Taxi Saigontourist: Lãnh đạo thanh lý xe, tài xế tăng giá cước 10 lần
Tài xế hãng taxi Saigontourist thừa nhận thu giá cước 1,2 triệu đồng của du khách, trong khi đồng hồ báo 120.000 đồng. Chưa rõ, nội bộ công ty vận chuyển này sẽ giải quyết ra sao, nhưng hiện dàn lãnh đạo chưa lấy lại được hoà khí, tiếp tục thanh lý 15 xe để lấy vốn kinh doanh.
Chiều ngày 14/3, Thanh tra giao thông (Sở GTVT TP.HCM) cho biết đơn vị đã phối hợp với Công an đồn cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, An ninh sân bay kiểm tra và xử lý một tài xế taxi có hành vi"chặt chém" khách du lịch.
Cụ thể, hành khách người Nhật Bản, xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất về khách sạn ở quận 1, chặng đường dài khoảng 7 km. Đồng hồ trên xe báo cước phí hơn 120.000 đồng nhưng tài xế đã thu của du khách 1,2 triệu đồng.
Thấy tiền cước di chuyển quá cao, du khách người Nhật Bản đã báo sự việc với quản lý khách sạn. Mặt khác, vị khách này đã đến Công an Cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất để trình báo sự việc.
Nhận được thông tin, Công an đồn cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất phối hợp với Thanh tra giao thông cùng các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra. Qua làm việc, tài xế hãng taxi Saigontourist thừa nhận việc thu giá cước cao. Thanh tra giao thông và các bên liên quan đã lập biên bản sự việc. Tài xế cũng đã hoàn trả số tiền cho hành khách.
Ngoài ra, qua kiểm tra, Thanh tra Sở GTVT TP phát hiện phù hiệu chiếc taxi này đã hết hạn và tiến hành xử phạt theo đúng quy định. Đại diện Thanh tra Sở GTVT cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý nghiêm tình trạng "chặt chém" hành khách, thu phí cước vận tải quá cao. Từ đó xây dựng hình ảnh TP.HCM văn minh, hiện đại.
Theo thông tin mới nhất tháng 3/2023, HĐQT Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist (mã STT) đang lấy ý kiến cổ đông bán thanh lý 15 xe tập lái tại trung tâm dạy nghề để lấy vốn kinh doanh, giảm chi phí. Hiện giá cổ phiếu STT đang là 2.000 đồng/cổ phiếu, gần như không có giao dịch.
Saigontourist tiền thân là đội xe vận chuyển du lịch của Công ty Du lịch Tp.HCM, được tiếp quản từ tháng 7/1976. Tháng 8/1986, đội xe đã được chuyển thành Xí nghiệp Ô tô Saigon Tourist, trực thuộc Công ty Du lịch Tp.HCM. Đến tháng 7/1999, Xí nghiệp Ôtô Saigon Tourist được đổi thành Công ty Vận chuyển Saigon Tourist, trực thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Hiện Saigontourist không nắm giữ vốn tại STT.
Ngày 24/4/2004, Công ty chính thức được Ủy ban Nhân dân Tp.HCM phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo hình thức CTCP. Ngày 9/3/2009, STT chính thức được tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính của STT là taxi với thương hiệu Taxi Saigontourist và cho thuê xe, đào tạo lái xe...
Năm 2022, STT tiếp tục lỗ. Báo cáo tài chính công bố tính tới 31/12/2021, tổng lỗ lũy kế của Công ty là 107 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ 27 tỷ đồng (vốn điều lệ Công ty là 80 tỷ đồng).
Điểm đáng lưu ý, kiểm toán nhấn mạnh: “Không nhằm mục đích loại trừ, chúng tôi lưu ý người đọc báo cáo tài chính tổng hợp tại thời điểm 31/12/2021, Công ty đã có số lỗ lũy kế là 107,1 tỷ đồng, khoản lỗ này đã làm cho vốn chủ sở hữu âm, đồng thời các khoản vay nợ và nợ phải trả đã quá hạn thanh toán đến ngày 31/12/2021. Theo nội dung đã trình bày ở phần VIII.5 của thuyết minh báo cáo tài chính tổng hợp, khả năng Công ty tiếp tục hoạt động liên tục tùy thuộc rất lớn vào việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Ban Tổng giám đốc, sự hỗ trợ tài chính của các bên liên quan và ngân hàng cũng như sự phát triển trở lại sau Đại dịch toàn cầu”.
Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của Vận chuyển Sài Gòn Tourist giảm 11,3% so với đầu năm về 25,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 9,84 tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 8,54 tỷ đồng, chiếm 33,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 5,7 tỷ đồng, chiếm 21,9% tổng tài sản và các tài sản khác.
Điểm đáng lưu ý, chất lượng tài sản Công ty nhiều năm qua có vấn đề khi liên tục phải trích lập dự phòng. Đơn cử, phải thu của khách hàng 15,5 tỷ đồng, Công ty trích lập 12,61 tỷ đồng; trả trước cho người bán ghi nhận 0,92 tỷ đồng, Công ty trích lập dự phòng 0,81 tỷ đồng; phải thu về cho vay ghi nhận 5,8 tỷ đồng, Công ty trích lập dự phòng toàn bộ 5,8 tỷ đồng; phải thu khác ghi nhận 42,96 tỷ đồng, Công ty trích lập dự phòng 39,95 tỷ đồng …
Vận chuyển Sài Gòn Tourist từng giao dịch cổ phiếu trên sàn HOSE, nhưng do thua lỗ nhiều năm liên tiếp dẫn tới âm vốn chủ sở hữu nên bị hủy niêm yết buộc và chuyển sang giao dịch trên thị trường UPCoM.
Hiện nội bộ lãnh đạo công ty cũng tương đối bất đồng quan điểm. Ông Nguyễn Văn Hồng, thành viên HĐQT đồng thời là cổ đông lớn từng yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, đến nay yêu cầu này đã không được Tòa án Nhân dân TPHCM chấp thuận. Phía STT cũng đã có phản pháo, cáo buộc ông Hồng với vai trò là Thành viên HĐQT, cổ đông lớn nhưng đang cố tình chống phá Công ty.
Về phía Nhật, sau khi tiếp quản STT, ông Kakazu Shogo (Tổng Giám đốc) cho đánh giá lại quá trình công tác của cán bộ và đã khởi kiện ông Đinh Quang Hiển, nguyên Tổng Giám đốc giai đoạn trước 2014 để đòi bồi thường gần 3 tỷ đồng. Ban lãnh đạo người Nhật cho rằng STT đang đối mặt với những tổn thất do hậu quả của hệ thống điều hành cũ và hành vi phá hoại, cản trở vì lợi ích nhóm.
Ngược lại, ông Hồng cũng từng khởi kiện ông Kakazu Shogo, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sài Gòn Tourist về việc ngăn cản Ban kiểm soát thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND TPHCM khẳng định, ông Kakazu không ngăn cản quyền kiểm soát của Ban kiểm soát mà cón khẳng định điều ngược lại, đó là ban này có sai phạm trong quá trình điều tra. Chưa dừng lại ở đó, ông Hồng còn kiện các thành viên HĐQT người Nhật liên quan đến việc thanh lý 80 xe taxi và yêu cầu bồi thường hơn 42 tỷ đồng vì cho rằng việc thanh lý này gây thiệt hại cho công ty. Vụ án đến nay vẫn chưa được giải quyết. STT sau đó cũng liên tục vướng vào các vụ kiện và các vụ xử phạt vi phạm hành chính về thuế khiến tình hình tài chính công ty ngày càng khó khăn.