,16 thành phố Hải Phòng

Ông Nguyễn Quang Hưng - Đại diện CLB xe 29,16 thành phố Hải Phòng

Đại diện đoàn doanh nghiệp vận tải du lịch ông Vũ Văn Thắng - Công ty TNHH dịch vụ và du lịch Trang Thắng góp ý: "Thay vì yêu cầu tài xế mang theo giấy tờ, các cơ quan quản lý và kiểm soát nên tập trung vào việc kiểm tra và xác minh thông tin từ phía doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho tài xế mà còn tạo ra sự hiệu quả trong quá trình kiểm soát. Doanh nghiệp có thể cung cấp các thông tin cần thiết cho cơ quan quản lý một cách dễ dàng thông qua hệ thống quản lý hoặc các phương tiện truyền thông hiện đại."

Được biết, với lỗi chở người không tên trong danh sách hành khách trên xe do công ty đứng tên, Căn cứ Điểm m Khoản 6 và điểm a Khoản 10 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận tải khách du lịch mà trên xe không có hợp đồng vận chuyển (hợp đồng lữ hành), danh sách hành khách kèm theo, thiết bị để truy cập nội dung hợp đồng điện tử và danh sách hành khách theo quy định hoặc có hợp đồng vận chuyển (hợp đồng lữ hành), danh sách hành khách, thiết bị để truy cập nhưng không bảo đảm yêu cầu theo quy định, chở người không có tên trong danh sách hành khách hoặc vận chuyển không đúng đối tượng theo quy định (đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc).

Cân nhắc điều chỉnh quy định với xe dịch vụ khách du lịch

Một điều bất hợp lý trong công tác vận tải và đặc biệt là đối với xe vận tải theo hợp đồng du lịch, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này buộc phải có lệnh điều xe đồng thời phải báo cáo cự li di chuyển lên website của Sở GTVT trước mỗi chuyến xe, thậm chí trước khi xe khởi hành. Báo cáo này sẽ được gửi đến Sở Giao thông Vận tải tỉnh, nhằm báo cáo khoảng cách hoạt động của xe, mặc dù chưa rõ cự li chính xác của hành trình.

Ông Vũ Văn Thắng - Công ty TNHH dịch vụ và du lịch Trang Thắng

Ông Vũ Văn Thắng - Công ty TNHH dịch vụ và du lịch Trang Thắng

Ông Vũ Văn Thắng - Công ty TNHH dịch vụ và du lịch Trang Thắng lấy ví dụ: Hành trình Hải Phòng - Hà Nội có cự li 200 km cả chiều đi và về. Tuy nhiên, nếu khách hàng có yêu cầu thay đổi hành trình để đi du lịch khu vực như Ba Vì, Sơn Tây, Hà Tây... cùng trong địa giới, vậy sẽ phải làm sao khi số km lúc này có thể bị thay đổi nếu chạy xe theo phát sinh của khách hàng?

Các doanh nghiệp có mặt trong buổi trao đổi với PV Banduong.vn thảo luận đều cho rằng, điều này dẫn tới việc thay đổi hành trình sai cự li đã báo cáo trước đó với Sở, có thể thấy rõ việc làm này khiến khách hàng không được phép thay đổi hành trình một cách linh hoạt, như vậy là hết sức vô lý. 

 

Đã hơn 1 năm kể từ khi các xe khách, xe tải bắt buộc phải lắp camera giám sát. Doanh nghiệp vận tải phải chi phí một khoản tiền lớn để lắp đặt, lưu dữ liệu hàng ngày. Nhưng đến nay chưa phát huy tác dụng do thiếu có 1 trung tâm xử lý dữ liệu, điều hành hệ thống như kế hoạch đặt ra. Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhất là bảo đảm quyền lợi và an toàn cho hành khách, năm 2020 Chính phủ ban hành nghị định 10 về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo đó hết 31/12/2021 tất cả ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Thực hiện Nghị định này, khoảng 300.000 xe khách và vận tải hàng hóa trong cả nước đã được lắp camera. Nhưng đã hơn 1 năm trôi qua, hệ thống này chưa phát huy được hết tác dụng như yêu cầu và mục tiêu, trong khi chi phí mà các đơn vị kinh doanh vận tải đã phải bỏ ra là rất lớn.

Theo ông Vũ Nam Linh - Đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VK: "Việc thông báo cho Sở GTVT được xem xét như là một vấn đề kiểm tra thuế, với số k được ghi rõ trên hóa đơn và các tài liệu thanh toán, việc áp dụng quy định này tạo ra sự phức tạp trong việc xử lý giấy tờ."

Nhìn từ thực tế, quy định này chủ yếu được giao cho tài xế để thực hiện. Tuy nhiên, do tài xế thường có những hành trình xa và kéo dài nhiều giờ, và họ cần chuẩn bị nhiều giấy tờ cùng với tinh thần và thể lực trước khi khởi hành, nên việc thông thạo với các giấy tờ thủ tục hành chính quá rườn rà là điều rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã cố gắng giảm bớt khó khăn cho nhân viên bằng cách sử dụng các phương thức như chụp ảnh hoặc viết giấy tay để gửi về công ty. Sau đó công ty sẽ cập nhật lên trang web của Sở Giao thông Vận tải.

