Láo nháo "xe dù, bến cóc" ở Bắc Giang
Ở Bắc Giang, "taxi dù" hoạt động thiếu sự quản lý khiến khách đi xe bị ảnh hưởng quyền lợi, thậm chí “chặt chém”, lấy giá cao. Tình trạng này còn tác động xấu đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, cạnh tranh không lành mạnh với các xe có đủ điều kiện hành nghề.
Thống kê sơ bộ của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Bắc Giang cho thấy, trên địa bàn tỉnh có hơn 260 “taxi dù” hoạt động thường xuyên, tuy nhiên con số thực tế có thể nhiều hơn. Do đi làm ăn xa ở miền Nam từ nhiều năm, cuối tháng 9 vừa rồi, vợ chồng chị N.T.L quê ở xã Vô Tranh (Lục Nam) có việc gia đình nên bắt xe về Bến xe khách Bắc Giang. Vừa xuống xe đã có một số tài xế xe ôm, “taxi dù” vây quanh chào mời.
Thấy một xe có màu sơn xanh rất giống hãng taxi nổi tiếng, chị L liền hỏi giá. Lái xe nói quãng đường như vậy lấy 350 nghìn đồng, anh chị đồng ý. Tuy nhiên đi đến khu vực đường 293 đoạn qua xã Khám Lạng (Lục Nam), lái xe “giở trò”, dừng lại nói lúc nãy tính nhầm đường, đòi thêm 50 nghìn đồng nữa.
Sau một hồi tranh cãi gay gắt, gã tài xế bỗng trở mặt, đe dọa nếu không đưa thêm tiền sẽ bỏ lại giữa đường. “Số tiền 50 nghìn đồng không lớn nhưng chúng tôi kiên quyết không trả vì kiểu làm ăn như lừa đảo vậy. Quãng đường còn lại chúng tôi phải bắt xe khác sau khi đưa cho lái xe 200 nghìn đồng. Tìm hiểu kỹ chúng tôi mới biết đó là xe dù, không có biển hiệu, đồng hồ tính cước…”, chị L nói.
Tìm hiểu được biết, trường hợp như vợ chồng chị L không phải hiếm. Hiện nay, ở các khu vực đông người, nút giao thông lớn, bệnh viện ở TP Bắc Giang có rất nhiều “taxi dù” đậu đỗ, chào mời khách. Đơn cử như tại ngã ba giao cắt đường Xương Giang - Nguyễn Văn Cừ, đường Hùng Vương - Lê Lợi, Bến xe khách Bắc Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh… Ở các huyện, “taxi dù” tập trung ở khu vực huyện lỵ, các tuyến giao thông trọng điểm, khu công nghiệp…
Trong vai một lái xe thất nghiệp, tôi lân la ở khu vực nút giao Đình Trám (Việt Yên) để hỏi chuyện với những người hành nghề “taxi dù”. Một lái xe tên Ngọc rỉ tai: “Nghề này như đi câu, có khi ngồi trà đá cả ngày hoặc vạ vật ngủ trong xe nhưng gặp khách thì kiếm vài trăm nghìn dễ như không. Cứ mở cửa xe là 50 nghìn đồng, "luật" ở đây thế rồi, khách cấm cãi, nhìn mặt mà lấy tiền, nếu may mắn gặp khách đi tỉnh ngoài thì có ngay 1- 2 triệu đồng sau khi trừ xăng dầu, chi phí cầu đường”.
Cũng theo Ngọc, chỉ cần mang xe ra đợi khách ở những chỗ đông người qua lại, đường gom dọc cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, ven các khu công nghiệp: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung, các khu nhà trọ, hàng quán… là có việc làm. Tất nhiên ban đầu phải biết điều với những “ma cũ”, đó là không được tranh giành khách, nếu họ “bắn” khách cho thì phải “cắt” 10-20% số tiền thu cho họ.
Kiểu hoạt động bát nháo này khiến các hãng taxi có đầy đủ giấy tờ pháp lý, chấp hành nghiêm quy định bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đại diện hãng taxi Hương Giang, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) cho biết, để được hoạt động, doanh nghiệp phải hoàn thiện nhiều loại thủ tục, quy định về lái xe, phương tiện, tần số liên lạc, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ tài chính, thuế… Trong khi đó “taxi dù” không thực hiện theo bất cứ quy định nào, đậu đỗ lung tung, hét giá, lừa khách, lái xe không đủ điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề, hành khách không được bảo hiểm nếu xảy ra tai nạn, trên đường thì tranh giành khách, vi phạm an toàn giao thông.
Trao đổi với ông Hoàng Thế Hanh, Chánh Thanh tra Sở GTVT được biết, đơn vị đã nắm được tình trạng “taxi dù” tồn tại và có chiều hướng tăng lên trên địa bàn một số huyện, thành phố. Thủ đoạn hoạt động của những phương tiện này là đội lốt, trá hình như xe cá nhân, xe gia đình, không được Sở GTVT cấp phù hiệu… tuy gắn mào taxi (loại nam châm, khi cần có thể tháo ra để đối phó với lực lượng chức năng) nhưng không có tên hãng, chỉ có số điện thoại của lái xe. Cá biệt, một số hãng taxi hoạt động không phép, trái phép như Quang Hanh, Việt Yên, Hồng Hải...
Nhiều tài xế lập hội nhóm trên mạng xã hội để bắt, nhượng khách cho nhau mà không cần tổng đài như xe tiện chuyến, xe ghép. Khảo sát của Sở GTVT cho thấy, ở huyện Việt Yên có khoảng 60 xe, thường xuyên hoạt động ở khu vực cầu vượt Khu công nghiệp Đình Trám (20 xe), ngã tư Đình Trám (30 xe), bờ hồ Bích Động (10 xe); huyện Hiệp Hòa có hơn 40 xe; huyện Yên Dũng có hơn 30 xe; TP Bắc Giang có gần 20 xe...
Để đối phó với lực lượng chức năng, khi bị kiểm tra, lái xe thường nói chở bạn bè, người thân, trong khi rất khó chứng minh việc phát sinh giao dịch giữa lái xe và khách. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ xử lý được hơn chục trường hợp, số tiền xử phạt hơn 60 triệu đồng nên không đủ sức răn đe.
Theo bà Đỗ Thị Lan, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Giang, nhằm chấn chỉnh tình trạng này, Sở tiếp tục triển khai các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, đưa hoạt động vào ổn định, nề nếp, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. Thanh tra GTVT chủ động phối hợp với lực lượng công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm đối với "taxi dù”.