Thái Nguyên: Cần đẩy mạnh triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp
Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên. Hội nghị nhằm giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người, tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm du lịch của Thái Nguyên, qua đó thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác phát triển du lịch.
Thái Nguyên là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn du khách. Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 57 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh; gần 300 làng nghề, trên 230 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao. Thái Nguyên có thành phần dân tộc phong phú, đa dạng. Các dân tộc còn lưu giữ được nhiều những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có tổng số 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cùng với đó, Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” thu hút du khách về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, tiêu biểu như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái; Khu di tích khảo cổ học Thần Sa, huyện Võ Nhai… Thái Nguyên cũng là điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bởi đây là vùng đất non xanh nước biếc, khí hậu mát mẻ trong lành với những danh thắng nổi tiếng như Hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà, những dòng suối, thác nước, bãi đá đẹp hoang sơ trên sườn đông Tam Đảo, những đồi chè xanh ngát thơ mộng. Thái Nguyên là tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước ,với tổng diện tích 22,2 nghìn ha và 267,5 nghìn tấn búp tươi, được mệnh danh “Đệ nhất danh Trà”.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 04 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, độc đáo cùng với các giá trị văn hoá đặc sắc hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một hành trình trải nghiệm trọn vẹn với đầy đủ sắc màu về vùng đất và con người Thái Nguyên.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho rằng, đây là sự kiện rất ý nghĩa trong giai đoạn các cấp, các ngành, các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Tỉnh Thái Nguyên có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài. Vùng đất “Đệ nhất danh Trà” có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú, hội tụ nhiều di sản văn hóa, lịch sử có giá trị để phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc, phát triển được những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng trên cơ sở phát huy về lợi thế, tiềm năng, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đề nghị trong thời gian tới Thái Nguyên cần tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu; định hướng quy hoạch phát triển hạn chế đến mức tối đa các sản phẩm du lịch có sự tương đồng, trùng lặp giữa các địa phương trong vùng. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, đồng thời chú trọng tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội tỉnh, nội vùng nhằm tạo nền tảng cơ sở vật chất dịch vụ du lịch của địa phương ngày càng tốt hơn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác hợp tác, liên kết vùng. Các địa phương, các ngành chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh đưa khách đến các tỉnh phụ cận và ngược lại.
Các địa phương trong nội vùng cần chủ động liên kết, hợp tác xây dựng, giới thiệu các sản phẩm du lịch, các gói liên kết kích cầu du lịch nội vùng lẫn nhau theo hướng ưu đãi, ưu tiên, ủng hộ sử dụng dịch vụ của nhau cùng thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Các tỉnh, thành thường xuyên liên kết, hợp tác quảng bá và xúc tiến tại sự kiện trong nước; từng bước cùng thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch tại nước ngoài để thu hút khách quốc tế. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai các hoạt động liên kết phát triển du lịch ngày càng hiệu quả, hướng đến trao đổi khách hai chiều, tạo thêm thị trường cho các điểm đến.
Tại Hội nghị, các lãnh đạo và đại biểu tham dự đã lắng nghe đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên giới thiệu một số chương trình tour du lịch kết nối giữa thành phố Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Sông Hồng với Thái Nguyên và một số tỉnh, thành lân cận.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định và Hưng Yên.