Chuyên mục


Ngân hàng giảm 'vai diễn' trên thị trường trái phiếu

24/03/2022 08:55 (GMT +7)

Số trái phiếu sẽ đáo hạn năm nay ước tính khoảng 266.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 19% lượng lưu hành. Nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao, lãi suất trái phiếu có thể sẽ tăng.

Lãi suất trái phiếu có thể sẽ tăng

Các nhà phân tích của SSI Research kỳ vọng thị trường trái phiếu năm 2022 vẫn có tiềm năng tăng trưởng tốt do cả cung và cầu duy trì ở mức cao nhưng có thể bị tác động mạnh từ các thay đổi pháp lý, lãi suất phát hành trái phiếu có thể nhích tăng, vai trò của các Ngân hàng sẽ tiếp tục thu hẹp cũng như hoạt động xếp hạng tín nhiệm có nhiều tiềm năng phát triển.

Trái phiếu năm 2022 vẫn sẽ hấp dẫn bởi sự thiếu hụt trái phiếu mới để đáo hạn trái phiếu cũ

Trái phiếu năm 2022 vẫn sẽ hấp dẫn bởi sự thiếu hụt trái phiếu mới để đáo hạn trái phiếu cũ

Đơn vị này cũng dự đoán mặt bằng lãi suất tiền gửi năm 2022 có thể tăng nhẹ 20-25bps nên chênh lệch lãi suất kênh trái phiếu so với kênh tiền gửi vẫn duy trì ở mức hấp dẫn, nhu cầu đầu tư thị trường này vẫn cao. Mặt khác, số đáo hạn năm nay ước tính khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lượng lưu hành. Nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Bởi vậy, nguồn cung trái phiếu dự kiến vẫn rất dồi dào.

"Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi nhích tăng nên lợi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ tăng theo do phần lớn trái phiếu doanh nghiệp phát hành có lãi suất thả nổi. Bên cạnh đó, xu hướng tăng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương lớn và áp lực lạm phát trên thế giới có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư, làm tăng kỳ vọng lãi suất với các đợt phát hành trái phiếu mới,” nhóm chuyên gia nhận định.

Lưu ý những thay đổi về pháp lý sẽ có những tác động lớn đến thị trường. Cụ thể, dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ, ngoài việc quy định chi tiết hơn (về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký/thay đổi/hủy bỏ giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán… ) còn đưa ra một số điểm sửa đổi bổ sung quan trọng.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn. Ngoài ra, trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành trái phiếu hoặc cam kết, thì nhà đầu tư có quyền yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.

Mặt khác, dự thảo cũng đưa ra quy định về yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liên trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành.

Các quy định trên nếu có hiệu lực sẽ giảm bớt đáng kể cơ hội huy động vốn trái phiếu của các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc siết cứng quy định về mục đích phát hành với dòng vốn trái phiếu (thường dài 3-5 năm) cũng có thể khiến doanh nghiệp phải cân nhắc lại về kênh gọi vốn này.

Từ cuối năm 2021, giới chuyên gia đã tăng mạnh cảnh báo rủi ro khi các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu ồ ạt. Trái phiếu mới phát hành để trả nợ trái phiếu cũ, mua bán chéo trái phiếu giữa các ngân hàng và công ty con; phát hành trái phiếu để đảo nợ,…

Sau vụ thổi giá đất Thủ Thiêm và bỏ cọc; Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng I đề nghị tổng giám đốc ngân hàng báo cáo thực trạng cấp tín dụng gồm cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu… đối với các doanh nghiệp và cá nhân để tham gia đấu giá các lô đất này.

Đầu năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường giám sát, quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và chứng khoán, những lĩnh vực tăng nóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngân hàng thu hẹp vai trò nhà đầu tư và tổ chức phát hành

Các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 722.700 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021, tăng 56% so với năm 2020. Số trái phiếu phát hành ròng 2021 ước tính là 438.000 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2020.

Tổng lượng trái phiếu lưu hành tại cuối 2021 ước tính khoảng 1,39 triệu tỷ đồng, tương đương 46%/năm trong giai đoạn từ 2017 - 2021. Quy mô thị trường tăng mạnh từ 4,93% GDP của năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021.

Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam

Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam

Trái phiếu ngân hàng hiện đang dần thu hẹp tỷ trọng trong tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Các ngân hàng phát hành tổng cộng 226.000 nghìn tỷ đồng - tương đương 31,3% tổng lượng trái phiếu và tăng 73% so với năm 2020 để bù đắp lượng mua lại trước hạn lên tới 67.000 tỷ đồng.

Tổng số ngân hàng đang lưu hành cuối năm 2021 ước tính khoảng 540.000 tỷ đồng, chiếm 39% quy mô thị trường. Điều này cho thấy quy mô thị trường trái phiếu phi ngân hàng đang tăng nhanh, gấp từ 3 đến 4 lần so với cuối 2018 với khoảng 854.000 tỷ đồng tại cuối 2021, tương đương 10,2% GDP.

Không chỉ vậy, ngân hàng cũng đang giảm dần vai trò trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp cùng với lãi suất kém hấp dẫn. Theo ghi nhận trên thị trường sơ cấp, các ngân hàng và công ty chứng khoán vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất khi mua tổng cộng 373.000 tỷ đồng, chiếm 52% tổng số phát hành năm trước.