Thế nhưng, việc này cũng không phải là thuận lợi, bởi nhiều chuyến vận tải thường khởi hành vào lúc 1/2 giờ sáng, thời điểm mà các cơ quan chưa hoạt động. Trong trường hợp này, việc gửi lệnh điều xe mà chưa được sự chấp thuận từ sở sẽ gây ra vấn đề, khiến cho tài xế không thể khởi hành theo thời gian dự kiến.

Việc không đồng nhất trong việc áp dụng quy định kiểm soát như trên cũng tạo ra một tình trạng mâu thuẫn. Quy định kiểm soát có thể thay đổi tại các điểm kiểm tra khác nhau, dẫn đến sự không rõ ràng và khó dự đoán về quy trình kiểm soát. Điều này tạo ra sự bất tiện và bất đồng trong việc tuân thủ quy định của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, để đảm bảo tuân thủ quy định, họ phải thay đổi và cải tiến phương thức quản lý, đồng thời mua sắm thiết bị hỗ trợ kiểm soát. Điều này gây ra áp lực tài chính không nhỏ và đôi khi vượt ra khỏi khả năng của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi, doanh nghiệp mất niềm tin vào cơ quan quản lý: "Liệu những giấy tờ đó nhân viên cơ quan quản lý có động đến không?"

Có một bất cập khác liên quan đến camera giám sát hành khách trên xe đang được doanh nghiệp vận tải cho rằng nên xem xét. Trước đây, thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp Tổng cục Đường bộ có thể theo dõi các xe chở khách, rồi container về các thông số như tốc độ, thời gian hoạt động của lái xe, hành trình xe di chuyển… Với camera giám sát thì ngoài các thông số trên còn giúp theo dõi hình ảnh của lái xe, hành khách, tình hình an ninh trật tự trên xe, từ đó kịp thời nhắc nhở, điều tiết lái xe. 

Thế nhưng, khi đi vào triển khai thực tế thì có phần bất cập. Đa phần đại diện doanh nghiệp vận tải hành khách du lịch cho rằng, chỉ nên để camera giám sát lái xe, danh sách hành khách đã báo cáo và cập nhật trên hệ thống, và thông số này nó cũng nằm ở hợp đồng vận chuyển hành khách với khách hàng. Cho nên, hầu như các dữ liệu ghi lại hình ảnh khách hàng đều là những dữ liệu thừa.

Thậm chí theo các doanh nghiệp phản ảnh việc lắp camera giám sát hành khách trên xe là đang xâm phạm quyền riêng tư của hành khách, đặc biệt khi họ không cảm thấy thoải mái về việc bị theo dõi liên tục trong nhiều giờ ở trên xe. Ngoài ra, những hình ảnh cá nhân dữ liệu từ camera có thể bị lạm dụng hoặc rò rỉ thông tin cá nhân, gây ra nguy cơ vi phạm quyền riêng tư và an ninh thông tin nếu không được quản lý một cách chặt chẽ. 

Khảo sát vấn đề này, một trong những oanh nghiệp kinh doanh vận tải cho biết, sau khi thực hiện theo Nghị định 10 của Chính phủ trong việc lắp camera giám sát hành trình, doanh nghiệp đã lắp cho 30 xe theo đúng quy định. Không tính chi phí lắp đặt, mỗi tháng doanh nghiệp đã phải chịu chi phí truyền dữ liệu theo ứng dụng 4G, mỗi xe một xe tốn 1 năm khoảng 2 triệu đồng trong đó 1,2 triệu đồng cho camera và 800 nghìn cho thiết bị định vị.

Doanh nghiệp hoạt động vì nhân công, cần động lực hỗ trợ từ cơ quan chức năng

Sau COVID-19, ngành doanh nghiệp vận tải bây giờ mới thật sự đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Sự suy giảm trong nhu cầu tiêu dùng đã dẫn đến việc doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động với khoảng 70% năng suất so với trước đây. Điều này đã tạo ra sự không ổn định về tài chính và đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì hoạt động của nhiều doanh nghiệp.

Ông Thắng chia sẻ buổi họp về tình hình công ty, trong 4 tháng gần đây, công ty này liên tục phải thúc giục các doanh nghiệp du lịch lữ hành trả số tiền nợ lên tới gần 1 tỷ đồng. Trong đó, 800 triệu là chi phí vận hành dịch vụ, 200 triệu là khoản chi phí cầu đường và xăng dầu mà doanh nghiệp này cần phải trả. 

Gánh nặng của việc duy trì hoạt động vận tải không chỉ là áp lực tài chính của doanh nghiệp mà còn hưởng trực tiếp đến cuộc sống và kế sinh nhai của công nhân viên. Nhiều doanh nghiệp phải tìm kiếm các giải pháp để cắt giảm chi phí. Trong đó, doanh nghiệp của ông Hưng trước đây cũng từng có 20 đầu xe container nay cũng chỉ để lại 2 chiếc, chủ yếu cố gắng kiếm nguồn thu từ xe hợp đồng du lịch, tăng cường hiệu suất hoạt động, và tìm cách ứng phó với sự biến đổi không lường trước của thị trường. 

