Thêm 52 doanh nghiệp bất động sản bán trái phiếu
Để hấp dẫn nhà đầu tư khi mà chất lượng tài sản đảm bảo không cao, nhiều doanh nghiệp phải duy trì lãi suất phát hành tốt hơn các nhóm khác.
Theo SSI Research, năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành 722.700 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020. Số TPDN phát hành ròng 2021 (lượng phát hành trừ đi lượng đáo hạn và mua lại trước hạn) ước tính là 438.000 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2020.
Tổng lượng TPDN lưu hành tại cuối 2021 ước tính khoảng 1,39 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017-2021. Quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 4,93% GDP (2017) lên tới 16,6% GDP (2021).
Dù kênh tín dụng vẫn là kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp nhưng kênh chứng khoán đang tăng tốc mạnh mẽ, quy mô thị trường cổ phiếu và TPDN tăng nhanh từ mức 68% (2020) lên mức tương đương 88% (2021) so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Sự tăng trưởng này phù hợp với định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng của cơ quan quản lý.
Số lượng các doanh nghiệp BĐS phát hành tăng từ 141 doanh nghiệp năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021. Để hấp dẫn nhà đầu tư khi mà chất lượng tài sản đảm bảo không cao, nhóm này phải duy trì lãi suất phát hành tốt hơn các nhóm khác.
Nguyên nhân được chỉ ra là bởi nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản ngày càng tăng, trong khi nhóm này lại gặp khó trong tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, trái phiếu BĐS có lãi suất duy trì ở mức cao trong cả 3 năm gần đây (10,3%-10,6%), trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm thấp thì mức giảm của trái phiếu BĐS vẫn nhỏ nhất và một phần đến từ kỳ hạn phát hành ngắn hơn (0,33 năm).
Một số doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu lãi suất cao nhất thị trường (12-13%/năm) là Phát Đạt, Hoàng Phú Vương, Cty TNHH Đầu tư BĐS Unity. Đáng chú ý, số trái phiếu không có TSĐB hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp BĐS là 172,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành 2021. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33 nghìn tỷ đồng (10%) trái phiếu BĐS phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo.
Hồi quý IV/2021, SSI Research lưu ý rằng việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Giới chuyên gia cũng từng cảnh báo đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Dù vậy, theo ghi nhận, việc dùng cổ phiếu làm đảm bảo cho các khoản vay trái phiếu tại các doanh nghiệp bất động sản đang ngày càng thịnh hành.