Trong phạm vi 15 ngân hàng thương mại SSI research theo dõi với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 75% thị phần tín dụng toàn hệ thống (không tính Agribank), tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các đơn vị này đầu tư tại 31/12/2021 là khoảng 214.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2020.

Sự thu hẹp vai trò của các ngân hàng ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trên thị trường cho thấy sự tăng trưởng thực chất của thị trường này với định hướng dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn thay thế cho kênh tín dụng.

Ngoài ra, lãi suất trái phiếu bình quân có mức giảm lớn nhất ở nhóm Ngân hàng (từ 6,34% năm 2020 xuống 4,31% năm 2021) một phần do kỳ hạn trái phiếu phát hành ngắn hơn.

Theo ghi nhận, các doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất, tổng cộng 318.200 tỷ trong năm 2021 – chiếm 44% tổng lượng phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020. Ngoài ra, trái phiếu bất động sản vẫn là nhóm lãi suất hấp dẫn nhất thị trường.

Nhóm trái phiếu bất động sản có lãi suất duy trì ở mức cao trong cả 3 năm gần đây (10,3%-10,6%), trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm thấp thì mức giảm của nhóm này vẫn nhỏ nhất và một phần đến từ kỳ hạn phát hành ngắn hơn (0,33 năm). Nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp ngành này ngày càng tăng do khó tiếp cận tín dụng ngân hàng hơn. Số lượng các doanh nghiệp bất động sản phát hành tăng từ 141 doanh nghiệp năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021. Để hấp dẫn nhà đầu tư khi mà chất lượng tài sản đảm bảo không cao, nhóm này phải duy trì lãi suất phát hành tốt hơn các nhóm khác.

Bên cạnh đó, gần như toàn bộ 226.000 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng và 28.500 tỷ đồng trái phiếu các định chế tài chính khác (chủ yếu là công ty chứng khoán) phát hành trong năm 2021 đều không có tài sản đảm bảo. Với đặc tính là các trung gian tài chính, có khả năng thanh toán và thanh khoản cao, được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nên việc các trái phiếu này không có tài sản đảm bảo cũng không đáng ngại và là thông lệ thị trường.

Với 468.000 tỷ đồng của số còn lại, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 18%, đảm bảo toàn bộ bằng cổ phiếu chiếm 7%, đảm bảo một phần bằng tài sản/bất động sản và một phần bằng cổ phiếu chiếm 28%. Như vậy số trái phiếu không có hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu vẫn chiếm 53% tổng trái phiếu phi tài chính phát hành.

Trong năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua tổng cộng 48.200 tỷ đồng trái phiếu sơ cấp, tăng 288% so với lượng mua năm 2020. Nếu loại trừ số trái phiếu phát hành quốc tế, số nội địa mà nhóm này mua năm qua là 8.000 tỷ đồng – tăng 80% so với 2020. Mặc dù lượng mua vẫn khá nhỏ bé, chỉ chiếm 6,7% lượng phát hành cả năm nhưng đã tăng đáng kể so với tỷ trọng chỉ 2,7% trong năm 2020 cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này.

Thiên Hương
Lên kế hoạch triển khai Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa chủ trì cuộc họp với Ủy viên UBND Thành phố, đại diện các sở, ngành góp ý cho dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.

SeABank và Tập đoàn BRG chung tay phủ xanh gần 20ha rừng tại Lào Cai
Tiếp nối chuỗi hoạt động đồng hành cùng các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) và Tập đoàn BRG chung tay cùng Báo Nhân dân trồng 68.000 cây, trị giá 1 tỷ đồng nhằm phủ xanh gần 20ha diện tích rừng và phục hồi sinh kế cho người dân tỉnh Lào Cai.

Bỏ 5 Thông tư lĩnh vực tài chính ngân hàng
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 78/2024/TT-BTC bãi bỏ các Thông tư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

SeABank dẫn đầu Top 10 doanh nghiệp Quản trị công ty tốt nhất
Trong khuôn khổ Lễ trao giải “Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024” (VLCA 2024) nhằm tôn vinh các doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tự hào được xếp hạng đầu tiên trong Top 10 doanh nghiệp Quản trị công ty tốt nhất.

SeABank nâng cao năng lực Ban kiểm soát để tăng cường khả năng giám sát và phát triển bền vững cho Ngân hàng
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường để bầu bổ sung 02 thành viên Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2023 – 2028, nâng tổng số thành viên BKS lên 05 thành viên.

Ngân hàng đầu tiên phê duyệt khoản vay mua xe ô tô trên nền tảng đối tác
Không cần đến showroom ô tô hay chi nhánh ngân hàng, sau khi chọn được mẫu xe mong muốn, khách hàng có thể tự đăng ký vay mua xe ngay trên website của Carmudi và nhận kết quả phê duyệt của VPBank qua email ngay sau 5 phút.

Chuẩn bị xây cao tốc Nam Định - Thái Bình
Chủ tịch tỉnh Thái Bình vừa phê duyệt dự án xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, trong đó đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).