Tăng giá của nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu, cũng là nguyên nhân làm gia tăng gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp vận tải. Mức chi phí khổng lồ hàng tháng, trong buổi họp ông Hồng cho biết chi phí duy trì hoạt động của công ty ông mỗi tháng lên đến 350 triệu đồng chưa kể tiền xăng dầu, đã gây ra áp lực không thể xem thường. Những tăng giá này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận mà còn đặt ra nguy cơ đe dọa sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chuyển đổi số cần đồng bộ, văn minh. Nhất là trong thời kỳ "quá độ" từ thủ tục hành chính lên chuyển đổi số là giai đoạn khó khăn nhất, khó khăn đó là cuối cùng "đổ lên đầu" các doanh nghiệp, do đó hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần được hỗ trợ gỡ vướng, tạo động lực hồi phục trong giai đoạn kinh tế khó khăn. 

Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp kiến nghị, việc hợp tác giữa các cơ quan quản lý và đơn vị trực tiếp kinh doanh vận tải hành khách du lịch là việc quan trọng. Cần có sự thảo luận cởi mở để tìm ra giải pháp tốt nhất, giúp đơn giản hóa quy trình kiểm soát mà vẫn đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đồng tình việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực vận tải, việc đầu tư vào công nghệ thông tin và hệ thống quản lý giúp tối ưu hóa quy trình và giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Liên quan đến chuyển đổi số và tồn tại bất cập cần gỡ vướng, được biết, ngày 31/8, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) có công văn số 98/CV-HHVT về việc nhận được văn bản phản ánh của một số Hiệp hội vận tải tỉnh, thành phố về tình hình hoạt động của xe vận tải khách tuyến cố định phát sinh vướng mắc.Cụ thể, xe khách tuyến cố định xuất phát từ Hà Nội đi vào các tỉnh phía Nam, nhưng trên phù hiệu trong mã QRcode chưa có lộ trình đi vào cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, nên một số xe bị cảnh sát giao thông kiểm tra và yêu cầu không được đi vào tuyến đường này. Trong khi, tỉnh Ninh Bình đã phân luồng giao thông các phương tiện này không được đi theo Quốc lộ 1 qua thành phố Ninh Bình.

Cần nhanh chóng sửa đổi, cập nhật lộ trình các tuyến vận tải khách cố định trên mã QRcode cho phù hợp yêu cầu thực tế, hợp lýTuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đi vào hoạt động có thu phí, xe vận tải tuyến cố định và hành khách có nhu cầu đi theo tuyến đường này để rút ngắn quãng đường và thời gian từ các tỉnh Nam Bộ lên Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung lộ trình trong mã QRcode trên phù hiệu, nên cũng không thể lưu thông trên tuyến này.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và hoạt động vận tải được thông suốt, hiệu quả; Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam nhanh chóng sửa đổi, cập nhật lộ trình các tuyến vận tải khách cố định trên mã QRcode cho phù hợp yêu cầu thực tế, hợp lý.

Trong trường hợp chưa kịp thời sửa đổi, cập nhật lộ trình tuyến trên mã QRcode cho những xe có nhu cầu, kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam trao đổi với Cục Cảnh sát giao thông để chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các xe khách tuyến cố định hoạt động trên các đoạn tuyến cao tốc đã được công bố đưa vào khai thác.

Hoài Linh - Vũ Tâm
Giá xăng dầu, tăng giảm trái chiều
Hôm nay (2/5) là thời điểm điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Trong kỳ điều hành này, giá xăng, dầu biến động trái chiều với mức độ nhẹ.

Vi phạm “bủa vây” Bến xe Giáp Bát
Hàng loạt vi phạm trật tự đô thị, trật tự ATGT và vô số điểm gửi xe quanh bến ô tô Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn tấp nập hoạt động, phớt lờ Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội.

Đèo Cả: Lãi tăng 37% từ BOT và thầu cao tốc
Lãi ròng của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV) trong quý I/2024 đã tăng 32% khi mảng thu phí BOT lẫn xây lắp cùng tăng trưởng tích cực.

Du lịch đường bộ và tàu hoả 'lên ngôi'
Dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay, nhiều người dân lựa chọn phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt để di chuyển, du lịch những điểm quanh thành phố.

Xếp hạng tín nhiệm của VPBank duy trì ở mức Ba3, triển vọng ổn định
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Ratings (Moody’s) mới đây đã công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Ba3, triển vọng ổn định, cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Bắc Ninh tăng xe phục vụ người dân dịp Lễ
Do thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài, dự báo lượng hành khách đi lại trên các tuyến vận tải khách sẽ tăng cao. Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bắc ninh triển khai nhiều kế hoạch nhằm phục vụ nhu cầu tối đa nhu cầu đi lại của người dân, du khách.

Rà soát tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.